Phế tích bị xâm lấn

Thành Điện Hải có tiền thân là đồn Điện Hải, được vua Gia Long thiết kế và cho xây dựng năm 1813 ở gần cửa biển, phía tả ngạn sông Hàn để kiểm soát tàu thuyền vào ra và trấn giữ Đà Nẵng. Đến năm 1822, vua Minh Mạng cho rời đồn vào gò đất cao phía trong (nay thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) và xây dựng kiên cố. Điện Hải là cứ điểm quân sự quan trọng nhất trong hệ thống thành, đồn phòng thủ ven vịnh Đà Nẵng thời kỳ đó. Nhà Nguyễn trang bị cho Điện Hải 200 quân lính luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cùng đầy đủ lương thực,  súng, thuốc súng, đạn dược và 30 súng thần công (đại bác) cỡ lớn.

Vậy mà, với sự tàn phá của chiến tranh, của thời gian và cả sự thiếu tôn trọng của con người với chứng tích lịch sử, thành Điện Hải suýt chỉ là phế tích vì bị xâm lấn thô bạo.

Tính đến thời điểm này, phía Nam thành đã mất, phía Bắc hư hại nhiều, chỉ duy nhất phía Đông và phía Tây là  còn giữ được nét kiến trúc thành trì ngày cũ. Trong nội thành, những chi tiết gốc còn nguyên vẹn, hiếm hoi là bốn góc thành cũng không được sử dụng hợp lý, bị bày la liệt chậu cây cảnh cùng cỏ rác. Phần hào xung quanh thành bị bỏ hoang, nước chỉ còn lấp xấp đủ cho cỏ dại mọc lan.

Những công trình cao tầng như: tòa nhà Công viên phần mềm, khách sạn N, khách sạn S.H và trung tâm hành chính thành phố…  đã chiếm hết không gian cảnh quan của di tích, thành Điện Hải hoang tàn, cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa phố thị ồn ào. Nguy hại hơn, trụ sở Bảo tàng Đà Nẵng ngay trong khuôn viên thành cổ kiến trúc đã bị phá nát, vi phạm nặng nề đến tính toàn vẹn của di tích.

Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng là người rất trăn trở với vấn đề giữ gìn, khai quật, thu hồi các tài sản, cổ vật liên quan đến những cuộc chiến tranh trên thành cổ. “Thành bị lấn chiếm nặng nề nên chỉ còn 2,6 ha nhưng trên thực tế, diện tích thành cũ lớn hơn rất nhiều và nếu khai quật chắc chắn sẽ thu được nhiều cổ vật có giá trị, đặc biệt là bộ 30 khẩu súng thần công. Song vì chưa di dời được các hộ dân trong diện giải tỏa nên việc thám sát khảo cổ không biết đến khi nào mới thực hiện được. Có những cổ vật chúng tôi biết người dân đã đào được, là cổ vật của thành nhưng không có cách nào truy hồi”.

Tìm cách… giải cứu

Sau hơn 40 năm bị lãng quên, năm 2016, Sở Văn hóa & Thể thao đã đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét lại giá trị lịch sử của di tích này. Đến đầu năm 2017, UBND thành phố phê duyệt phương án tôn tạo, phục hồi Thành Điện Hải. Theo đó, sẽ giải tỏa, di dời 80 hộ dân sống xung quanh bờ Tây thành, dừng hẳn các công trình xây dựng Trung tâm lưu trữ, tháo dỡ các yếu tố kiến trúc không nguyên gốc (bảo tàng), xây dựng không gian đệm cho di tích. Đồng thời tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc từ thành ngoài, hào tới nội thành, xây dựng khu tưởng niệm và các khu phụ trợ để phát huy giá trị của di tích.

leftcenterrightdel
 Đôi súng thần công nằm chơ vơ, khuất phía sau bảo tàng trên khuôn viên thành cổ.

Dự kiến, đến năm 2021, di tích sẽ được phục dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động đón tiếp khách thăm quan. Tổng kinh phí khoảng 98 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đền bù khoảng 67 tỷ đồng, chi phí cải tạo cảnh quan khuôn viên và xây dựng không gian đệm khoảng 18 tỷ đồng cùng với các chi phí khác.

PGS. TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: mới đây, với sự ủng hộ 100% của 25 giáo sư đầu ngành văn hóa – lịch sử, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận thành Điện Hải là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Nếu được công nhận, thành Điện Hải sẽ trở thành di sản văn hóa quốc gia đặc biệt đầu tiên tại Đà Nẵng.

Được biết, hiện TP. Đà Nẵng đã lên ý tưởng giải cứu thành Điện Hải. Theo GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, một việc cần làm ngay sau khi giải tỏa diện tích bị lấn chiếm, là chúng ta phải khai quật khảo cổ toàn bộ khu vực này để tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, truy tìm, thu hồi cổ vật còn nằm trong lòng đất. Nhất là tìm lại đủ bộ 30 khẩu súng thần công, nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị công nhận bộ sưu tập này là bảo vật quốc gia.

Anh Thư

TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế khẳng định: các tài liệu lịch sử đã chứng minh rằng, lối kiến trúc của thành Điện Hải là do chính vua Gia Long đã học, thiết kế và cho xây dựng. Mặc dù thành có hơi hướng của kiểu kiến trúc Vauban của Pháp là các góc nhô ra nhưng thành được xây hoàn toàn bằng gạch và pha trộn với kiến trúc thành truyền thống của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào, thành Điện Hải là thành của người Việt chứ không vay mượn kiến trúc từ Pháp.