Cũng giống bao làng nghề khác, làng nghề thêu tay Quất Động đang dần rơi vào quên lãng.

Thăng trầm lịch sử của làng nghề

leftcenterrightdel
 Một bức tranh đang thêu bởi nghệ nhân Hoàng Thị Khương

Làng thêu Quất Động thuộc huyện Thường Tín cách trung tâm Hà Nội 30km về phía Nam. Đã từ lâu, nơi đây nổi tiếng với nghề thêu truyền thống. Theo các cụ già trong làng thì nghề thêu ở đây có từ thế kỉ 15. Ông tổ của nghề thêu là ông Bùi Công Hành – người con Quất Động, sau khi ông đi sứ nhà Minh học được nghề thêu của Trung Quốc. Về nước, ông được vua Lê ban cho Quốc tính là Lê Công Hành và được phép truyền nghề thêu cho dân. Quất Động là quê hương của ông nên đây cũng là cái nôi của nghề thêu cả nước. Từ đây, nghề thêu Quất Động đã đi vào thơ, ca:

“Hỡi cô thắt má bao xanh

Có về Quất Động với anh thì về

Quất Động anh đã có nghề

Thêu gà, thêu vịt, thêu huê trên cành”

Đến làng Quất Động, chúng tôi gặp cụ Bùi Trần Thời, một nghệ nhân cao tuổi của nghề thêu tay. Cụ còn nhớ rất rõ về lịch sử bắt đầu nghề thêu, cụ kể: “Cụ Bùi Công Hành là ông tổ nghề thêu làng Quất Động cũng là ông tổ nghề thêu cả nước. Trong một lần đi sứ nhà Minh cụ đã học được cách thêu lọng. Khi về nước cụ đã đem cách thêu lọng Trung Quốc truyền dạy cho người dân quê hương. Nhờ công lao ấy, cụ được phong danh Kim Tử Vinh Lộc Đại phu, chức Tả Thị Lang Công bộ, tước Thanh Lương Hầu và được đổi sang họ Vua…”

leftcenterrightdel
Cụ Bùi Trần Thời – một nghệ nhân cao tuổi

Qua hơn 6 thế kỷ, đến nay, Quất Động  đã có nhiều tên tuổi được cả nước biết tới như: Cụ Bùi Lê Kính từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương; Cụ Thái Văn Bôn thêu chân dung vua Thái Lan hay cô Hoàng Thị Khương thêu chân dung Bác Hồ. Dân làng Quất Động thêu đủ mọi thứ như cờ, khăn trần, áo cho các quan văn, võ; Đồ thờ cúng các vị thần như y môn, câu đối, phướn, trướng. Vào đầu thế kỷ 19 nghề thêu vẫn phát triển thịnh vượng, tuy nhiên theo sự biến đổi của thời gian làng thêu Quất Động vẫn còn đó nhưng không được như xưa.

Giờ đây khi đến với làng Quất Động người ta không còn bắt gặp cảnh nhà nhà thêu, người người thêu như trước. Cả làng không còn lấy một cửa hàng bán đồ thêu, cũng không có một phòng triển lãm tranh thêu nào. Xã hội ngày càng phát triển, con người cuốn theo cơn lốc của thị trường, công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại đã dần thay thế sức người. Những sản phẩm thêu tay đắt đỏ đã không còn được ưa chuộng như trước. Đối mặt với vấn đề  “Cơm, áo, gạo, tiền”, hầu hết giới trẻ không còn muốn theo nghề. Bạn Thắm, người sinh ra và lớn lên ở Quất Động chia sẻ: “Cũng biết làng có nghề thêu truyền thống nhưng mình không theo, gia đình mình không có ai theo nghề thêu vì nghề này thu nhập không ổn định nên cuộc sống sẽ bấp bênh lắm.” 

Thợ thêu bỏ nghề làm công nhân

Trước việc những khu công nghiệp ở Nguyên Bì, Quất Động thường xuyên tuyển công nhân với mức lương từ 5 – 10 triệu đồng/tháng (cao hơn nhiều so với làm nghề thêu) thì rất nhiều thanh niên đã bỏ đi làm công nhân.

Nguyễn Thị Vân từng có 4 năm làm nghề thêu nhưng cuối cùng bỏ ngang vào làm công nhân Nhà máy Á Châu. Vân chia sẻ: “Em làm nghề thêu cùng chồng được 4 năm, nhưng sau đó chồng em đi xuất khẩu lao động thì em cũng bỏ nghề và vào làm Nhà máy Á Châu vì nghề thêu thu nhập thấp lắm, không đủ để chi tiêu cho gia đình. Em cũng biết đây là nghề truyền thống, cần được gìn giữ nhưng cũng vì miếng cơm, manh áo, nếu thu nhập khá thì không ai muốn bỏ nghề thêu cả”.

Nghệ nhân Hoàng Thị Khương chia sẻ : “Thêu tay bây giờ gặp phải nhiều sự cạnh tranh, thứ nhất là thị trường người Việt Nam bây giờ không còn chuộng tranh thêu nữa, khách mua tranh của cô chủ yếu là người nước ngoài. Thêm nữa, việc phải cạnh tranh với thêu máy cũng là một khó khăn rất lớn vì thêu máy vừa nhanh giá thành lại rẻ. Và hiện tại thì nghề thêu không được các bạn trẻ ưa chuộng”.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Hoàng Thị Khương đang hoàn thiện nốt tác phẩm chùa Một Cột

Còn ông Nguyễn Xuân Tiến (cán bộ xã Quất Động) cho biết: “Để duy trì làng nghề, xã dự định sẽ triển khai các biện pháp quảng bá sản phẩm, có chính sách thích hợp để hỗ trợ bà con nhằm giữ vững nghề truyền thống đã tồn tại nhiều thế kỉ qua…”.

Nỗi lo thất truyền nghề truyền thống

Ở thời điểm hiện tại, làng thêu Quất Động đã mất đi sự sôi động và điều dễ nhận thấy nhất là người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống của làng nữa. Cùng với sự thăng trầm của lịch sử , giờ đây làng nghề thêu tay Quất Động đứng trước nguy cơ thất truyền. Giới trẻ đang quay lưng lại với nghề, người theo nghề thì chỉ còn lại những người đã có tuổi hoặc khuyết tật với số lượng ít ỏi.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do mức thu nhập của nghề thêu quá thấp so với nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người dân. Thêm nữa, các cụm công nghiệp lại thường xuyên tuyển lao động mà làm việc ở những khu công nghiệp lương cao và ổn định hơn. Nếu tình trạng này kéo dài thêm vài năm thì nhắc đến Quất Động người ta sẽ không còn nhớ tới nghề thêu tay nữa.

Tranh thêu tay có một giá trị nghệ thuật đặc biệt không giống như tranh thêu công nghiệp khác. Mỗi nghệ nhân thổi hồn vào bức tranh thêu của mình qua từng đường kim mũi chỉ.

Chị Hoàng Thị Khương, một nghệ nhân rất tâm huyết với nghề thêu tâm sự: “Mỗi một bức tranh chị thêu đều là tâm tình của bản thân, có đôi khi nhìn một cảnh đẹp khi trên đường thì về nhà sẽ thêu ngay, mỗi một bức tranh thêu đều có một câu chuyện. Có khi cùng một cảnh ấy nhưng đến lúc nào đó muốn thêu lại thì cái hồn của bức tranh lại không giống như bức cũ nữa, đó chính là cái quý của tranh thêu tay”.

Chính vì lẽ đó, tranh thêu tay truyền thống xứng đáng được gọi là tác phẩm nghệ thuật. Và khi các cá nhân, tập thể, nhà quản lý ý thức được giá trị và tầm quan trọng của nghề thêu tay truyền thống thì những bức tranh thêu tay sẽ có cơ hội được khẳng định giá trị nghệ thuật của nó. Có như vậy thì đời sống của những người dân làm nghề thêu tay mới khấm khá hơn. Từ đó, tình yêu nghề của nghệ nhân sẽ càng lớn hơn, truyền thống sẽ được giữ gìn, phát triển. Hi vọng rằng trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ có những hành động thiết thực nhằm khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống này.

Hương My