Nội dung văn bản số 91 nêu rõ: Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong những ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018 đã diễn ra an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. Tuy nhiên, một số lễ hội, di tích vẫn còn xảy ra hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ mất an toàn trong di tích và lễ hội.
Do đó, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng đến phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia hoạt động lễ hội; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại di tích và lễ hội.
Các địa phương cần có biện pháp phân công người kịp thời thu gom tiền lẻ, tiền đặt lễ; hướng dẫn thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không để xảy ra chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh. Mặt khác, các địa phương cần giữ gìn vệ sinh môi trường; phối hợp với cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ hiện tượng người ăn xin, ăn mày đeo bám gây bức xúc cho du khách.
Tại các khu di tích, nơi diễn ra lễ hội, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích, nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội. Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội cần tuyên truyền để người tham gia lễ hội phải ứng xử có văn hóa; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của di tích và lễ hội.
Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội; không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội./.