(BVPL) - Trong thời gian qua, sự phát triển về chất của ngành xuất bản dường như chưa theo kịp sự phát triển về lượng. Tình trạng xâm phạm bản quyền song hành cùng với nạn in lậu vẫn là một căn bệnh mãn tính kéo dài trong nhiều năm.

 
 
Một nguyên nhân quan trọng khác là dường như người làm công tác biên tập xuất bản dường như chưa thích nghi kịp với tính đa dạng của môi trường trong nước cũng như quốc tế. Điều này là đặc biệt quan trọng khi liên quan đến lĩnh vực xuất bản các ấn phẩm dịch thuật. Nếu như trước đây, các quan hệ giao lưu văn hóa chủ yếu chỉ diễn ra giữa Việt Nam và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa với sự tương đồng rất cao về ý thức hệ, thể chế chính trị, chuẩn mực đạo đức và văn hóa thì ngày ngay, các quan hệ đó đã mở ra với tất cả các nước trên thế giới với một sự đa dạng ngày càng cao. Tính đa dạng đó được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực sách xuất bản, từ sách văn học, sách tham khảo cho đến sách dành cho thiếu nhi và ở nhiều cấp độ, từ nhỏ nhất như tranh minh họa cho đến những cấp độ nội dung cao hơn.
 
Vậy mà nhu cầu dịch thuật, nhập khẩu các sản phẩm văn hóa nước ngoài vào Việt Nam lại hết sức cao đi liền với việc lợi nhuận thu được từ các sản phẩm dịch thuật là không nhỏ. Chính tình hình này đặt người làm công tác biên tập xuất bản trước những thử thách. Nếu như các công ước quốc tế liên quan đến dịch thuật buộc các đơn vị xuất bản phải tôn trọng tính toàn vẹn về nội dung của ẩn phẩm thì người làm công tác xuất bản vẫn còn một quyền quan trọng là lựa chọn hay không việc nhập khẩu ấn phẩm thông qua con đường dịch thuật. Tất nhiên, bên cạnh việc từ chối dịch, người biên tập cũng có thể can thiệp vào bản dịch bằng nhiều con đường khác nhau như định hướng việc tiếp nhận thông qua hệ thống lời nói đầu, lời tựa cũng như các chú thích chứa đựng bình luận đi kèm với bản dịch. Đó là chưa kể tới việc định hướng dư luận thông qua các chiến dịch truyền thông sau xuất bản.
 
Xét một cách tổng thể, cần có một chiến lược trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên. Để làm được điều đó, không cách nào khác, cần phải khuyến khích việc mở rộng hệ thống đào tạo biên tập xuất bản ở bậc đại học, đặc biệt là các đại học tổng hợp có nghiên cứu khoa học cơ bản. Cũng có thể tính tới việc hình thành hệ thống chứng chỉ hành nghề đối với biên tập xuất bản với tư cách là một lĩnh vực nghề nghiệp đặc biệt (tương tự như một số lĩnh vực khác mà điển hình là kinh doanh dược phẩm). Ưu thế của hệ thống chứng chỉ hành nghề là khuyến khích người lao động có trình độ học vấn đa dạng tham gia vào công tác xuất bản sau khi có sự bổ sung kiến thức nghiệp vụ xuất bản. Hệ thống chứng chỉ hành nghề cũng là một công cụ để quản lí quá trình hành nghề của đội ngũ biên tập xuất bản. Cũng cần phải xác định những lĩnh vực có tính đặc thù trong ngành xuất bản (sách cho thiếu nhi, sách tham khảo, sách liên quan đến y học…) để từ đó, đặt ra những yêu cầu cao hơn về quy trình từ thẩm định bản thảo đến biên tập, xét duyệt xuất bản mà trong đó, bắt buộc phải có sự tham gia của hệ thống chuyên gia có chuyên môn sâu.
 
Cũng không thể bỏ qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với các biện pháp chế tài không chỉ dừng lại ở các công cụ kinh tế (điều có thể được bù đắp dễ dàng thông qua việc in lậu) đồng thời có chính sách liên đới về trách nhiệm giữa nhà xuất bản và đơn vị liên kết. Và cuối cùng, việc phát triển nguồn nhân lực, việc hoàn thiện hệ thống chế tài không thể tách rời việc hoàn thiện cơ chế thẩm định, hậu kiểm sau xuất bản để đảm bảo có được sự đánh giá khách quan, khoa học với các hiện tượng “có vấn đề” trong lĩnh vực xuất bản, tránh cả tình trạng “lọt người, lọt tội” lẫn tình trạng “oan sai” trong xử lí.
Có thể nói, hơn lúc nào hết, thực tế đang đặt ra những yêu cầu cấp bách về việc nâng cao chất lượng của lĩnh vực xuất bản và quản lí xuất bản.
 
Theo Dân Trí