Chợ Mới có 14 làng nghề được công nhận theo tiêu chí của UBND tỉnh. Trong đó, nghề chạm khắc gỗ đã tạo bước đột phá, đóng vai trò tích cực trong phát triển ngành nghề truyền thống, phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Đại diện làng nghề mộc Chợ Thủ, ông Trần Minh Đoàn cho biết: “Làng nghề nằm trên 4 ấp Long Thuận 1, Long Thuận 2, Long Định, Long Bình, có trên 1.000 hộ làm nghề, với 100 cơ sở lớn, nhỏ và trên 2.500 lao động. Doanh thu làng nghề hơn 200 tỷ đồng/năm, hình thành nhiều nhóm nghề: Chạm trổ điêu khắc, tiện, trang trí nội thất, sơn. Mặt hàng sản xuất đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng. Nghề làm mộc Chợ Thủ chủ yếu là “cha truyền con nối”, với 3 nhóm nghề chính: Tiện, chạm trổ và trang trí nội thất... Sản phẩm nhiều thời điểm không đủ cung cấp cho thị trường. Nhiều cơ sở phát triển mạnh, quy mô mở rộng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động như: Cơ sở Minh Tú, Thanh Hòa, Đông Trường...”.
Anh Hòa, chủ cơ sở Thanh Hòa cho biết: “Sản phẩm của cơ sở mộc ở đây ngày càng khẳng định thương hiệu, nổi tiếng nhờ sự chạm khắc khéo léo và đa dạng chủng loại, phục vụ trang trí nội thất. Để làm ra được sản phẩm đẹp mắt, gỗ phải qua nhiều công đoạn, công phu phức tạp. Qua bàn tay nghệ nhân những tấm gỗ được gia công thành những chiếc tủ, giường, bàn, ghế hay những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí tuyệt đẹp”.
Ông Trần Minh Đoàn cho biết: “Theo nhu cầu thị trường, nghề mộc thịnh hành, các cơ sở không ngừng đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng nơi bày bán hàng hóa. Hiện nay, xã Long Điền A có 16 cửa hàng trưng bày quy mô lớn và nhiều hộ làm hình thức hộ gia đình là vệ tinh cho các cơ sở lớn. Ngoài khách hàng trong và ngoài tỉnh trực tiếp đến tận nơi mua, sản phẩm làng mộc Chợ Mới còn được đặt hàng qua điện thoại, email, theo đường xe, tàu đi các địa phương vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, ra tận miền Trung và xuất sang Campuchia... “.
Giáp ranh xã Long Điền A, dọc tuyến Tỉnh lộ 942 làng nghề mộc Mỹ Luông phát triển khá sung túc. Đại diện làng nghề mộc thị trấn Mỹ Luông Trần Văn Quyền cho biết: “Làng nghề hiện có 246 cơ sở sản xuất mộc, trong đó có 12 cơ sở sản xuất, trưng bày hàng hóa quy mô lớn, sản phẩm làm ra chủ yếu là hàng trang trí nội thất. Nhiều năm nay, làng nghề mộc bước vào thời hoàng kim, nhu cầu thị trường đồ gỗ nội thất, tranh gỗ ngày càng lớn, từ đó hộ làng nghề không ngừng cải tiến mẫu mã, đầu tư mua sắm các máy móc hiện đại, như: Máy cưa vòng, máy cưa bào liên hợp và máy chạm 3D, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng”.
Hai làng nghề mộc này có rất nhiều hộ làm vệ tinh cho cơ sở mộc theo hình thức các cơ sở lớn cung cấp gỗ rồi thu mua sản phẩm của các hộ gia đình cơ sở nhỏ. Ngoài hàng hóa do cơ sở làm ra, đặt các cơ sở nhỏ không có nhà trưng bày, không có điều kiện bán hàng, lấy hàng hóa đem về cơ sở mình, do đó quy mô hàng hóa tại các cơ sở này ngày càng lớn. Nhờ chất lượng ổn định, mẫu mã đa dạng, được chính quyền hỗ trợ quảng bá sản phẩm nên đồ gỗ nội thất, mộc gia dụng, chạm khắc mộc của làng nghề mộc Chợ Mới không ngừng vang xa.
Song còn đó cái khó của làng nghề: Nguồn gỗ nguyên liệu tự nhiên sản xuất ngày càng khan hiếm; thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất; quá trình sản xuất các cơ sở chỉ che chắn tạm thời, thiếu thợ lành nghề, thợ giỏi để kế thừa. “Chợ Mới cần nhanh chóng thành lập cụm công nghiệp làng nghề mộc tập trung, hỗ trợ làng nghề thành lập mô hình điểm xử lý môi trường làng nghề. Thị trường TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương rất tiềm năng. Vấn đề cần thiết hiện nay là xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ...”- các hộ làng nghề chia sẻ.
Theo Hạnh Châu (Báo An Giang)