(BVPL) - Thế là cuối cùng, sau hai tuần tìm kiếm hết các xó xỉnh thành phố và các vùng lân cận, tôi đã có được tập thơ “Vũ trụ trong lòng tay”. Số là thời gian gần đây, đọc trên các tờ báo lớn thấy có mấy nhà thơ, nhà phê bình quen tên hết sức khen ngợi tập thơ này. Nào là “Cảm xúc của tác giả là cảm xúc vũ trụ có sức xô nghiêng các con chữ để con người hiện ra trần trụi giữa thiên nhiên”. Nào là “Tác giả đóng một cái mốc vào nền thi ca Việt Nam đương đại, và những ai không thích tập thơ này, chứng tỏ người đó không biết tý gì về thơ ca, và như thế không đủ tư cách để bàn bạc”. Vân vân và vân vân.

 


Và kỳ nghỉ phép năm đó tôi quyết định đi về thị xã X. thăm tác giả tập thơ, đồng thời thăm luôn chồng cô ta, cũng là một nhà thơ nhưng chẳng thấy ai khen, gần hai chục năm nay công tác ở Hội Văn nghệ tỉnh.

Cô Khế dạo này không chạy chợ bán rau nữa vì số người hâm mộ đến xin chữ ký quá nhiều, lại còn phóng viên đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí phỏng vấn, ghi hình, ghi âm nên tôi về tỉnh gần một tuần mới có dịp trò chuyện cùng hai vợ chồng cô được. Cô Khế vẫn quen miệng gọi tôi bằng thầy, vì hồi đang học cấp ba, tôi có tham gia dạy bổ túc văn hoá, trong lớp có cô. Sau khi nghe tôi nói qua về dư luận tập thơ “Vũ trụ trong lòng tay”, chồng cô mỉm cười, còn cô Khế hỏi tôi:

- Thưa thầy, cô dạo này đã xin được việc làm chưa ạ?

Số là vợ tôi cũng chuyển từ quê ra phố, mấy năm nay không có việc làm, “buôn trầu phải nắng, buôn vôi mưa dầm”, đời sống gia đình thật gieo neo. Nghe tôi kể các nghề của vợ tôi từng trải qua như rang lạc cho vào túi ni lông bỏ quán, cất tép ở hồ công viên… cô Khế cười giòn tan:

- Giống hệt như em một thuở! Thầy bảo cô làm thơ đi thầy!

Tôi cười chua chát:

- Làm thơ ngoài việc học hành ra, còn phải có gien nữa chứ đâu phải chuyện chơi?

- Thầy chỉ vẽ chuyện! Em nói thật với thầy nhá, không phải có gien đâu mà có ghen. Có nhà em đây chứng kiến, em làm thơ là do ghen!

Rồi cô kể tôi nghe quá trình cô trở thành nhà thơ như thế nào. Một thời cô đã từng đau khổ với thói tình tang của chồng. Anh ta đã áp dụng rất nhiều thủ đoạn để tranh thủ thời gian cặp kè với bồ. Buổi đầu đi chơi với bồ về anh giở trò nịnh vợ, ra vào huýt sáo vui vẻ, cũng đánh lừa được ít lâu, nhưng sau đó bị phát hiện. Thế là anh ta đổi chiều, sau khi vui vẻ với bồ về, anh nổi nóng, quát từ ngoài cổng quát vào, làm như đang bực mình về chuyện cơ quan, chuyện đó cũng có hiệu quả được ít lâu. Thư của bồ, anh bảo gửi bảo đảm như bài của cộng tác viên chu đáo gửi về toà soạn, hơn thế nữa, ngày tháng đầu thư đề lùi về quá khứ vài ba chục năm, tức là khi anh và cô Khế chưa hề quen biết nhau, để nhỡ ra thư ấy có lọt vào tay vợ, cũng đỡ nguy. Tất cả đều không qua được mắt cô Khế. Từ khóc, nhịn ăn, cào xé, đến báo cáo thủ trưởng cơ quan cô đã áp dụng, nhưng không làm sao để những bài thơ của chồng cô bay đi những chữ “EM” khốn nạn!

Cuộc chiến tranh lạnh như vậy xẩy ra trong căn nhà bé nhỏ kéo dài bằng ba, bốn cuộc chiến tranh Vùng Vịnh. Cô Khế gầy tọp đi, gánh rau trên vai cô đến chợ cũng gầy đi quá nửa so với hồi cô mới ra phố. Một hôm đang nằm khóc vì một bài thơ của chồng vừa mới đăng báo mà cô đếm được những 18 chữ “EM”, mà xem ra không có chữ “EM” nào chỉ mình cả, cô liền tung chăn, ngồi dậy tuyên bố:

- Được, ta đã có cách!

Thế là cô Khế bắt đầu làm thơ. Bài đầu tiên cô làm có tới mười chữ anh yêu, anh thương, anh cao thượng… mà hình dáng anh nào cũng khác hẳn chồng cô. Những bài về sau những chữ đó tăng lên vùn vụt. Cô tâm sự:

- Lúc đầu em cũng tập làm thơ năm chữ, bảy chữ và cả lục bát nữa, nhưng thấy khó quá. Người ta bảo thơ đó phải vần thế nọ, thế kia, phải bằng thế này, trắc thế khác… Mà thầy biết đấy, hồi thầy dạy em, chỉ đến cộng phân số, rồi lớp tan, chứ có ai dạy về thơ văn. Thế là em làm thơ hiện đại. Thầy cứ bảo cô ở ngoài đó làm thơ hiện đại, dễ lắm, chẳng phải vần điệu gì cả.

- Nhưng nó cũng phải có ý thế nào thì người ta mới chấp nhận chứ?

Nữ sĩ cười khoái trá:

- Thầy xưa lắm! Cần gì phải có ý mới làm được thơ? Thầy không nghe một nhà thơ nổi tiếng nọ tuyên bố rằng thơ không cần ý là gì? Nhưng bí quyết là phải viết thế nào cho không ai hiểu được gì cả, như vậy còn lâu họ mới dám chê mình. Đọc không hiểu, họ tự trách trình độ họ non kém, chứ ai biết được rằng chính người viết cũng có hiểu gì đâu!

- Thế thì làm thế nào để cho một nhà thơ tên tuổi nào đó chấp nhận, thậm chí còn khen?

Tôi vẫn ngây thơ tìm hiểu, cô Khế cười rồi giải thích:

- Trong số mấy trăm nhà thơ bây giờ thì thiếu gì kẻ điên và hâm hở thầy? Mình giả điên, gặp họ điên thật, thế là họ khen mình, tâng bốc mình. Bây giờ mỗi ngày em có thể viết được vài chục bài thơ, bài bào cũng được đăng, được khen, nhuận bút tuy không cao, nhưng cũng gấp mấy gánh rau mồng tơi chạy chợ. Em nói thật, thầy về bảo cô làm thơ ngay đi, biết đâu sang năm người ta lại  khen cô gấp mấy lần khen em ấy chứ.

Tôi vẫn chưa thoả mãn:

- Hỏi thật nhé, cô làm thế nào mà dám nói về cấu tạo vũ trụ, một vấn đề mà các nhà khoa học Việt Nam, chưa ai dám bàn tới, kể cả Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu?

- Một lần em nghe đài nói loáng thoáng thế nào đó, hình như ý kiến của một ông người Anh bị bại liệt. Em cũng chẳng nhớ gì đâu, nhưng em cứ nói đại vào, thầy đọc thầy cũng có hiểu em nói gì đâu, và có thể thầy biết em nói lung tung. Nhưng khối nhà thơ khác, nhất là những nhà thơ thích tuyên ngôn, nhưng dốt khoa học tự nhiên, họ tưởng em uyên bác lắm, rồi nể. Em nhắc lại, thầy về bảo cô làm thơ ngay đi, làm thơ hiện đại theo cách của em, trúng lắm…

 Tôi cám ơn nữ sĩ rồi đáp chuyến tàu đêm trở về thành phố. Lòng tôi phơi phới niềm vui vì vợ tôi sắp có nghề mới, đỡ vất vả hơn nghề chạy chợ nhiều, chỉ cần vợ tôi phải viết thế nào để người đọc, người nghe đừng ai hiểu gì cả!
 

Dương Nguyên

.