(BVPL) - Quảng Bình, mảnh đất vừa hứng chịu những mất mát to lớn do cơn bão số 10 tàn phá nay lại phải chịu thêm một nỗi đau, một sự mất mát quá lớn nữa là sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nỗi đau chồng nỗi đau, nhưng với bản tính kiên cường, cần cù, chịu thương chịu khó chúng ta vẫn tin người Quảng Bình sẽ nhanh chóng vượt qua nỗi đau để cùng xây dựng quê hương.
 


Xa quê, trong những ngày bão đổ bộ, tin tức mà tôi nắm bắt và cập nhật được là qua một đồng nghiệp làm việc ở Đài truyền hình Quảng Bình. Có những cuộc điện thoại mà giọng bạn tôi lạc đi trong bão: “Gió to lắm, cột sóng của VOV ở Đồng Hới gãy rồi mi ơi, nhà tau (tôi) cũng bị tốc mái rồi,  nhưng nhưng tau đang đi làm chưa về được”. Mấy tiếng sau khi bão đổ bộ, 1 giờ sáng, đứa em gái đang học đại học ở Đà Nẵng gọi cho tôi khóc thút thít: “Em lo quá, em gọi về nhà không được anh ơi, chiều đến giờ anh có tin gì ở nhà không?”. Biết là ở nhà mọi người vẫn an toàn nhưng để cập nhật thêm tin tức, tôi lại cầm máy gọi ngay cho đứa bạn, “Tau đang trực bão, cột sóng điện thoại ở ta gãy hết rồi, nhiều chỗ mất sóng không liên lạc được đâu” lời bạn tôi nói đứt quãng.

Bão qua, đọc những bài báo của các đồng nghiệp về quê nhà mà lòng đau như cắt. Hàng trăm ha cao su, nguồn sống cũng là niềm hy vọng của bà con quê tôi đã bị bão làm gãy đổ hết. Hàng chục chiếc tàu cá là tài sản dành dụm cả đời của ngư dân mới sắm được cũng bị bão đánh cho gãy, vỡ tan hoang. Hàng trăm ngôi nhà tốc mái, đổ sập. Bà con có nguy cơ thiếu đói. Thật đau xót thay.

Trên trang cá nhân (Facebook), đứa bạn làm ở Phòng Văn hóa huyện tôi nhắn tin: “Nha ơi, tan hết cả rồi, huyện mình thiệt hại nặng quá, chắc phải chục năm nữa mới làm lại được như xưa. Xót quá”. Con số hơn 8.000 tỷ đồng thiệt hại do bão lũ, đọc lên nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng với vùng đất còn chồng chất bao nhiêu khó khăn như Quảng Bình quê tôi, thì đây là một mất mát quá lớn. Người dân vay mượn hết chỗ này đến chỗ khác, tích cóp cả đời để trồng được vườn cao su, mua được con tàu đánh cá, sau bão lại trắng tay và mang lấy một cục nợ. Rồi đây, họ lại phải oằn lưng ra làm thuê để kiếm sống và để tích cóp tiền trả nợ.

Tưởng chừng như nỗi đau về những mất mát sau bão lũ đã là tận cùng, nhưng người Quảng Bình quê tôi lại tiếp tục đón nhận một nỗi đau còn lớn hơn. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người con của quê hương đã vĩnh biệt cõi đời để về với ông bà, tổ tiên. Quê hương Quảng Bình cùng với cả nước và bạn bè trên thế giới tiễn Cụ (mạn phép được gọi Cụ - một danh từ xưng được tôn kính nhất đối với người dân Quảng Bình) về với Các Mác, Lê Nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Làng An Xá nơi Cụ sinh ra và lớn lên, cây cỏ cũng lặng im tiếc thương tiễn đưa Cụ về cõi vĩnh hằng. Nước sông Kiến Giang như ngừng trôi, cánh cổng gỗ và ngôi nhà ngói bên sông đã không còn đón bước chân Cụ về trên cõi thế gian.

Không chỉ người Việt Nam mà cả bạn bè trên thế giới ghi nhận những công lao của Cụ. Một vị tướng của lòng dân, một con người mang tầm vóc lớn cả trong chiến tranh và hòa bình. Một con người mà nói như bạn bè quốc tế đã đánh giá là có ảnh hưởng lớn lao cho trật tự thế giới mới như hiện nay. Một trong rất ít vị tướng chiếm được những cảm tình đặc biệt với bạn bè trên toàn thế giới. Đối với người Quảng Bình, Cụ còn là một người vĩ đại theo nhiều nghĩa. Hãy nhìn vào ngôi nhà ngói của Cụ bên dòng sông Kiến Giang thì biết, Cụ sống mộc mạc vô cùng. Và đến cuối đời, di nguyện của Cụ vẫn là về nằm lại tại Quảng Bình, nơi cụ đã sinh ra và lớn lên. Về với dòng Kiến Giang, nơi nguồn nước đã nuôi dưỡng nhiều nhân tài của đất nước; Về với quê hương Lệ Thủy, nơi bà con mình còn lam lũ với hạt thóc, củ khoai nhưng chan chứa tình người; Về yên nghỉ tại Vũng Chùa - Đảo Yến (Xã Quảng Đông, Quảng Trạch) để nhìn ra biển Đông mênh mông quanh năm sóng vỗ.

Những ngày đầu tháng 10, người dân quê tôi phải chịu một nỗi đau kép, một mất mát vô cùng lớn lao. Nhưng với tinh thần tương thân tương ái, chịu thương chịu khó, tôi vẫn tin quê tôi sẽ biết biến nỗi đau thành sức mạnh đoàn kết để xây dựng quê hương Quảng Bình tươi đẹp hơn, như câu ca dao từ ngàn đời của những người dân miền Trung còn truyền lại: “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
 

Xuân Nha

.