Thông tin từ các nguồn giả mạo đang thu hút nhiều lượt chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội hơn các bài báo từ những hãng tin chính thống.
 
Ngày 17/11/2016, trang Buzzfeed đăng những phân tích của mình cho thấy trong ba tháng cuối của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm ngoái, tin tức giả mạo lan truyền mạnh mẽ hơn nhiều so với bài viết chính thống từ các trang báo lớn như New York Times, Washington Post, Huffington Post, NBC News...
 
Mark Zuckerberg khi đó nói việc cho rằng thông tin giả mạo trên mạng xã hội có thể chi phối kết quả bầu cử là "ý nghĩ điên rồ". Tuy nhiên, tuần trước, CEO Facebook tỏ thái độ muốn rút lại tuyên bố cũ, khi nói lấy làm tiếc vì đã dùng từ "điên rồ" để phản bác sự việc.

 

 Tin giả mạo (màu đỏ) lan truyền mạnh hơn trên Facebook so với tin chính thống về bầu cử Mỹ năm ngoái.
Tin giả mạo (màu đỏ) lan truyền mạnh hơn trên Facebook so với tin chính thống về bầu cử Mỹ năm ngoái.
 
Phát biểu này được đưa ra sau khi Facebook tìm thấy bằng chứng cho thấy các tài khoản có xuất xứ từ Nga đã mua hàng nghìn quảng cáo nhằm "khuếch đại" các thông điệp chia rẽ chính trị trong cuộc bầu cử Mỹ. Cụ thể, khoảng 100.000 USD đã được chi cho 3.000 quảng cáo từ tháng 6/2015 đến tháng 5/2017 với hơn 500 tài khoản giả mạo được huy động. Chiến dịch có thể đã tiếp cận được khoảng 3 triệu đến 20 triệu người trên mạng xã hội.
 
"Phân tích của chúng tôi cho thấy, các tài khoản và page liên kết với nhau có xuất xứ từ Nga, không nhằm vào một ứng cử viên cụ thể nào, thay vào đó là tập trung phát tán các thông điệp chia rẽ chính trị", Alex Stamos, một lãnh đạo của Facebook, cho biết.
 
Facebook từ một nền tảng cho người dùng giao tiếp và chia sẻ đã biến thành nơi tăm tối, đầy rẫy những kẻ chuyên đi bóp méo thông tin. 
 
Đáng tiếc, theo Washington Post, Facebook đưa ra những phản hồi khiến nhiều người không thể hài lòng. Các lãnh đạo trong công ty dường như cố tình không hiểu rằng rắc rối của nó nằm ở chính trong thiết kế mạng xã hội. Nội dung nào càng được chia sẻ và bình luận nhiều thì càng được ưu tiên hiển thị cao và có tần suất xuất hiện trên News Feed nhiều hơn, tạo điều kiện cho tin vịt và quảng cáo mang tính giật gân lan truyền nhanh hơn so với nội dung bình thường mà người sử dụng chia sẻ.
 
Trên Facebook, các bài viết, video có thể được bỏ tiền mua dưới dạng quảng cáo (sponsored), trong khi quảng cáo cũng có thể được phát tán tương tự các video hot về sự cố hài hước của con người, hình ảnh động vật đáng yêu... thì người sử dụng gần như không thể phân biệt giữa hai thể loại. Chưa kể, quảng cáo càng thu hút thì chi phí để tiếp cận mỗi người dùng càng rẻ.
 
 Tin giả mạo (màu đỏ) lan truyền mạnh hơn trên Facebook so với tin chính thống về bầu cử Mỹ năm ngoái.
 
 
Giới báo chí có câu: "If it bleeds, it leads" (Máu chảy thì mới đưa lên đầu), có nghĩa những thông tin về bạo lực, giết người sẽ dễ trở thành "bài đinh" của trang báo hôm đó, thu hút nhiều người xem hơn so với kiểu tin người tốt việc tốt. Còn hiện trên Facebook, tin càng giật gân càng được ưu tiên hiển thị.
 
Mark Zuckerberg tuyên bố sẽ nỗ lực hơn trong việc chiến đấu với hành vi lạm dụng nền tảng Facebook một cách sai trái. Hồi đầu năm, Facebook thử nghiệm hệ thống cho phép người dùng đánh dấu bằng một "lá cờ" khi gặp các tin tức ở News Feed mà họ nghi là thông tin không đúng sự thật. Tuy nhiên, tạp chí The Atlantic nhận định công cụ này có thể gây ra tác dụng ngược bởi thông tin bị đánh dấu sẽ càng khiến các "tín đồ" Facebook tò mò đọc và muốn chia sẻ hơn.
 
Bên cạnh đó, Facebook cũng cần nhận thức rằng họ mới là người chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm duyệt quảng cáo mà họ được trả tiền chứ không chỉ phụ thuộc vào người dùng.
 
Zuckerberg cũng khẳng định sẽ tuyển 250 người để lọc quảng cáo và các nội dung khác trên Facebook. Scott Galloway, Giáo sư trường NYU Stern School, nhận định hành động này của mạng xã hội có hai tỷ thành viên chẳng khác nào "ném đá ao bèo". "Họ có thể tuyển 25.000 người, tiêu một tỷ USD vào công nghệ AI để hỗ trợ 25.000 người này phân loại, lọc nội dung nhưng như thế lợi nhuận của Facebook lại bị giảm 10-20%", Galloway cho hay.
 
Việc đối phó với tin tức giả mạo không dễ dàng, nhưng quan trọng là Facebook cần hành động quyết liệt hơn nếu không thương hiệu của họ sẽ bị hủy hoại và lòng tin của người dùng với mạng xã hội sẽ giảm sút.
 
Cuối tuần qua, Mark Zuckerberg đăng lời xin lỗi trên trang cá nhân vì những tác động tiêu cực mà mạng xã hội đã gây ra trên toàn thế giới: "Bằng cách nào đó, Facebook đang được sử dụng để chia rẽ nhiều hơn là kết nối mọi người. Tôi mong được tha thứ và sẽ cố gắng làm tốt hơn".
 
Theo Minh Minh/Vnexpress
.