(BVPL) - Trong những năm gần đây, tại các địa phương thuộc vùng Tây Nguyên, du khách trong và ngoài nước đã quen thuộc với hình ảnh những đôi chân trần rắn chắc như cây lim, cây táu giữa đại ngàn, lúc chậm rãi, lúc gấp gáp, rộn ràng theo từng “vũ điệu” cồng chiêng của đồng bào Ê Đê, Mơ Nông, Ba Na… Nhưng điều làm du khách thích thú nhất là hình ảnh của những “nghệ nhân nhí” say sưa khua nhịp cồng chiêng, kết hợp nhịp nhàng với vòng múa xoang nhịp nhàng, uyển chuyển…
 


Cũng theo nghệ nhân Ghêu, buôn Dak R’leang thường xuyên có khách du lịch đến thăm để chiêm ngưỡng không gian văn hóa, hòa mình trong ngôi nhà rông đầy ấm cúng và tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống sinh hoạt của đồng bào. Từ khi được thành lập, trong các sự kiện do địa phương tổ chức, đội cồng chiêng nhí của buôn Djriêk đều có mặt.”Nhờ có đội cồng chiêng của bọn trẻ mà các lễ hội văn hóa của xã, của buôn thêm rộn ràng, đằm thắm. Lãnh đạo, huyện, xã nói sẽ xem xét, khuyến khích các cháu tham gia nhiều sự kiện hơn nữa và chỉ đạo các xã quan tâm thành lập đội cồng chiêng từ các thôn, trong đó chú trọng bồi dưỡng các cháu nhỏ như buôn Dak R’leang đã làm…” - Ông Ghêu tự hào.

Còn mãi với thời gian

Chăm chú quan sát các thành viên nhí trong đội cồng chiêng của Trường THCS Lê Văn Tám cùng say mê khua nhịp cồng chiêng, già làng A Kiu, ở buôn Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, Kon Tum) ưng cái bụng lắm. Già bảo, cái nhịp cồng chiêng của người Ja Rai có tiết tấu rõ rệt, khi du dương, nhịp nhàng, lúc sôi động, mạnh mẽ. Từ những bài cồng chiêng truyền thống đánh trong lễ bỏ mả, mừng lúa mới, đến những bài mới như mừng Đảng, ca ngợi người lính, nhớ ơn Bác Hồ, bọn trẻ đều chơi khá thuần thục.Qua quá trình truyền dạy, già A Kiu biết rất rõ là dù có niềm đam mê và khả năng cảm thụ âm nhạc khá tốt nhưng các em học sinh trong đội cồng chiêng của Trường Lê Văn Tám luyện tập cồng chiêng không dễ dàng gì. “Nhiều khi không đánh được, nhiều em định bỏ học nhưng mình động viên rằng, nếu các cháu không tập nữa, lỡ sau này các già mất đi, văn hóa cồng chiêng trong buôn mình sẽ không còn, nên bọn trẻ lại cố gắng kiên trì. Khi đánh được những nốt đầu tiên, chúng rất hứng thú!” -  Già A Kiu nhớ lại. Riêng cô giáo Vũ Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám lại có nỗi niềm riêng trước nguy cơ bị mai một vì sự xâm nhập của lối sống và văn hóa hiện đại vào giới trẻ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. “Trước thực trạng giới trẻ người dân tộc Ja Rai ngày càng xa rời với truyền thống dân tộc, năm 2013, với suy nghĩ “phải dạy cồng chiêng cho học sinh để các em không quên vốn quý của ông cha, tôi chủ động tìm đến già làng A Kiu để bàn với già về mở lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho học sinh của trường. Để có được một đội cồng chiêng nhí thật không hề dễ dàng. Nhưng rồi, bằng uy tín của già làng A Kiu cùng với “chính sách” đặc biệt của nhà trường, chẳng hạn như khuyến khích các em tham gia đội cồng chiêng bằng cách cộng điểm các môn văn-thể-mỹ, cuối cùng, mọi việc đâu cũng vào đó. Bây giờ, đội cồng chiêng cùng nhóm múa xoang của trường Lê Văn Tám đã khá hoành tráng với 27 thành viên. Nhiều bài nhạc truyền thống của đồng bào Ja Rai đã được các em biểu diễn khá thành thục…” - cô Thanh chia sẻ.

Theo cô Thanh, cồng chiêng Tây Nguyên vốn gắn bó với cuộc sống của người dân bản địa từ bao đời nay, nhưng hiện tại, có một thực tế là một bộ phận lớp trẻ không hứng thú đối với truyền thống văn hóa của chính dân tộc mình. Chính vì thế, việc truyền cho giới trẻ những tinh hoa văn hoá của dân tộc là việc làm rất cần thiết. “Không ai khác, chính bọn trẻ sẽ trở thành người gìn giữ, giao lưu, cùng nhau tập đánh cồng, chiêng để từ đó tạo điều kiện cho văn hóa cồng chiêng được duy trì và phát triển. Chúng tôi hy vọng đội cồng chiêng của trường Lê Văn Tám sẽ góp phần đưa âm thanh cồng chiêng của người Tây Nguyên ngân vang hơn, xa hơn, còn mãi với thời gian…” - Hiệu trưởng Vũ Thị Hồng Thanh nhấn mạnh.
 

Bình Lưu

.