Ngày 14/2,  Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương đang làm thủ tục tiếp nhận lại 5 biệt thự tại di tích Lầu Bảo Đại (còn gọi là Biệt thự Cầu Đá), trên núi Cảnh Long, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang, từ Công ty CP Đầu tư Khánh Hà, chủ đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.

Theo nguồn tin, trước đó vào cuối năm 2022, Công ty Khánh Hà đã có nghị quyết “chuyển giao quyền sở hữu” 5 biệt thự, vốn là phần góp vốn của Tổng công ty Khánh Việt (KHATOCO)  trong công ty cổ phần, cho địa phương quản lý.

Sau khi có văn bản chuyển giao của Công ty Khánh Hà, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Văn hóa thể thao tiến hành các thủ tục tiếp nhận, xây dựng phương án tu bổ, quản lý, khai thác, phát huy giá trị.

“Dự kiến ngày 1/4 sẽ khởi công dự án tu bổ năm biệt thự.”, nguồn tin cho biết.

leftcenterrightdel
 Biệt thự Cấu Đá/ Lầu Bảo Đại nằm trên mỏm núi Cảnh Long. Ảnh: NH.

Hiện thủ tục hoàn trả đã được Công ty Khánh Hà thực hiện xong, thống nhất trong cổ đông và Hội đồng quản trị. Trước đó Sở Văn hóa thể thao đã xác định các khu vực bảo vệ I và II tại di tích.

Biệt thự Cầu Đá là cụm 5 biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp, toạ lạc trên mỏm núi Cảnh Long sát biển tại phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang.

Các biệt thự được đặt tên theo các loài cây nhiệt đới. Lần lượt từ mỏm núi vào trong là Les Agaves (Xương Rồng), Les Frangipaniers (Bông Sứ), Les Bouguinvilles (Bông Giấy), Les Flamboyants (Phượng Vĩ), Les Badamniers (cây Bàng). Biệt thự tên cây nào được trồng loài cây ấy xung quanh.

Các biệt thự (được xây dựng năm 1923) dùng làm nơi ăn ở cho các nhà nghiên cứu biển khi xây dựng Viện Hải dương học Nha (thành lập năm 1922).

leftcenterrightdel
 Từ vị trí khu di tích nhìn bao quát vịnh Nha Trang. Ảnh: NH.

Chủ nhân biệt thự Les Agaves (Xương Rồng) đầu tiên là nhà nghiên cứu biển người Đức, tiến sĩ Krempt- cũng là Giám đốc đầu tiên của Viện Hải dương học Nha Trang.

Từ năm 1940 đến năm 1945, Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương thường đến nghỉ tại biệt thự Les Agaves khi vi hành phương Nam. Cái tên Lầu Bảo Đại có từ đó.

Từ 1954 đến trước giải phóng 1975, gia đình ông Ngô Đình Diệm là chủ nhân mới của hai ngôi biệt thự Les Agaves và Les Frangipaniers. Chúng được đổi tên thành Nghinh Phong và Vọng Nguyệt.

Sau giải phóng 1975, Lầu Bảo Đại được mở cửa đón khách thăm quan.

Năm ngôi biệt thự có kiểu dáng kiến trúc khác nhau nhưng đều hài hoà với không gian và cảnh sắc thiên nhiên, được xây dựng theo nghệ thuật kiến trúc cổ điển Pháp, kết hợp hài hoà với nghệ thuật hoa viên.

leftcenterrightdel
 Một biệt thự tại di tích Lầu Bảo Đại. Ảnh: NH.

Tháng 10/1995, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định công nhận di tích lịch sử- văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Trong danh mục 72 di tích, danh thắng được công nhận, có tên Biệt thự Cầu Đá (Lầu Bảo Đại). 

Năm 2001, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa  thể thao) lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa trình Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Lầu Bảo Đại là di tích quốc gia.

Tháng 10/2010, tỉnh Khánh Hòa cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Cuối tháng 8/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại do Công ty Công ty Khánh Hà làm chủ đầu tư.

Dự án được giao đất tháng 12/2014, diện tích 13,64 ha, trong đó có gần 9 ha đất và trên 4,7 ha mặt nước biển. Dự án chính thức khởi công vào tháng 8/2014 và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2017.

leftcenterrightdel
 Một hiện vật bên trong 1 biệt thự ở di tích Lầu Bảo Đại. Ảnh: NH.

Tháng 2/2016, Sở VH,TT&DL tỉnh Khánh Hòa có văn bản đề nghị cần chấp hành đúng Luật Di sản văn hoá đối với di tích này, trong đó nhấn mạnh “Di tích thắng cảnh kiến trúc Lầu Bảo Đại là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, phản ánh một giai đoạn phát triển của lịch sử Việt Nam. Là một trong số ít di tích mang phong cách kiến trúc đặc trưng những năm đầu của thế kỷ 20 còn được bảo tồn ở Việt Nam cho đến hiện nay. Do đó cần bảo tồn và phát huy giá trị theo quy định của Luật Di sản văn hóa… Căn cứ những giá trị và hiện trạng của di tích thắng cảnh Biệt thự Cầu Đá, Sở VH,TT&DL đề nghị bảo tồn giữ nguyên hiện trạng màu sắc, kiến trúc và kết cấu không gian nội thất bên trong của 5 biệt thự hiện hữu… để phục vụ khách tham quan, phát huy giá trị di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa”.

Việc giao lại các biệt thự của di tích để quản lý, khai thác theo luật Di sản văn hóa, thay vì cải tạo làm du lịch dịch vụ, nhận được sự đồng tình của người dân địa phương.

Hiện nay, theo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, Biệt thự Cầu Đá/Lầu Bảo Đại nằm trong danh mục kiểm kê di tích của tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2017-2022.

V.H