Chỉ tính riêng năm 2019, ngoài các bài viết, thơ đăng rải rác trên các báo, Nguyễn Hồng Vinh đã cho xuất bản hai tập sách: Xanh mãi (quý 2) và Giữ lửa tập III (quý 3). Đọc Giữ lửa (tập 3), người đọc không khó nhận ra thông điệp của tác giả- nhất là lúc này: tiếp tục khẳng định con đường không riêng gì tác giả, mà cả dân tộc đã lựa chọn từ gần một thế kỷ nay. Con đường đó chính là độc lập dân tộc và CNXH - xây dựng đất nước ta theo mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Tập sách dày gần 500 trang với hơn 50 bài viết, là một bộ sưu tập có chủ ý rõ rệt của tác giả. Có thể chúng ta đã đọc đâu đó trên báo Nhân dân hằng tháng hay tạp chí Tuyên giáo, hoặc một số tờ báo, tạp chí khác. Nhưng đọc thêm lần nữa, mọi người đều có thể cảm nhận đó là sự hệ thống có tính định hướng quan trọng của tác giả về những vấn đề nóng, bức xúc cần bàn thảo; có mặt cần khẳng định, có mặt cần biểu thị thái độ phê phán, không tránh né sự thật. “Giữ lửa” (tập 3), một mặt tiếp tục cổ vũ ý chí “Xốc tới với ngọn lửa tháng Tám”,“ Lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý”..., vừa cảnh báo và đưa ra giải pháp khắc phục những bất cập của đời sống xã hội, làm cho đất nước ngày thêm đổi mới, vững mạnh như mong muốn của Bác Hồ và sự hy sinh của bao anh hùng, liệt sỹ.
Đi đôi với những bài viết phác thảo chân dung một số nhà lãnh đạo, quản lý khoa học tiêu biểu của Đảng, Nhà nước mà tác giả có dịp trực tiếp làm việc, như: Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cố GS Nguyễn Đức Bình..., tác giả còn hướng ngòi bút đến những người lao động “bình dị mà cao quý”, như những thương binh còn găm mảnh đạn trong người, nhưng vẫn không hề kêu ca, đòi hỏi đãi ngộ, tự vượt lên bệnh tật, vượt khó làm giàu cho mình và cộng đồng.
|
|
Bìa cuốn sách "Giữ lửa" tập III |
Đó là những bà má ở Nam Bộ hiến đất mở đường, xây dựng trường học; là trung tướng về hưu đam mê xây những cây cầu cho trẻ thơ đến trường; là anh sinh viên 70 lần tình nguyện hiến máu; là những bữa cơm, nồi cháo thiện nguyện trợ giúp các bệnh nhân hiểm nghèo và người lao động nghèo khó; là em học sinh hàng chục năm vui vẻ cõng bạn bị tật nguyền đến trường; là hàng trăm thùng hàng của các cơ quan, doanh nghiệp gửi cứu trợ nhân dân các vùng miền Trung bị ngập chìm trong mưa lũ… - tất cả được ngòi bút Hồng Vinh diễn tả, ngợi ca, làm xúc động bao người!
Phải chăng xã hội ta chỉ là bức tranh toàn những gam màu tối – như ai đó cố tình lu loa, bôi nhọ để vu cáo Đảng, Nhà nước và chế độ ta? Chính vì thế, tôi càng thấm hiểu giá trị những bài viết trong tập sách này nhằm “giữ lửa” tình yêu thương con người và cuộc sống, đắp bồi ý chí vượt lên gian khó, tạo sự đồng thuận xã hội rộng lớn – cội nguồn sức mạnh lớn lao của dân tộc ta trong thời đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tôi và nhiều đồng nghiệp nể phục sức đọc, sức đi và sức viết của anh. Trong ba năm (2014-2017), vừa làm tốt công tác quản lý ở Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương với cương vị là Chủ tịch, anh vẫn xuất bản được hai tập thơ: “Màu ký ức”; “Lãng quên thì thầm” và tuyển tập “Giữ lửa” (tập 1, tập 2) bao gồm các bài trong chuyên mục “Vấn đề tháng này” của Nhân Dân hằng tháng và “Vấn đề quan tâm” của Tạp chí Tuyên giáo. Đầu năm 2018, thôi công tác quản lý, ngòi bút của anh có dịp “tung hoành”; khi thì viết về vùng biên giới ở Cao Bằng, Hà Giang; lúc ở Lâm Đồng, Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau…; và cả ở Ix-ra-en, Hy Lạp, Bun-ga-ri… Và mùa Thu này, anh cho ra mắt “Giữ lửa” tập 3 với 488 trang.
Lẽ đương nhiên, trong báo chí và văn chương, số lượng không là yếu tố quyết định tên tuổi của tác giả, nhưng quả thật, đối với số lượng cùng chất lượng tác phẩm của Hồng Vinh, tôi tâm đắc với nhận định của nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang: “Nhiều chủ đề đồ sộ được Nguyễn Hồng Vinh lan tỏa qua cái nhìn của một nhà báo, nhà thơ luôn cố gắng giao hòa lửa báo với hơi văn, tôi tin rằng không ít bài sẽ tồn tại lâu dài, vượt qua khắc nghiệt thời gian”. Và trên cơ sở ấy, Phan Quang gọi Hồng Vinh là nhà báo “thành mà chưa lão”!
|
|
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Phó Viện trưởng Trần Công Phàn với lãnh đạo chủ chốt Báo Bảo vệ pháp luật và VKSND tỉnh Quảng Ninh tại Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Báo Bảo vệ pháp luật, năm 2019 |
Bên cạnh mảng chính luận và các bài viết mang tính cổ vũ và định hướng dư luận xã hội, “Giữ lửa” (tập 3) còn có phần dịu ngọt khi Nguyễn Hồng Vinh “trình làng” gần 30 bài thơ của anh đã được các nhạc sỹ tên tuổi phổ nhạc. Nhiều nhạc phẩm đã được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một trong những điểm mới về cách thể hiện nội dung là phương pháp dùng thơ giới thiệu thơ.
Thực ra cách này, lâu nay đã có người thể hiện. Nhưng Nguyễn Hồng Vinh có nét riêng. Tôi đồng cảm với tác giả Nguyễn Minh Châu nhận định rằng, với việc dùng thơ giới thiệu thơ cho thấy “sức đọc, sức thẩm thấu, sức khái quát” sức sáng tạo như dòng sông cuộn chảy của Nguyễn Hồng Vinh, một nhà báo, nhà quản lý, một nhà thơ đã từng giữ nhiều trọng trách trên lĩnh vực báo chí và văn hoá, văn nghệ của Đảng và của đất nước.
Nguyễn Hồng Vinh đã bắt được “hồn vía” tác phẩm như: “Thản nhiên xanh” của Đỗ Phú Nhuận, “Tiếng chim trong vườn” của Trần Thế Tuyển, “Vào mùa trăng” của Hà Minh Đức, “Bây giờ biển không còn mặn” của Trần Gia Thái và những câu thơ mang triết lý sâu sắc “Tình yêu làm ta quên thời gian” của Lê Thành Nghị..., để khẳng định sự nhiệm màu, biến hoá khôn lường của chữ nghĩa, thi ca…
Phương pháp biểu cảm này của Nguyễn Hồng Vinh đã tạo hiệu ứng xã hội. Chắc chắn sẽ có ý kiến đánh giá trái ngược nhau. Cũng giống như chúng ta đang chờ xem tác phẩm sân khấu dung nạp các loại hình nghệ thuật cổ truyền: chèo, dân ca, nhạc cổ... trong một tác phẩm của Nguyễn Thế Kỷ; người viết bài này tin rằng, việc thể nghiệm ấy sẽ đạt sự đồng điệu thẩm mỹ. Bởi, xét cho cùng sự cách tân nào chẳng cam go? Điều quan trọng là nó khơi dòng cảm hứng và hướng con người tới chân - thiện - mỹ - mục đích cao đẹp của báo chí và thi ca./.