“Vành nôi” nuôi dưỡng
A Ting Vót may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ đã sớm nhận ra những lợi ích thiết thực từ các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, nên luôn tin tưởng, một lòng đi theo Đảng và đặc biệt quan tâm đến việc học hành của con cái. Dù gia đình đông con và rất khó khăn, nhưng có đến 5 trong số 6 anh chị em của A Ting Vót được theo học hết bậc Cao đẳng, Đại học. Riêng A Ting Vót, theo học ở Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội.
|
|
Kiểm sát viên A Ting Vót tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào Cơ Tu (ảnh trên) và tham gia khám nghiệm hiện trường vụ án (ảnh dưới). |
30 năm về trước, làng P’Rao, huyện Hiên, nay là huyện Đông Giang quê anh còn nghèo lắm. Trẻ con trong làng hầu hết đều không được đến trường. Để có thể nuôi các con ăn học, ba mẹ anh là người đầu tiên trong làng dạy các con biết cách cải tạo nương rẫy thành ruộng trồng lúa nước, cho năng suất cao, nhờ đó mà dù đông con, nhưng cái ăn vẫn tạm đủ, các con vẫn được đến trường. Từ trong lao động, A Ting Vót cùng các anh chị em đã được ba mẹ truyền dạy cho ý chí vượt khó và sự sáng tạo trong lao động sản xuất để làm nền tảng cho suốt quá trình học tập và công tác sau này.
Gieo mầm thiện
Năm 2003, A Ting Vót tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kiểm sát, cũng đúng vào thời điểm huyện Hiên quê anh được tách thành huyện Đông Giang và Tây Giang. Anh được tiếp nhận về công tác tại VKSND huyện Tây Giang, một vùng đất phía Tây của tỉnh Quảng Nam giáp với nước bạn Lào. Thời điểm đó, huyện Tây Giang là một địa bàn đặc biệt khó khăn: không điện, không đường, không trường, không trạm. VKSND huyện lúc bấy giờ phải thuê 2 gian nhà tạm ở xã Lang để vừa làm trụ sở vừa làm nơi ăn ở, sinh hoạt cho anh em trong đơn vị. Giao thông khó khăn, phương tiện thiếu thốn, nên việc đi lại của anh em cán bộ Kiểm sát lúc bấy giờ chủ yếu là bằng đôi chân. Trong số những cán bộ được tăng cường cho vùng đất mới, đã có những người nản lòng trước khó khăn, đi tìm kiếm tương lai ở những miền quê khác. Riêng với A Ting Vót, tình yêu nghề đã giúp anh kiên trì bám trụ ở vùng đất này cho tới tận bây giờ.
Ở Tây Giang có tới 90% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trình độ văn hóa và đặc biệt là hiểu biết về pháp luật của đồng bào còn rất hạn chế. Vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục (TTPBGD) pháp luật cho đồng bào được lãnh đạo huyện Tây Giang đặc biệt chú trọng. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện đều được điều động tham gia công tác này. A ting Vót với lợi thế là người dân tộc Cơ Tu, thông thạo tiếng nói và am hiểu về văn hóa của dân tộc mình, được cử tham gia Hội đồng TTPBGD pháp luật huyện.
|
|
Kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng |
A Ting Vót được giao phụ trách các xã vùng cao, nơi hệ thống giao thông còn hết sức khó khăn, nên có những chuyến đi TTPBGD pháp luật cho bà con dân bản phải kéo dài nhiều ngày, đi bộ băng rừng vượt suối hàng chục km. Nhưng niềm tin và sự trân trọng, quý mến của bà con các thôn, bản đã giúp anh có thêm động lực để vượt qua mọi khó khăn.
Trong mỗi buổi TTPBGD pháp luật cho đồng bào, những câu chuyện thực về các vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn mà A Ting Vót trực tiếp kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử luôn được anh dẫn chứng một cách sinh động khiến cho các điều luật khô khan trở nên dễ hiểu, dễ nhớ đối với bà con dân bản.
Dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng cho đến tận bây giờ, đồng bào dân tộc Cơ Tu ở Tây Giang vẫn còn chưa quên vụ án Hồ Văn Đớ và Cơ Lâu Phan đốn hạ 5 cây Pơ mu ở rừng nguyên sinh, bị Tòa án tuyên phạt mức án 9 đến 12 tháng tù về tội Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Đồng bào chưa quên bởi A Ting Vót đã kể nhiều lần về vụ án này cho bà con nghe trong các buổi tuyên truyền pháp luật.
Cũng bởi vụ án được điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh và được TTPB sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, trong nhiều năm qua ở Tây Giang, các vụ phá rừng rất ít khi xảy ra. Đến nay, Tây Giang còn giữ được 70% diện tích rừng nguyên sinh. Đặc biệt, trong đó có cánh rừng Pơ mu nguyên sinh độc nhất vô nhị ở Việt Nam với hơn 2.000 cây có tuổi đời từ 200 năm đến cả ngàn năm tuổi, trong số đó có 725 cây được công nhận là Cây di sản.
Ông Cơ Lâu Nghi, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tây Giang, cho biết: “A Ting Vót là người bản địa, thông thạo phong tục, tập quán, văn hóa của người dân địa phương, lại có khiếu hài hước nên mỗi buổi tuyên truyền pháp luật do A Ting Vót trực tiếp làm Báo cáo viên luôn thu hút được sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân. Với lợi thế công tác trong ngành Kiểm sát, nên A Ting Vót luôn có những dẫn chứng cụ thể về các vụ án xảy ra trên địa bàn để minh họa giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Đặc biệt, trong các chuyến công tác tuyên truyền pháp luật cho các bản làng vùng sâu, vùng xa, A Ting Vót không quản ngại khó khăn đi bộ nhiều giờ liền, nhiều khi bám trụ ở lại cùng ăn, cùng ở với bà con dân bản, nên được bàn con dân bản rất tin yêu”.
Những đóng góp thầm lặng của những thành viên Hội đồng TTPBGD pháp luật như A Ting Vót đã góp phần quan trọng giúp đồng bào các dân tộc ở huyện Tây Giang nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, nuôi dưỡng mầm thiện trong mỗi một con người. Nhờ đó mà ở Tây Giang rất ít khi xảy ra án hình sự, trung bình mỗi năm chỉ xảy ra 1-2 vụ án, có năm không xảy ra vụ án hình sự nào. Cuộc sống của người dân tuy còn khó khăn, nhưng bình yên và ấm áp nghĩa tình
Người Viện trưởng đa tài
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, A Ting Vót còn là một cán bộ công đoàn năng nổ, là người tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao. Với năng khiếu bẩm sinh trong lĩnh vực này, A Ting Vót đã giành rất nhiều huy chương trong các hội diễn, hội thao do đơn vị, địa phương và Ngành phát động.
Với A Ting Vót, dù bất cứ nhiệm vụ nào cũng được anh thực hiện với tất cả nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm. Còn nhớ lần hội diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành KSND, sát đến ngày diễn ra hội diễn thì ba anh qua đời. Sau khi tiễn đưa ba về cõi vĩnh hằng, ngay trong đêm đó, nén đau thương, A Ting Vót gạt nước mắt lên đường cho kịp tham dự hội diễn vào ngày hôm sau.
Năng nổ, nhiệt tình, tận tụy hết lòng với công việc, A Ting Vót nhận được niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương và các đồng nghiệp. Sau nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị Phó Viện trưởng, năm 2019, anh được bổ nhiệm làm Viện trưởng VKSND huyện Tây Giang. Đó cũng là nguồn động viên, khích lệ để anh tiếp tục vươn lên, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành Kiểm sát và cho miền quê mà anh đã nguyện gắn bó suốt cuộc đời.