Bốn đứa bé gào khóc, tuyệt vọng nhìn mẹ như van lơn, như cầu cứu. "Mẹ xin lỗi... x... in lỗi các con" những câu cuối cùng thị thều thào nói và đứt ruột nhìn những đứa con lần lượt ngất lịm.
 


Gặp Phương tại phòng hồi sức, chúng tôi không khỏi xót xa nhìn người đàn bà thấp bé, gầy guộc, nước da đen sạm vì nghèo đói, vì mưu sinh cuộc sống. Sau hành động dại dột đó, Phương cảm thấy ân hận vô cùng. Ôm thằng con trai út vào lòng, Phương còn chưa biết sau này phải đối mặt với các con ra sao. Nếu chúng có hỏi: Sao mẹ giết con? Phương biết trả lời thế nào? Một năm nay, chồng chị hầu như ngày nào cũng "đi làm đêm". Chị có hỏi, anh T. cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện và bảo: đi làm thêm để tăng thu nhập. Nghe chồng nói vậy, Phương vô cùng hạnh phúc khi mấy chục năm chung sống, giờ chồng đã tu tâm làm ăn.

 

Nhưng ngày đó chị vui vẻ bao nhiêu thì lại suy sụp bấy nhiêu khi biết sự thật về chuyện chồng đi "làm đêm" với người đàn bà làng bên. Mọi thứ như sụp đổ, mái ấm gia đình nhỏ của chị cũng lung lay khi chồng chị thẳng thừng tuyên bố: "Mày còn già mồm, ông sang hẳn làng bên ở với bồ đấy". Nghĩ chuyện chồng đánh đập, mắng chửi mình thì Phương chịu được, nhưng T. lừa dối chị, đi ngoại tình lại dọa bỏ mẹ con chị, Phương không còn biết làm sao. Trong lúc nghĩ quẩn, Phương trộm nghĩ đến cái chết. Chết để kết thúc cuộc sống nghèo khổ, kết thúc chuỗi ngày đau đớn bị chồng hành hạ. Nhưng chị chết rồi, những đứa con của chị sẽ ra sao? Chúng lại phải bơ vơ, lang thang hay phải sống cảnh mẹ ghẻ con chồng?

 

Không dám nghĩ tiếp, Phương dằn lòng "Thà mang con theo mình xuống cõi âm còn hơn để chúng nó khổ cực chốn trần gian". Nghĩ vậy, người mẹ nhẫn tâm này đã lên kế hoạch cho các con uống thuốc chuột. Chị đã bán 50kg thóc trong nhà để mua kẹo, bánh mì, sữa định cho con ăn bữa cuối cùng và ra đi. Thật đáng sợ cho cái gọi là "tình thương của người mẹ" như thế. Vì thương con không có người chăm sóc, vì không muốn các con sống không có mình mà nỡ xuống tay giết con để trọn vẹn yêu thương. Tình yêu ích kỷ, tàn nhẫn như vậy mà cũng được gọi là tình mẫu tử sao?

1001... BÀ MẸ GIẬN CHỒNG, GIẾT CON

Theo Bác sĩ Đặng Trọng Hiển - Trưởng khoa nhi Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, cách đây hai chục năm Bệnh viện cũng có tiếp nhận một trường hợp 5 mẹ con cùng uống thuốc chuột tự tử, đây là trường hợp thứ 2. Như vậy, chuyện các bà vợ giận chồng mà giết con không phải là hi hữu. Thực tế, nó đã và đang diễn ra như một căn bệnh đáng lo ngại. Cách đây một tháng, tại quận Bình Tân (Tp. HCM) một người mẹ tội lỗi quyết định tự tử và giết luôn con.

 

Bất hạnh thay, chị ta lại được cứu sống còn đứa con gái 3 tuổi vô tội thì vĩnh viễn ra đi. Đó là trường hợp của Nguyễn Thị Mỹ Linh (sinh năm 1973, trú tại đường B1, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân). Trước đó, do cãi vã với chồng nên Linh và con gái ngủ riêng trong phòng. Giận chồng, Linh đã tìm đến cái chết và muốn mang con gái theo cùng. Nghĩ vậy, Linh cùng con uống một loại thuốc xoa bóp có ghi dòng chữ "không được uống" và để lại bức thư tuyệt mệnh: "nhờ bố mẹ chồng nuôi dạy đứa con trai 10 tuổi".

 

Đêm đó, chồng Linh đã phát hiện ra và đưa hai mẹ con đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Sau khi súc ruột và tiến hành cấp cứu khẩn cấp thì Linh được cứu, nhưng cô con gái lại không qua khỏi. Nỗi đau đớn của ông bà khi tổ chức đám tang cho đứa cháu nhỏ, họ cay đắng không dám cho Linh biết con gái đã mất. Không biết, rồi Linh sẽ làm gì khi biết sự thực này. Rồi Linh sẽ sống ra sao khi biết chính mình đã giết đứa con dứt ruột đẻ ra?

Có lẽ, tự tử rồi mang theo con vẫn chưa kinh hãi, chuyện bà mẹ Vũ Thị Gái (SN 1982, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) nhẫn tâm dùng dao đâm chết đứa con hai tuổi vì giận chồng. Chỉ vì chuyện chồng hay chửi mắng mình vì những chuyện vặt vãnh, chiều ngày 12/7, sau khi cho con gái bú xong, Gái cầm dao đâm liên tiếp sáu nhát vào ngực con. Thấy con ngừng thở, Gái tiếp tục lấy dao đâm vào bụng mình và sau đó rơi vào tình trạng hôn mê.

 

Tuy nhiên, nhát dao không lấy đi tính mạng của Gái, cô được đưa đi cấp cứu và dần hồi phục. Sau đó, Gái bị xử 15 năm tù với tội danh Giết người. Vì muốn chồng ân hận suốt đời vì đối xử tệ bạc với mình mà người mẹ này dùng cái chết của cả 2 mẹ con để uy hiếp chồng. 15 năm tù kia liệu có cay đắng bằng bản án lương tâm của người mẹ?  

XIN MỘT TÌNH THƯƠNG ĐÚNG NGHĨA

Xưa nay, tình thương của mẹ dành cho con cái vẫn được người đời ca tụng. Dù trong nghèo khó, khổ sở, mẹ vẫn là người hy sinh bản thân mình cho con cái. Thế nhưng, trong một số trường hợp người mẹ lại thể hiện tình mẫu tử bằng việc tự tay lấy đi mạng sống của con. Người ta đau đớn, trách móc những bà mẹ tàn nhẫn bỏ đi giọt máu của mình khi mới thành hình, không cho nó cơ hội được làm người.

 

Người ta lên án nạn nạo phá thai đang hoành hành trong giới trẻ. Nhưng, khi đã mang nặng đẻ đau đứa con, đã cho nó được là người thì xin các bà mẹ cho con cái mình hạnh phúc trọn vẹn. Đã có biết bao bà mẹ vì những đứa con của mình mà chịu sống tủi nhục, chịu đựng người chồng vũ phu để cho con mình có mái ấm, có sự yêu thương của cả mẹ và cha.

Khi đã chấp nhận đi đến cuộc sống hôn nhân, chấp nhận gắn bó cả đời với chồng, thiết nghĩ các bà mẹ cần biết hai chữ: hy sinh. Cuộc sống vợ chồng xảy ra xích mích, cãi vã hay giận dỗi là chuyện thường tình. Nhưng lấy con cái ra để giải quyết mâu thuẫn là tội ác. Cho dù, những đứa con đó là do mình sinh ra, nhưng cũng không thể vì cái quyền đó mà cướp đi sinh mạng của chúng. Xin các bà mẹ hãy nhớ đừng thương mà mang con cho thần chết, mang theo sự giận hờn vô lối và nông cạn của mình.

 

Bản thân những ông chồng cũng cần có trách nhiệm với mái ấm của mình. Là trụ cột trong gia đình, họ có nghĩa vụ đảm bảo cuộc sống cho vợ con, lo giữ cho mái nhà của mình yên ấm. Những người vợ đáng thương kia làm gì nên tội mà bị chồng ruồng bỏ, bị đánh đập. Để rồi, họ cùng quẫn, họ bất lực nhìn hạnh phúc tan biến mà đành nhắm mắt đưa chân chọn giải pháp: tự tử. Đến nay, cái đói nghèo đã thôi bám riết, đã thôi quẩn quanh thì lại nảy sinh thêm những vấn nạn còn đáng sợ hơn: bạo hành gia đình, nghịch tử giết cha mẹ,… giờ lại thêm chuyện vì chồng mà mẹ giết con. Thương thay cho những mái nhà nhỏ, một mái nhà thôi mà phải gánh bao chuyện, bị rình rập, đe dọa bởi bao nguy cơ, bão táp cuộc đời.

Nhìn lại tất cả những vụ án trên, có thể nhận thấy rằng hầu hết những chuyện dại dột đều xảy ra ở nông thôn. Những người phụ nữ chân lấm tay bùn, vì phút nông nổi mà hành động dại dột bởi họ không có chỗ bấu víu, không có nơi giãi bày, không có lời khuyên nhủ từ bất cứ ai.

 

Hội phụ nữ - tổ chức gần gũi nhất, họ cũng không thể tâm sự. Người ta sợ cái gọi là điều tiếng, sợ 1 người biết chuyện là cả làng biết. Rồi danh dự vợ chồng, bố mẹ,… Nếu có đem chuyện nói với anh chị, mẹ đẻ thì cái luận ngữ "phận đàn bà phải cam chịu, đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường". Khi không tìm được ai để sẻ chia, người ta chỉ biết thu mình lại, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Liệu có lối thoát cho họ - những con người khốn khổ kia?

 

Giá như có một mái ấm, một cơ quan, một tổ chức nào để mỗi khi con người gặp những khó khăn có thể trông đợi một lời tư vấn, một lời góp ý, chắc chắn họ sẽ tỉnh táo hơn, không có những hành vi dại dột và vi phạm pháp luật nữa.
 

Nguyễn Thắm

.