Buổi lễ được thực hiện trang nghiêm, đúng nghi thức truyền thống và bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19. Trước đó, việc trang trí khánh tiết được Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chuẩn bị chu đáo.

Từ 7h30', đoàn tế lên núi Ngũ Nhạc. Do không tổ chức các phần hội để bảo đảm an toàn dịch bệnh nên một số nghi thức đã được rút gọn. Đoàn tế dâng hương tại núi Ngũ Nhạc, Bắc Nhạc miếu. Tại Trung Nhạc miếu, đoàn cử hành nghi lễ tế trời đất, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bệnh tật tiêu trừ.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi Lễ tế trên núi Ngũ Nhạc tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. 

Kết thúc lễ tế, lãnh đạo tỉnh phát ngũ cốc cho đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và du khách. Ngũ cốc gồm 5 loại hạt do Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chuẩn bị gồm: thóc, ngô, đỗ, lạc, vừng, ứng với thổ, kim, mộc, hỏa, thủy trong ngũ hành.

Theo thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, ngũ cốc là tinh túy, cao quý nhất trong các loại hạt để nuôi sống muôn loài. Ngũ cốc là vật phẩm linh thiêng dâng cúng tế Phật, lễ thánh, trời đất.

Sau lễ tế trời đất tại Trung cung, đoàn tế dâng hương tại Tây Nhạc miếu, Đông Nhạc miếu, Nam Nhạc miếu và kết thúc bằng lễ dâng hương tại đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ Nguyễn Trãi.

leftcenterrightdel
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng phát ngũ cốc cho lãnh đạo các sở, ban, ngành và du khách tham gia Lễ hội.

Núi Ngũ Nhạc nằm ở phía Đông Bắc chùa Côn Sơn cao 238 m, trải dài từ Bắc xuống Nam. Ngũ Nhạc có 5 đỉnh, mỗi đỉnh có 1 miếu thờ thần tự nhiên là Ngũ Phương Ngũ Lão Quân (Thanh Đế ở phương đông, Bạch Đế ở phương tây, Hắc Đế ở phương Bắc, Xích Đế ở phương Nam và Hoàng Đế ở trung tâm). Các miếu mang chức năng quản việc cát, hung, họa, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản cây cối, núi rừng, khe vực. Trong tín ngưỡng dân gian, tế trời đất tại núi Ngũ Nhạc là để cầu phúc, tránh họa, mong cho phong đăng, hòa cốc, quốc thái dân an.

Tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc là một nghi lễ đặc biệt quan trọng, đặc trưng của các nghi lễ mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, nghi lễ được phục dựng từ năm 2006 và tạo được ấn tượng sâu sắc trong nhân dân cùng du khách thập phương.

Từ thế kỷ XIV, Côn Sơn đã trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm - một Thiền phái của người Việt góp phần làm nên sức mạnh Đông A - điểm tựa tinh thần cho quân dân Đại Việt, giữ vững nền độc lập chủ quyền trước âm mưu xâm lược của các thế lực ngoại xâm phương Bắc. Nơi đây, cứ mỗi độ Xuân về, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại nô nức về trẩy hội, thắp nén tâm hương.

 

Bình Minh