Đồng thời, trong dịp này, thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã trao Bằng chứng nhận "Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng" là di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục Quốc gia.
|
|
Sở VH-TT TP Đà Nẵng trao Bằng chứng nhận "Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng" là di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục Quốc gia. |
Lễ hội Cầu ngư của cư dân miền biển Thanh Khê được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm, là hoạt động văn hóa mang nét truyền thống, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, gắn liền với tín ngưỡng thờ Cá Ông đã có từ xa xưa của người dân vùng biển Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
|
|
Cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, vượt qua mọi tai nạn khi lênh đênh trên sóng nước, cầu nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. |
Lễ hội Cầu ngư của ngư dân quận Thanh Khê cũng có hai phần chính là: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức một cách trang trọng, theo đúng phong tục tập quán địa phương, mở đầu bằng: lễ nghinh cá Ông, lễ dâng hương… nhằm mục đích bày tỏ lòng thành kính với các vị tiền nhân, tưởng nhớ công ơn bậc tiền nhân khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi, lễ cầu an cho các vong hồn đã mất trên biển. Đồng thời, cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, vượt qua mọi tai nạn khi lênh đênh trên sóng nước, cầu nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
|
|
Phần lễ được tổ chức một cách trang trọng, theo đúng phong tục tập quán địa phương. |
Sau phần lễ, phần hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, tươi vui mang đậm màu sắc của ngư dân vùng biển: thi ngoáy thúng, kéo co, đan lưới,… thu hút sự quan tâm của người dân và đông đảo khách du lịch.
Ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng cho biết, Đối với đời sống cộng đồng cư dân biển, lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, là lễ hội cầu mùa - cầu ngư, là lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban cho được một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”, “tấn tài, tấn lợi, tấn bình an”, Lễ hội Cầu ngư không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền của ngư dân mỗi địa phương có di sản, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam.
Quan trọng, lễ hội Cầu ngư chính là nguồn sử liệu, là những bằng chứng vật chất và tinh thần xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai, vẫn luôn trọn vẹn khát vọng vươn khơi, bám biển, bám ngư trường để làm chủ vùng biển Đông của Tổ quốc.
|
|
phần hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, tươi vui mang đậm màu sắc của ngư dân vùng biển |
Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng được vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của lễ hội này, đồng thời thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ ngư dân, nhà nghiên cứu…đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quản lý, theo dõi việc tổ chức lễ hội nói chung, trong đó có Lễ hội Cầu ngư đảm bảo giữ nguyên ý nghĩa lễ hội ban đầu, giá trị đích thực của nó, không để lễ hội biến tướng như một số nơi khác”, ông Hùng khẳng định.
“Tôi và gia đình tới Đà Nẵng du lịch, thật may mắn và phấn khởi khi được chứng kiến, được hòa cùng vào không khí lễ hội Cầu ngư, một trong những hoạt động văn hóa mang ý nghĩa nhân văn của người dân Đà Nẵng. Đây sẽ là kỷ niệm khó quên”, chị Nguyễn Thanh Mai, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.