Để góp phần cho thành công của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, sáng 12/3, Đoàn nghệ nhân M’Nông Gar của buôn Jiê Yúk (xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã tham gia trình diễn Lễ cúng lúa mới tại Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk.

Lễ cúng lúa mới là phong tục lâu đời của các dân tộc sống trên dãy Trường Sơn nói chung và người M’Nông Gar nói riêng đã lưu truyền từ thế hệ của cha ông sang thế hệ con cháu bao đời nay.

leftcenterrightdel
 Trước khi diễn ra lễ cúng.

Được thành lập từ năm 1976, buôn Jiê Yúk cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột hơn 60 km. Xuất phát từ tập quán canh tác nương rẫy, làm nông nghiệp, người người M’Nông Gar ở buôn Jiê Yúk quan niệm tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Do đó, trong hệ thống lễ hội liên quan đến chu kỳ cây trồng, Lễ cúng lúa mới là một trong những lễ hội quan trọng, không thể thiếu trong đời sống của người M’Nông Gar.

leftcenterrightdel
 Già làng và thầy cúng đứng trước cây nêu đọc lời khấn thần linh.

Cứ vào tháng 12 hàng năm, khi năm cũ sắp hết, chuẩn bị chào đón năm mới và cũng là khi lúa trên rẫy đã về kho, mùa màng đã thu hoạch xong, đồng bào M’Nông Gar lại tổ chức mừng lúa mới nhằm tôn vinh hạt thóc của thần linh (yang) ban cho dân làng và cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và gia đình sung túc.

Trước khi tổ chức lễ cúng, già làng và mọi người trong buôn chuẩn bị các lễ vật gồm: Nhà khi lúa, cây nêu, 3 ché rượu cần, 1 con gà, 1 con heo, bếp lửa....; các đồ dùng hằng ngày và dụng cụ lao động sản xuất; các giống lúa, hạt giống cây trồng được thu hoạch từ trên nương rẫy.

leftcenterrightdel
 Thầy cúng cắt tiết gà.

Sau khi lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ, thầy cúng, người dân trong buôn tiến hành nghi thức cúng thần linh. Theo đó, thầy cúng đứng trước cây nêu và đọc lời cúng: “Hỡi các thần! Thần núi cao, rừng xanh, vực sâu; thần sông mẹ, suối con, thần thác nước lớn nhỏ hãy về với gia đình chúng tôi  để chung vui, cùng uống rượu, mừng ăn cơm mới. Chúng tôi cúng các thần con heo 3 gang, con gà trống, 3 ché rượu cầu mong năm tới phù hộ cho gia đình, buôn làng được mùa màng bội thu, lúa đầy kho, bắp đầy nhà và cây trồng phát triển tươi tốt,…”

Ngay sau khi thức cúng thần linh là lễ cúng lúa mới và cúng sức khỏe cho già làng ngay tại kho lúa. Tại đây, già làng đưa cho thầy cúng con gà. Vừa cắt tiết gà, thầy cúng vừa đọc lời khấn: “Hỡi các thần! Hôm nay mùa màng đã thu hoạch xong, chúng tôi gọi hồn lúa khắp nơi hãy về kho, về với gia đình, buôn làng cùng ăn, cùng uống rượu mừng. Tháng 2, tháng 3 lúa nằm dưới le, mọc dưới bụi cỏ; tháng 7, tháng 8 lúa chín ở trên nương rẫy; tháng 10, tháng 11 lúa hãy về kho của gia đình. Sau này, khi nấu trong nồi được nhiều cơm, ăn mãi không hết. Mong thần phù hộ, xua đuổi con thú không phá hoại mùa màng, tất cả cây lúa nảy mầm tốt đều, cây trồng lớn nhanh để lấn át đám cỏ cây ngoài rẫy kia…”.

leftcenterrightdel
Đội cồng chiêng phục vụ lễ cúng lúa mới. 

Kết thúc phần cúng, già làng mời thầy cúng uống rượu cần để cảm ơn thầy cúng đã mời các thần linh về chứng giám Lễ cúng lúa mới. Lúc này, già làng đổ rượu cần vào kho lúa, cho rượu chảy từ sàn kho lúa xuống và phía dưới sàn kho, một người phụ nữ ngồi để hứng những giọt rượu chảy xuống với ý nghĩa cầu mong thần linh phù hộ cho già làng, lúa thóc đầy kho, ngô khoai đầy nhà…

leftcenterrightdel
Già làng mời thầy cúng uống rượu để cảm ơn. 

Sau đó, già làng bôi huyết gà pha với rượu quét lên tất cả các vật dụng trong nhà và bôi lên cổ các thành viên trong gia đình để cầu chúc cho mọi người sức khỏe, gia đình hạnh phúc, mùa màng bội thu… Kết thúc lễ cúng, thầy cúng mời già làng, bà con và mọi người cùng ăn, uống rượu cộng cảm, kể chuyện, vui đùa, chúc nhau mừng lúa mới… hòa cùng tiếng cồng chiêng và những điệu hát suốt ngày, thâu đêm.

leftcenterrightdel
 Người phụ nữ tận tụy bên bếp lửa dưới kho thóc của người M'Nông Gar.

Phát biểu tại Lễ cúng lúa mới, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho hay, việc tổ chức trình diễn nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần bồi đắp, làm giàu kho tàng văn hóa, vốn tri thức dân gian của các dân tộc Việt Nam.

Những giá trị về bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp đó đều thể hiện sự mong ước của con người luôn khỏe mạnh, may mắn, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, buôn làng yên vui, được gặp gỡ giao lưu sau những ngày lao động mệt mỏi. Đây cũng là dịp để mỗi thành viên và cộng đồng được giao hòa với thế giới tâm linh và thế giới thực tại, giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Lễ cúng lúa mới của người M’Nông Gar là một trong những nỗ lực của ngành văn hóa để hoàn thành nhiệm vụ về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.

Chính Cương