Theo tài liệu lịch sử, Lê Văn Hưu SN Canh Dần (1230) - mất năm Nhâm Tuất (1322) trong một dòng họ nổi tiếng ở làng Phủ Lý, nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 17 tuổi ông thi đậu Bảng nhãn trong khoa thi đầu tiên của nhà Trần.

Ông Lê Văn Hưu từng được giao nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Trần, như: Kiểm pháp quan, Hàn Lâm viện Học sĩ, kiêm Quốc sử viện Tu giám, làm phó quan cho Thượng tướng quân Trần Quang Khải.

leftcenterrightdel
 Đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Đóng góp lớn nhất và đã đưa tên tuổi của Lê Văn Hưu vào lịch sử dân tộc không dừng lại ở việc đỗ Bảng nhãn và làm quan mà là khi ông được vua Trần Thái Tông điều chuyển sang làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu. Thực hiện lệnh của nhà vua, Lê Văn Hưu đã thu thập tất cả các sách sử ghi chép ít ỏi và sơ sài của thời Lý và cùng thời để biên soạn lại và viết thêm rất nhiều để thành bộ quốc sử có tên Đại Việt sử ký, gồm 30 quyển.

Nhằm khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt của Nhà sử học Lê Văn Hưu trong lịch sử dân tộc - nhà sử học đầu tiên của nước ta, người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam (bộ “Đại Việt Sử ký”); đồng thời tiếp tục bổ sung nguồn tư liệu, góp thêm tiếng nói về thân thế sự nghiệp của Nhà sử học Lê Văn Hưu trong triển khai lập hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Danh nhân văn hóa thế giới; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, truyền thống lịch sử, văn hóa, nâng cao tinh thần cách mạng, đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, huyện Thiệu Hóa tổ chức các hoạt động nhân 701 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu năm 2023.

Đây là sự kiện quan trọng thu hút du khách thập phương về với Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu. Sự kiện cũng kết nối với các di tích lịch sử cách mạng của huyện Thiệu Hóa, tiếp tục giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, nghề truyền thống và những sản vật của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; động viên tinh thần của nhân dân, tạo sự đoàn kết, giao lưu văn hóa và phát triển du lịch của địa phương.

Các hoạt động nhân 701 năm ngày mất Nhà sử học Lê Văn Hưu sẽ được tổ chức theo đúng quy định, đảm bảo trang trọng, thiết thực, an toàn và tiết kiệm. Nội dung các hoạt động phải có sự gắn kết chặt chẽ, thể hiện được bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn các hoạt động văn hóa với du lịch và các hoạt động quảng bá giới thiệu, tạo sự tác động tương hỗ giữa phát triển văn hóa, du lịch với phát triển ngành, lĩnh vực.

Các hoạt động sẽ được tổ chức từ 10 đến 13/5 (tức từ 21 đến 24/3 năm Quý Mão), tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.

Trong đó các hoạt động chính như: Dâng hương, dâng hoa tại lăng mộ Nhà sử học Lê Văn Hưu; rước kiệu từ lăng mộ về  Đền thờ Nhà sử học Lê Văn Hưu (ngày 12/5, tức ngày 23/3 năm Quý Mão).

Trong dịp này huyện Thiệu Hóa cũng sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vào ngày 11/5 (ngày 22/3 Âm lịch), đêm giao lưu văn nghệ quần chúng tại Trung tâm làng nghề Trà Đông xã Thiệu Trung.

Ngoài ra, huyện Thiệu Hóa còn tổ chức hội chợ giới thiệu các sản phẩm đúc đồng truyền thống Trà Đông, sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực huyện Thiệu Hóa năm 2023. Dự kiến hội chợ có 45 gian hàng, với sự tham gia của các sản phẩm OCOP và các sản phẩm chủ lực, của các địa phương. Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 13/5./.

Bình Minh