Nghề luật sư có rất nhiều chuyện vui, nhưng cũng không ít nỗi buồn. Trong mắt người này, luật sư được tôn vinh như vị cứu tinh, song trong mắt người khác lại là những kẻ hắc ám. Giống như hai mặt của cuộc đời, nghề luật sư luôn va đập với những góc sáng - tối của cuộc sống.…Bắt đầu từ số này, báo BVPL CT sẽ đăng loạt phóng sự "Nghề luật sư và những nỗi niềm trong kiếp nhân gian".
Đứng trước tòa, luật sư không chỉ là người bảo vệ quyền lợi của thân chủ mà nhiều khi còn giúp thân chủ dũng cảm chấp nhận những hình phạt do tội lỗi của mình gây ra. Sau những bản án nghiêm khắc với bị cáo, điều đọng lại là những nỗi niềm chất chứa. Đối với luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh), người từng nhận bào chữa cho rất nhiều hung thủ phạm trọng tội giết người, mỗi vụ án anh tham gia bào chữa đều là những kỷ niệm sâu sắc về nhân tình thế thái phía sau những bản án lạnh lùng. Anh tâm sự: Vụ án để lại cho anh nhiều suy nghĩ nhất trong suốt quãng đường hành nghề chính là vụ giết người man rợ của Nguyễn Đức Nghĩa: "Là luật sư được tòa chỉ định, khi nghe những thông tin ban đầu tôi cũng cảm thấy kinh hoàng và căm giận những hành vi của Nghĩa. Thế nhưng khi trực tiếp gặp Nghĩa, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi anh ta đầy vẻ trí thức, điềm tĩnh và ăn nói lễ phép. Nếu chưa từng nghe tới những hành động giết người kinh hoàng trước đó, khó ai có thể hình dung Nghĩa lại là một sát thủ máu lạnh. Điều đó cũng cho thấy một điều, ranh giới giữa thiên thần và ác quỷ trong một con người thật mong manh...". Từng chứng kiến luật sư Thơm tham gia bào chữa nhiều vụ trọng án, có những khi anh là luật sư của bị cáo và có những khi là luật sư của bên bị hại nhưng có một điều dường như là nguyên tắc hành nghề, trước khi tranh tụng tại tòa, bao giờ anh cũng gửi lời chia sẻ nỗi đau với gia đình người bị hại. Anh tâm sự: "Khi đứng trước tòa, dù có đóng vai trò là luật sư của bên nào thì cũng cần phải biết xót xa đến những số phận con người. Chính vì vậy nên khi "cất tiếng" phản biện, tôi rất cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói để làm sao đừng đào sâu vào những nỗi đau khi không cần thiết... Khi nghe tòa tuyên mỗi bản án tử hình, tôi đều cảm thấy đau khổ cho họ, dù có thể trước đó mình là người đưa ra các quan điểm pháp luật để đi đến bản án tử hình đó...".
Trong giới luật sư, có lẽ cũng nhiều người biết đến luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh). Đối với ông, nghề luật sư "niềm vui thì hiếm mà nỗi buồn thì nhiều vô kể". Ông bảo: "Nghề nghiệp cho tôi được dịp tiếp xúc với nhiều số phận, nhiều người trong số họ vướng vào lòng lao lý, đau lòng lắm. Có nhiều phán quyết sáng rõ, thậm chí được minh oan nhưng họ không dễ nguôi ngoai, và rất khó gượng dậy được để trở lại đời sống bình thường nữa. Kỷ niệm buồn thì nhiều lắm, có nhiều vụ, người ra tòa là người đứng đầu doanh nghiệp, khi bị bắt tạm giam, doanh nghiệp cũng bị sụp đổ với bao nhiêu số phận công nhân viên". Nhưng đối với Phan Trung Hoài "được hành nghề luật với nhiều giông bão của đời sống tố tụng là một hạnh phúc hiếm hoi mà cuộc sống đã ban tặng...".
Niềm vui và nỗi buồn luôn đồng hành với cái nghề thầy cãi. Một luật sư trẻ kể: Thật sự mà nói trong nghề luật sư chẳng ai muốn đi bào chữa chỉ định. Vì theo quy định, một ngày đi bào chữa chỉ định chỉ được 120.000 đồng. Tiền đã ít, lại chưa chắc đã nhận được. Có một lần đi bào chữa chỉ định, bị cáo bị truy tố tội giết người mức án tử hình. Tôi đến toà đọc hồ sơ, thấy không có gì, cô thư ký toà nhìn mặt tôi lừ lừ, không nói không rằng. Tôi đề nghị được photo hồ sơ vụ án. Cô bảo là Toà không cho phép. Ai mà chả biết Luật sư được sao chụp hồ sơ vụ án. Chắc cô ấy nghĩ sao chụp là không phải photo. Nói vậy thôi, tôi thừa biết, vì nói là án chỉ định, nhưng cũng có luật sư "làm màu" được thân chủ bất đắc dĩ này. Nhưng riêng tôi, thì không. Mỗi người một quan điểm. May là tôi đã trang bị một máy chụp kỹ thuật số nên không vấn đề gì. Sau đó phiên tòa diễn ra, Viện Kiểm sát đề nghị 20 năm tù. Tôi nghĩ rằng bản án như vậy là quá nghiêm khắc và thực tế bản thân bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ cần phải xem xét. Xét đề nghị của tôi, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên phạt bị cáo 15 năm tù. Sau phiên toà bị cáo và gia đình đã cảm ơn tôi. Chính điều này làm tôi cảm động vô cùng. Dù biết rằng con người vừa cảm ơn tôi là một phạm nhân mang tội Giết người. Tôi có một anh bạn, hôm nọ đi bào chữa cho một bị cáo về tội trộm cắp, cố gắng xem xét xem anh ta có những tình tiết giảm nhẹ nào để bào chữa cho anh ta. Ấy vậy mà khi anh trở về nhà thì bọn đạo chích đã đột nhập nhà anh lấy cũng gần 40 triệu đồng và đập phá một số đồ đạc. Bản thân tôi cũng vậy, có một lần tôi đi bào chữa cho một bị cáo tội trộm cắp xe máy. Dù trước đó một tháng tôi bị trộm cuỗm mất chiếc xe gắn máy. Có một anh bạn làm tư vấn cho một thân chủ, mặc dù hợp đồng dịch vụ pháp lý đã quy định rõ mức thù lao nhưng khi thân chủ vào tù thì bà mẹ của anh này đến Văn phòng đòi lại tiền thù lao do con bà ta vẫn phải vào tù. Trời, có tội thì phải chịu chứ. Luật sư chỉ là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ thôi. Chứ có tội mà cải thành không thì chắc tôi cũng không dám cãi, và xin từ chối. Vậy đó, chuyện làm luật sư cũng có lắm nhiều nỗi buồn, nhưng cũng có lắm niềm vui".
Luật sư Mai Xuân Hương tâm sự: Năm 2006, một luật sư tập sự còn rất trẻ vẫn đang học việc tại một văn phòng luật sư có tiếng ở Hà Nội. Vào một hôm trực, hôm đó trời mưa khá to. Vị luật sư trẻ này tiếp 1 người phụ nữ trung tuổi gầy gò, ốm yếu quê ở Hà Tây (cũ) đến nhờ tư vấn trong một vụ kiện tranh chấp đất đai giữa anh em trong gia đình (người phụ nữ này bị gia đình anh, em chiếm đoạt hết đất đai là di sản mà bố mẹ để lại với lý do "là con gái nên không có phần"). Sau khi tư vấn và báo cáo lại cho Trưởng văn phòng, anh đã đề nghị bà ký hợp đồng thuê luật sư với giá 50 triệu và tạm ứng trước 30 triệu. Bà nộp tiền tư vấn và lủi thủi ra về mà không nói nổi câu nào. Sau này vị luật sư này mới biết bà ta rất nghèo và giá trị mảnh đất tranh chấp đó chỉ đáng giá khoảng 70 triệu. Khi từ Văn phòng ra về, trời vẫn mưa, vị luật sư này thấy bà ngồi thu lu một góc vỉa hè tránh mưa. Thấy có vẻ tội nghiệp, vị luật sư này đến và bắt chuyện. Câu chuyện về hoàn cảnh của bà có lẽ éo le hơn bất cứ ai. Có sẵn máu nghề nghiệp, cùng với tuổi trẻ, vị luật sư sẵn lòng giúp đỡ bà miễn phí trong vụ kiện tụng này. Sau 2 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện, vào giữa năm 2008, vụ án cũng đi đến hồi kết và kết quả là bà được chia một gian nhà nho nhỏ. Một điều đáng nhớ trong vụ án này đó là "trời mưa". Hôm nào vị Luật sư này đi Hà Tây (cũ) cũng mưa, có lần xuống để tham gia phiên tòa, luật sư vào phòng xử án mà ướt như chuột. Vậy là 2 năm cho một vụ án, 2 năm thử thách vị luật sư trẻ này để được cái gì vậy ? Ngoài kinh nghiệm nghề nghiệp ra thì không được cái gì. Cho đến chiều 28 Tết năm 2009, luật sư này bất ngờ khi thân chủ mình tìm đến tận nhà biếu một con gà do chính bà nuôi cùng với 5 cân gạo nếp và chúc anh luôn khỏe mạnh. Tết năm 2010 cũng vậy, cũng một con gà và một loạt những hoa, quả ... Từ đó, vị luật sư này có quan niệm rằng, thân chủ của mình trả phí bằng tiền thì thật đơn giản, nhưng để thân chủ mình trả phí bằng sự trân trọng và lòng biết ơn mới là điều khó nhất ở nghề luật sư. Thù lao của luật sư đôi khi không chỉ tính bằng tiền mà được tính bằng niềm vui.
Vậy có bạn trẻ nào chuẩn bị bước vào nghề "cãi" này, hãy tạm quên đi cái gọi là "cơm, áo, gạo, tiền" để hướng tới một điều gì đó mới mẻ và lạ lẫm hơn. Cuộc sống này công bằng lắm.„
VĂN LIÊN
(Còn nữa)