“Hòn đá này chỉ là một nồi “lẩu thập cẩm”, một sự tập hợp không có cơ sở, mang tính chất hù dọa người khác”, Đại đức Thích Tục Khang, Phó trưởng Ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hải Phòng, người có kinh nghiệm hàng chục năm tìm tòi, sưu tập, nghiên cứu về phù chú dân gian cho hay.
Hòn đá rắc rối
Đền Hùng (Phú Thọ) cùng với tín ngưỡng thờ tổ Hùng Vương vừa được UNESSCO trao bằng công nhận là “Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại”. Suốt nhiều ngày qua, điều khiến dư luận quan tâm hơn đến địa chỉ này là chuyện “hòn đá lạ” đặt ở phía bên trái, ngay trước cửa vào hậu cung của nơi tôn nghiêm đền Thượng. Nhiều người ngạc nhiên, không hiểu rõ ý nghĩa, rải tiền lẻ xung quanh, chụp ảnh, sờ mó, bình luận…
|
Họa tiết loằng ngoằng trên hòn đá |
Đại diện Ban quản lý di tích Đền Hùng cho biết, hòn đá đã được đặt ở đây từ năm 2009, sau khi đền Thượng vừa được tu bổ, tôn tạo. Khi ấy, được một “thầy phong thủy” “hiến kế”, ông Nguyễn Bá Khôi, là giám đốc lúc đó đã nghe theo nhằm mục đích “trấn yểm”. Từ đó đến giờ chưa có một nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn thẩm định về các hoa văn, hình thù kỳ dị, chữ viết trên hòn đá.
Ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Ban quản lý Đền Hùng cho biết: “Đây là vấn đề “nhạy cảm”, chúng tôi sẽ xin ý kiến tỉnh để lập hội đồng khoa học tìm hiểu rõ về hòn đá sau lễ hội”. Ông Các thừa nhận, mình mới nhận nhiệm vụ được hai năm nên chưa có điều kiện “giải mã” hòn đá đã được đặt từ thời người tiền nhiệm. Theo ông Các, để biết rõ về "hồ sơ lý lịch" của hòn đá, cần tìm gặp vị giám đốc cũ.
Quyết tâm tìm câu trả lời, nhóm phóng viên Pháp luật VN đã tìm đến nhà ông Nguyễn Bá Khôi, nguyên Giám đốc Ban quản lý di tích. Ông Khôi cho biết, năm 2006, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tỉnh trùng tu, tôn tạo khu di tích vì nhiều hạng mục đã xuống cấp.
Do đây là “thánh địa” cực kỳ linh thiêng nên về mặt tâm linh, người ta rất cẩn trọng. Sàng lọc kỹ càng những tiến cử của nhiều chuyên gia, Ban Quản lý thời đó đã chọn ông Nguyễn Minh Thông (Đại tá quân đội, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng văn hóa Phương Đông, thành viên Unesco Việt Nam) đảm nhiệm hầu hết các khâu từ chọn ngày, cúng lễ, hạ giải, yên vị… trong suốt 3 năm tu bổ khu di tích.
Ông Khôi nhớ lại, trong thời gian đang trùng tu, tôn tạo các hạng mục của công trình, tình cờ phát hiện một viên gạch cổ có những chữ, hình thù lạ dưới chân điện thờ ở đền Thượng.
Khi đó, ông Thông khẳng định đây là “bùa chú trấn yểm”, không tốt về mặt tâm linh. Để “khắc chế” điều này, ông Thông cùng cộng sự nghĩ ra cách dùng viên đá ngọc xanh có nhiều “năng lượng tốt lại hấp thụ được linh khí đất trời, có khả năng hóa hung thành cát, giúp quốc thái dân an”. Viên đá trên do một doanh nhân chuyên doanh đá quý ở Hà Nội hiến tặng.
Vật phẩm đã có, ông Thông thuê thợ đẽo gọt để tạo ra "hòn đá lạ" hình thù như trên. Tiếp đó, người này trực tiếp nghiên cứu trang trí hình vẽ, chữ cổ làm sao “đủ mạnh để trấn áp được tà khí xâm nhập vào chốn linh thiêng”. Hòn đá còn được làm lễ yên vị rất long trọng, trang nghiêm.
“Thầy bói xem voi”?
Hòn đá được đặt trên kệ gỗ ngay trước cửa hậu cung đền Thượng, phía bên trái nhìn từ ngoài vào, chiều cao khoảng 50 cm, rộng 36cm, hình hơi dẹt, màu xanh ngọc ở trong, phía ngoài hoa văn màu vàng, có gân màu trắng nhỏ. Mặt trước hòn đá có những hình thù kỳ lạ.
|
Cái được cho là “bùa chú” |
“Cha đẻ” của hòn đá, ông Nguyễn Minh Thông lại cho rằng tổng thể hòn đá trang trí với hàm ý của Phật pháp. Cụ thể mặt trước có chạm “Trận đồ bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai”, dựa theo trận đồ bát quái của đức Thánh Trần trong “Binh thư yếu lược” đã áp dụng phá giặc Nguyên Mông. Trên trận đồ này viết những chữ giống như "chú của Mật tông", làm tăng hào quang và độ linh, độ uy của Phật để giải hóa bách nạn, bách khổ, bách bệnh cho dân. Tất cả các chữ đều viết theo lối cổ vì phải có linh khí của Phật và đức Thánh Trần mới hóa giải được bùa phép trấn yểm đã nhắc tới ở trên.
Như vậy, theo ông Khôi và ông Thông, hòn đá mang ý nghĩa “thuật phong thủy” của cổ nhân, khắc chế những trấn yểm xấu, mang lại linh khí tốt, niềm tin tâm linh. Điều này đúng hay sai, chưa ai rõ.
“Lẩu thập cẩm” kiến thức vụn vặt?
“Cha đẻ” của hòn đá cho rằng mình sáng tác hòn đá “hàm ý Phật pháp”, nhưng những vị tu hành lại có ý kiến: Những đồn thổi về hòn đá chỉ là chiêu bịp của những người mê tín.
Đại đức Thích Tục Khang, Phó trưởng Ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hải Phòng, người có thời gian hàng chục năm tìm tòi, sưu tập, nghiên cứu về phù chú dân gian cho hay: “Đây chỉ là một hòn đá bình thường, không liên quan gì đến tâm linh, không mang hệ thống phù chú, những họa tiết trên đó như trẻ con vẽ chơi”.
Phản bác ý kiến cho rằng đây chính là hòn đá mang ý nghĩa “trấn giữ quốc gia”, ông khẳng định: “Hòn đá vô giá trị gì về mặt tâm linh và lịch sử, chẳng khác nào “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Sử sách có ghi lại việc các quan trông coi việc thiên văn, địa lý lấy những ngọn núi, hay thế đất… phù chú, chứ không hề phù chú vào hòn đá vớ vẩn này được.
Đại đức Thích Tục Khang cực lực phản đối những tin đồn thổi, huyền thoại hóa những điều không có thật, sẽ gây tâm lý “ngộ nhận”, nguy hiểm cho dư luận và lịch sử, nhất là với những người kém hiểu biết, mang xu hướng mê tín dị đoan. “Đề nghị ban quản lý di tích nên đưa hòn đá đi nơi khác, là một cách dập tắt những tin đồn vô căn cứ”, ông nói.
Theo Khắc Trịnh
Phapluatvn.vn