Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa đang dần bị lãng quên và cần có chính sách bảo tồn, phát triển.



Nghệ nhân bỏ tiền túi bảo tồn di sản


Các ý kiến bày tỏ sự ủng hộ khi dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề phát triển môi trường văn hóa lành mạnh, hoàn thiện bản sắc văn hóa của dân tộc gắn với mục tiêu xây dựng con người VN phát triển toàn diện. Đồng thời, các nghệ sĩ cũng thẳng thắn phản ánh nhiều vấn đề hạn chế trong đời sống văn hóa hiện nay, đóng góp giải pháp bảo tồn và phát huy di sản, giá trị văn hóa truyền thống.


Nghệ sĩ ca trù nổi tiếng, ca nương Phạm Thị Huệ cho rằng có thực tế đáng buồn trong môn nghệ thuật này; nghệ nhân càng ngày càng ít đi. Có một thống kê từ năm 2005, ca trù chỉ có 12 nghệ nhân trên 80 tuổi, đến nay chỉ còn lại khoảng 5 - 6 người. Các nghệ nhân đều tích cực bảo tồn di sản nhưng thực tế chưa có chính sách hỗ trợ gì từ nhà nước. Nghệ sĩ vẫn phải tự bỏ tiền túi lo tổ chức biểu diễn, quảng bá và cả đào tạo truyền nghề cho thế hệ sau. “Đối với giá trị văn hóa truyền thống đã được công nhận là di sản, Đảng và Nhà nước cần có chính sách đầu tư xứng đáng để bảo tồn vì đây là những kho báu do cha ông từ bao đời truyền lại”, bà Huệ bày tỏ.


Nhìn nhận lao động văn hóa nghệ thuật là công việc có tính chất đặc thù cần có chính sách đãi ngộ riêng, NSƯT Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc VN cho rằng, tài năng trẻ âm nhạc nước ta không thua kém thế giới. Nhiều tài năng âm nhạc của VN từng giành giải thưởng lớn, khẳng định vị trí trong nền âm nhạc thế giới. Để có thành tích này, nhiều người phải học tập, rèn luyện từ nhỏ, có người học tới 16 năm mới ra trường để gặt hái thành công. Nhưng chính sách đãi ngộ cho cả tài năng trẻ lẫn người làm công tác đào tạo chưa tương xứng với thành tích đóng góp cho nền văn hóa âm nhạc VN. “Cơ chế, chính sách nên có đãi ngộ đặc biệt với đội ngũ giảng viên giỏi trong âm nhạc cũng như các môn nghệ thuật khác, giúp họ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp đào tạo tài năng trẻ cho đất nước”.


Chính sách giúp nghệ sĩ phát huy tài năng


Nhìn nhận câu chuyện bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống cần có sự nối tiếp giữa các thế hệ, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, hội viên Hội Nhà văn VN bày tỏ thực tế đáng lo là người trẻ không mặn mà tìm đến các môn nghệ thuật truyền thống. Dẫn chứng ngay dân ca quan họ Bắc Ninh, ông Hưng cho rằng, thực tế môn nghệ thuật này chỉ bảo tồn những gì đang có, vì không phát triển được ca từ, lời hát đối đáp mới khi thiếu vắng sự quan tâm, tham gia của lớp người trẻ.


Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ, làng nghề truyền thống là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa dân gian, đây sẽ là thế mạnh, tạo ra bản sắc riêng của VN trong hội nhập quốc tế. Trong lĩnh vực thời trang, VN có nhiều làng nghề dệt vải, thêu truyền thống nhưng tương lai thì càng ngày càng mai một. Bản thân người trẻ sinh ra và lớn lên ở nơi ấy không còn hứng thú khi nghề truyền thống không giúp họ dễ kiếm sống như làm việc khác. “Nhà nước nên lựa chọn ra các làng nghề đang có thế mạnh, tiềm năng phát triển đầu tư có trọng điểm, thu hút người trẻ trở lại gắn bó với nghề truyền thống”, hoa hậu Ngọc Hân kiến nghị.


Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn cho rằng, các ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 có điểm chung ở tình cảm tâm huyết, trách nhiệm của nghệ sĩ trẻ trong vấn đề gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân VN. Trong công tác giáo dục thanh thiếu nhi, sức mạnh của các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật còn ở sức lan tỏa, định hướng cho người trẻ phấn đấu, rèn luyện để có lối sống đẹp, vun đắp cho xã hội những giá trị nhân văn. “T.Ư Đoàn trân trọng ghi nhận và sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước bổ sung các chính sách mới phù hợp, tạo môi trường khuyến khích nghệ sĩ phát huy tối đa tài năng để vừa chủ động hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hóa, quảng bá văn hóa VN và gìn giữ được nét văn hóa tinh hoa của dân tộc”, anh Dũng nói.

 

Theo Thanh Niên

.