leftcenterrightdel
 Nhạc sĩ Bùi Mạnh Khải  – Tác giả ca khúc “Tự hào ngành Kiểm sát nhân dân”.

Ra đời từ năm 2000 - đúng dịp kỉ niệm 40 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, ca khúc “Tự hào ngành Kiểm sát nhân dân” là một trong số những tác phẩm hay viết về ngành Kiểm sát. Bài hát ca ngợi chiến công thầm lặng của những người chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, bằng những ca từ ý nghĩa, thể hiện sự cảm hiểu sâu sắc về đặc thù công việc cũng như tâm tư, tình cảm của người cán bộ Kiểm sát. 

Nhiều năm qua, bài hát “Tự hào ngành Kiểm sát nhân dân” luôn được lựa chọn để biểu diễn trong nhiều buổi liên hoan, hội diễn văn nghệ của ngành Kiểm sát, nhưng ít ai trong số chúng ta biết về tác giả và hoàn cảnh ra đời của bài hát. Nhân kỉ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân đang tới gần, chúng tôi đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với nhạc sĩ Bùi Mạnh Khải hiện đang làm Chánh Văn phòng Công đoàn Ngân hàng Việt Nam – Tác giả ca khúc “Tự hào ngành Kiểm sát nhân dân”.

PV: Xin kính chào nhạc sĩ Bùi Mạnh Khải! Rất vinh dự khi được gặp và trò chuyện với nhạc sĩ trong những ngày tháng 7 đầy ý nghĩa này. Được biết, thời điểm sáng tác ca khúc “Tự hào ngành Kiểm sát nhân dân”, khi đó, nhạc sĩ đang công tác tại Nhà máy đóng tàu Ba Lan (Hạ Long, Quảng Ninh). Vậy xin được hỏi cơ duyên nào đã đưa nhạc sĩ đến với ngành Kiểm sát?

NS: Những năm 1998-1999, lúc đó tôi đang công tác tại Nhà máy đóng tàu Ba Lan. Tôi có một người bạn học phổ thông là đồng chí Đặng Bá Bắc – lúc đó đang là Bí thư Chi đoàn của VKSND tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù tôi không qua học một trường nhạc chính quy nào nhưng do tự mày mò học nên tôi có thể chơi được một số loại nhạc cụ. Chính vì thế mà trong những chương trình văn nghệ của VKS tỉnh Quảng Ninh ngày ấy, thông qua đồng chí Bắc, tôi thường được cơ quan VKS tỉnh mời đến để chơi nhạc và dàn dựng một số tiết mục văn nghệ cho cơ quan.

Chính những năm tháng thanh niên hoạt động sôi nổi ấy đã giúp tôi bén duyên với ngành Kiểm sát. Và rất vinh dự cho tôi, nhờ tích cực tham gia vào các hoạt động văn nghệ của VKSND tỉnh Quảng Ninh, tôi đã được đồng chí Viện trưởng lúc bấy giờ là bác Trần Văn Chưởng, kết nạp là “Kiểm sát viên danh dự” của ngành Kiểm sát Quảng Ninh. Đó là một dấu ấn trong cuộc đời mà tôi không bao giờ quên được!

Trong những năm tháng được sinh hoạt văn hoá văn nghệ cùng anh em đồng chí trong ngành kiểm sát, tôi thấy các bạn mặc dù trong công việc hằng ngày rất nghiêm túc và chỉn chu thế nhưng khi lên sân khấu, khi tham gia vào các hoạt phong trào họ lại rất nhiệt tình, vui vẻ yêu đời. Chính sự lạc quan vui vẻ ấy đã khiến tôi không còn phân biệt công tác trong ngành Kiểm sát hay ngành cơ khí nữa mà tôi thấy mình như được hoà với tất cả mọi người, như một gia đình thứ hai.

leftcenterrightdel
 Tác giả thời thanh niên tham gia chương trình văn nghệ tại VKSND tỉnh Quảng Ninh.

PV: Như vậy, có thể nói rằng chính nhờ những năm tháng thanh niên sôi nổi cùng hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ mà nhạc sĩ đã biết và dành tình cảm cho ngành Kiểm sát. Vậy nhạc sĩ có thể chia sẻ về quá trình sáng tác ca khúc “Tự hào ngành Kiểm sát nhân dân”?

NS: Ca khúc ra đời hết sức tình cờ. Một lần, bác Chưởng - Viện trưởng lúc đó có gặp tôi và hỏi: “Sao chú không sáng tác tặng ngành Kiểm sát một bài hát nhỉ?”. Lúc đó tôi đã về nhà suy nghĩ và tự nhận thấy rằng, nếu như mình đã được kết nạp là “Kiểm sát viên danh dự” thì mình cũng cần phải có gì đó cống hiện cho Viện. Tôi đã đến gặp đồng chí Viện trưởng và nói: “Cháu sẽ nghiên cứu và tìm thêm tư liệu để sáng tác tặng ngành một bài hát đơn giản để khi nào có sự kiện của cơ quan, anh em mang ra hát cho vui”.

Quá trình sáng tác từ khi tìm tư liệu cho đến khi bài hát ra đời cũng không quá lâu. Tôi mất khoảng chừng một tuần để hoàn thành ca khúc. Và sau khi ca khúc hoàn thành, tôi đã lấy nhan đề là “Tự hào ngành Kiểm sát nhân dân”. Toàn bộ bài hát cũng như nhan đề, tôi không nói riêng về Kiểm sát Quảng Ninh, vì tôi nghĩ rằng bài hát ca ngợi ngành Kiểm sát và những người cán bộ Kiểm sát là nói chung trên cả nước, không riêng một tỉnh thành nào. Và tôi hi vọng là bài hát sau này không chỉ VKSND tỉnh Quảng Ninh hát mà bất cứ VKS tỉnh, thành nào trên cả nước đều có thể hát ca khúc này.

PV: Trong quá trình sáng tác ca khúc, nhạc sĩ có kỉ niệm nào đặc biệt?

NS: Tôi xin chia sẻ kỉ niệm của tôi về những ngày đầu sáng tác. Ban đầu tôi cảm thấy thực sự khó khăn vì không biết bắt đầu như thế nào, vì mình vốn công tác trong ngành cơ khí, làm sao để sáng tác bài hát về ngành tư pháp. Nhưng sau đó, khi nhìn thấy biểu tượng của ngành Kiểm sát là thanh gươm và lá chắn, trong tôi đã gợi lên suy nghĩ: Thanh gươm – là biểu tượng của sự xung trận giống như việc một Kiểm sát viên khi đấu tranh với tội phạm cũng chính là người chiến sĩ đang trong một cuộc chiến. Còn lá chắn – đó là biểu tượng của sự bảo vệ, cũng giống như công việc của người cán bộ Kiểm sát là thực thi pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của công dân, tổ chức.

Từ đấy, ý thơ đã lóe lên trong tôi và tôi đã bắt đầu bằng những câu: “Chúng tôi đây những người Kiểm sát nhân dân. Mặt trận nơi đây biết mấy tự hào. Cởi áo chiến binh mang trang phục mới. Vẫn mang trên đầu, lấp lánh một vì sao…”.

Tôi đặc biệt bám sát vào lời căn dặn của Bác Hồ với ngành Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” để viết lời cho ca khúc để làm sao nói lên được những phẩm chất cao đẹp của người cán bộ Kiểm sát khi thực thi công vụ. Về phần nhạc, tôi đưa vào bài hát nhạc nền là nhạc hành khúc rất dễ hát, có khi chỉ cần vỗ tay thôi không cần nhạc vẫn có thể hát được.

Tiếp đến một kỉ niệm trong quá trình sáng tác bài hát là tôi chỉ có thể sáng tác được vào ban đêm. Ngày ấy gia đình tôi ở nhà tập thể, căn nhà chỉ có một gian và con gái của tôi năm đó mới 7 tuổi. Ban ngày đi làm, tối về tôi phải dành sự yên tĩnh cho con học. Chỉ đến khi con gái lên giường đi ngủ, tôi mới kéo tấm màn gió lại và bắt đầu bỏ đàn ra đánh hòa âm, viết nhạc cho bài hát và sau một tuần thì ca khúc ra đời.

Một kỉ niệm nữa gắn với bài hát này là sau khi tôi viết xong ca khúc và mang đến, đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức một buổi văn nghệ ngay sau đó để công bố bài hát của tôi. Buổi văn nghệ có sự tham dự của các cụ hưu trí trong ngành Kiểm sát cùng một số lãnh đạo các cơ quan liên quan. Sau khi ca khúc được trình bày thì mọi người rất ấn tượng, và một số đồng chí lãnh đạo các cơ quan khác có đến đặt vấn đề với tôi sáng tác cho cơ quan họ một ca khúc. Tuy nhiên, sau đó tôi cũng đành phải từ chối vì tôi không tìm thấy cảm hứng như khi tôi viết ca khúc “Tự hào ngành Kiểm sát nhân dân”.

leftcenterrightdel
 Ông Bùi Mạnh Khải thể hiện ca khúc “Tự hào ngành Kiểm sát nhân dân” tại một buổi văn nghệ ở VKSND tỉnh Quảng Ninh.

PV: Ngày kỉ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân sắp tới gần, nhạc sĩ có lời chúc và lời nhắn gửi gì cho ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và ngành Kiểm sát Quảng Ninh nói riêng?

NS: Đã rất lâu rồi tôi không có dịp được gặp lại những đồng chí trong ngành Kiểm sát nhân dân, những người anh em đã cùng hoạt động phong trào rất sôi nổi cùng tôi năm xưa. Tôi rất nhớ anh em và mong một ngày nào đó được trở về VKSND tỉnh Quảng Ninh, gặp lại mọi người, để cùng hát lên ca khúc này, để được sống lại những năm tháng thanh niên sôi nổi và ý nghĩa.

Ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân đang tới gần, được biết năm nay là năm rất đặc biệt, đánh dấu chặng đường 60 phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân. Tôi với tư cách một người bạn của ngành Kiểm sát, một Kiểm sát viên danh dự, xin gửi lời chúc sức khoẻ tới toàn thể anh chị em cán bộ ngành Kiểm sát Quảng Ninh. Chúc các bạn luôn đoàn kết, bền bỉ, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó đó là bảo vệ hiến pháp, pháp luật. Chúc ngành ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới sẽ phát triển vững mạnh xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện hôm nay! Kính chúc nhạc sĩ và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục dành nhiều tình cảm hơn nữa cho ngành Kiểm sát.


Việt Hà