Dù đã có nhiều bài học đau lòng từ các gameshow truyền hình thực tế, nhưng các nghệ sĩ tên tuổi mỗi khi được mời làm giám khảo lại không đủ sức từ chối, bởi sự hào nhoáng mà nó mang lại.
 


“Nảy mực” nhiều hơn “cầm cân”

Không tính những chương trình gameshow hát đang diễn ra như “Vietnam Idol”, “Gương mặt thân quen”, “Ngôi sao Việt”, cuối tháng 3 và đầu tháng 4 này có ít nhất hai cuộc thi hát lên sóng là “Nhân tố bí ẩn” và “Tuyệt đỉnh tranh tài”. Điều đáng lưu ý là ngoài những nghệ sĩ chuyên làm “nghề giám khảo” như đạo diễn Lê Hoàng, Nguyễn Quang Dũng, nghệ sĩ Hoài Linh, nhạc sĩ Đức Huy… phần lớn còn lại đều là ca sĩ, nhạc sĩ, những người ít nhiều từng là thí sinh của cuộc thi khác nhưng đồng thời cũng trở thành giám khảo chỉ vì… sở hữu một lượng fan lớn. Lẽ ra, vị trí chủ lực của họ phải là làm sao đó để phát triển chuyên môn âm nhạc, thể hiện bằng việc ra tác phẩm mới, tổ chức liveshow, phát triển thị trường… thì họ lại tha thiết với “nghề giám khảo” một cách đáng lo ngại.

Cứ nghĩ sau một mùa “Vietnam Idol” “thất bát” với việc Yasuy giành quán quân, nữ ca sĩ Mỹ Tâm sẽ từ giã vai trò làm giám khảo để chuyên tâm vào âm nhạc; Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng sau một mùa “The Voice” cũng úp mở sẽ không làm giám khảo nữa vì quá mất thời gian, muốn “chuyên tâm hơn cho các dự án âm nhạc”; Thu Minh thì cho biết sẽ dành cho gia đình và chuyện con cái… Nhưng rồi, sức hấp dẫn từ chiếc ghế “quyền lực” dường như đã “gây nghiện” với họ đến mức những quyết tâm đau đáu với âm nhạc, những stress vì “gạch đá” từ dư luận cũng trở nên nhẹ bẫng trước lời ngon ngọt từ các đơn vị sản xuất. Lý do được giải thích là, ca sĩ, nhạc sĩ thì có nhiều, nhưng những người phù hợp với sân chơi giải trí thì không phải ai cũng đáp ứng đủ. Chính vì vậy mà những nhân vật được coi là “hái ra tiền” cho nhà sản xuất cứ đảo qua đảo lại đến quen cả mặt.

Có vẻ như việc “đào xới” lại các gương mặt quen sẽ dễ gây nhàm chán cho khán giả mà gần đây, các đơn vị sản xuất bắt đầu có xu hướng “hướng ngoại” bằng việc mời các nghệ sĩ hải ngoại. Chí Tài làm giám khảo cho “Bước nhảy hoàn vũ”. Đức Huy cầm cân ở cuộc thi “Gương mặt thân quen”, ca sĩ Thu Phương được mời về nước ngồi ghế nóng “X-factor” nhưng chị đã từ chối vì nhiều lẽ, trong đó có lý do không muốn xa gia đình quá lâu.

Vì “thừa nghề tay phải, hiếm nghề tay trái” nên nhiều khán giả tỏ ra không mấy hài lòng (nếu không nói là bị “mất giá”) khi thấy nghệ sĩ ngồi “nẩy mực” nhiều hơn là “cầm cân” cho các cuộc thi hát. Thu Minh phải lấy lý do riêng tư ra để từ chối làm giám khảo “The Voice” mùa thứ hai nhưng lại ngồi tung hứng “vô thưởng vô phạt” ở “Đố ai hát được”; Mỹ Linh mang tiếng là Diva, lẽ ra phải phát huy sở trường và kiến thức uyên thâm của mình ở những cuộc thi âm nhạc đúng nghĩa thì lại ngồi “nói lời hay ý đẹp” ở cuộc thi vui là chính của “Gương mặt thân quen”…

Làm giám khảo để “vớt hợp đồng quảng cáo?

Trong “cơn bão” của gameshow mới thấy quý những người có đủ dũng khí để từ chối như Thanh Lam, Tùng Dương và một vài nghệ sĩ khác. Nhạc sĩ Quốc Trung sau nhiều lần “nhẵn mặt” trên sóng truyền hình cũng đã rút ra một kết luận chua chát: “game show thì ăn không hết, festival thì lần không ra”. Đó chính là lý do mà anh sẽ nỗ lực để cống hiến nhiều hơn cho các dự án âm nhạc. Một festival âm nhạc quốc tế đang được dự định tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10 tới đây. Cũng ít người đủ tỉnh táo như Tùng Dương từng nhiều lần từ chối lời mời gọi của đơn vị Cát Tiên Sa vì thấy bản thân mình không thích hợp với các cuộc thi mà âm nhạc thực chất chỉ mang tính… giải trí.

Mặc dù các nghệ sĩ vẫn có những hoạt động biểu diễn bên cạnh nghề giám khảo nhưng nếu nói “ra tấm ra món” thì thật khó kể tên. Mỹ Tâm có lẽ là trường hợp hiếm hoi khi vẫn làm tốt ở vai trò giám khảo mà vẫn có những đóng góp nổi bật với âm nhạc trong nước, đồng thời có sức ảnh hưởng nhất định với thị trường quốc tế. Với những nghệ sĩ khác, sẽ có nhiều lý do để biện hộ cho việc vắng bóng những dự án âm nhạc nổi bật của họ như khủng hoảng kinh tế, sự lũng loạn của thị hiếu nghe khiến cho âm nhạc tử tế không có đất sống… Một ca sĩ từng tham gia truyền hình thực tế cho biết, thực ra, cát-sê của nghề giám khảo với ca sĩ không thấm vào đâu. Nhưng cái mà họ được hưởng lợi đó là nó làm nền cho các dự án sau đó của mình mà không phải mất nhiều công quảng bá. Ngoài ra, nếu may mắn, từ sức ảnh hưởng với khán giả truyền hình, các hợp đồng quảng cáo cũng sẽ được tìm đến. Đó mới là những nguồn lợi mà các nghệ sĩ mơ ước chứ không phải từ cát-sê ngồi “ghế nóng”.

“Được cái lọ thì mất cái chai”, trong khi các nghệ sĩ mải mê tìm khán giả bằng việc tham gia gameshow và e ngại cảnh lỗ chổng vó từ tổ chức chương trình, ra đĩa… thì từ đầu năm đến nay tại Hà Nội, các liveshow lớn nhất đều bị các nghệ sĩ hải ngoại “chiếm chỗ”. Đầu tiên là của danh ca Chế Linh, sau đó là Bằng Kiều - Thu Phương và chưa có đêm nào bị thừa vé, thậm chí, vé còn được bán hết từ trước chương trình khá sớm.

Nhưng, nguy hại hơn cả mà như nhận định của ca sĩ Tùng Dương đã chỉ ra rằng, âm nhạc không phải chững lại nữa mà là đang có dấu hiệu thụt lùi. “Một đời sống âm nhạc sẽ đi đến đâu nếu gameshow cứ nhan nhản như vậy và festival âm nhạc cứ dần thưa vắng, không giao lưu, không kết nối, không thăng hoa, học hỏi...? Sẽ đi về đâu, nếu ngày càng nhiều nghệ sĩ tên tuổi thay vì theo đuổi những dự án cá nhân ghi đậm dấu ấn sáng tạo, lại mải mốt chạy sô hết game show này đến game show khác?”. Thật tiếc là những nhìn nhận tỉnh táo như ca sĩ Tùng Dương giữa thời buổi này lại trở thành “của hiếm”.
 

Theo Gia đình & Xã hội

.