Sau giải phóng, không hẹn mà nên, Nhà văn Nguyễn Quang Sáng trở về sống và làm việc tại Sài Gòn, Nhà thơ Nguyễn Duy cũng được Hội Nhà văn “bổ nhiệm” làm Trưởng Văn phòng Đại diện báo Văn nghệ có trụ sở cùng thành phố. Hai văn sỹ cỡ “nhà to” nhưng cư ngụ ở 2 căn hộ có vẻ nhỏ so với tên tuổi của họ. Nguyễn Duy sống khiêm nhường nơi chân cầu Hai Bà Trưng, còn Nguyễn Quang Sáng ở trong một con hẻm nhỏ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
 

Người Sài Gòn gọi Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là anh Năm, hay Năm Sáng. Còn Nhà thơ Nguyễn Duy vẫn được gọi bằng Nguyễn Duy. Vài năm sau, hai anh được “đổi đời”, nhưng là đổi đời từ xe đạp lên xe gắn máy, chứ mọi thứ vẫn “nguyễn dư”. Tất nhiên chiếc xe gắn máy của Nguyễn Duy đời “cổ” hơn xe Năm Sáng đến mươi tuổi. Chiếc “Hông-đa” của Năm Sáng ngon lành, chạy “êm re” vì nó là đời “50 đèn tròn”. Anh Năm được một “đệ tử” biếu cặp Zên-xích mới toanh, còn lắp một cái giỏ sắt rất chắc chắn trước xe để đựng cái túi vải bạt. Trong túi ấy, anh Năm tịnh không đựng tài liệu văn chương mà chỉ để “cất” ít nhất một chai rượu.

Một đêm, tan cuộc nhậu từ Lăng Cha Cả trở về, Nguyễn Duy lo anh Năm xỉn chạy xe không an toàn, nên kèm xe anh về tận đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Năm Sáng tắt máy để chia tay Nguyễn Duy rồi dắt xe vào nhà. Một tay anh giữ xe, một tay đập mạnh cửa. Đập hoài không thấy người nhà ra mở cửa, Năm Sáng mỏi tay bèn dắt xe dựa vào gốc cây kế bên (vì chân chống xe của anh bị hỏng), rồi cẩn thận gỡ túi bạt đựng rượu đeo lên vai, quay vào đập cửa tiếp. Một giọng đàn bà Huế vọng ra: “Ông lộn nhà rồi”. Năm Sáng định thần lại, miệng lẩm bẩm: “Ủa, mình chưa xỉn đã vô lộn nhà!”. Anh vội quay ra định dắt xe, thì thấy chiếc xe gắn máy đã bị một thanh niên ở trần, mặc quần xà-lỏn hốt lẹ. Xe rồ máy, xì khói lao đi vun vút. Nguyễn Quang Sáng như “Từ Hải chết đứng”. Rồi bỗng bừng tỉnh, anh kẹp thật chặt túi rượu vào nách, tay kia sờ túi quần sau như chiều móc bót, tất tưởi đuổi theo tên cướp, vừa chạy miệng vừa gọi thống thiết “Nè, nè…” (như thể thằng cướp còn quên thứ gì nơi anh vậy!)

Mấy người trong hẻm nghe tiếng la bèn hối nhau đổ ra đường hóng chuyện. Một cụ sống gần nhà lên tiếng khuyên Năm Sáng: “Tụi nó cướp xe chuyên nghiệp đuổi răng được, bỏ đi chú ơi!”. Năm Sáng khựng lại như xe bị thắng gấp. Rồi gấp gáp phân bua: “Tui đuổi theo để đưa cho nó cái ca-vẹc(*) xe, nó lại tưởng tôi đuổi bắt nên ga dữ quá!”. Trong ánh điện đêm mờ ảo, dáng ông cụ đứng như chết lặng. Năm Sáng tự an ủi: “Chiếc xe Hông-đa của mình còn ngon thiệt!”

Câu chuyện nhà văn Nguyễn Quang Sáng bị cướp xe gắn máy có thật một trăm phần trăm mà cứ như đùa - đã trở thành giai thoại nên mỗi lần gặp anh Năm, chúng tôi thường vỗ tay vào túi quần trêu đùa: “Còn ca-vec nữa nè”.

Từ đận ấy, vợ con anh sợ nguy hiểm đến tính mạng nên không đồng ý để “bố” đi xe gắn máy nữa. Anh Sáng ưng ý nhứt là khi được nhạc sĩ Bảo Phúc “rước” đi nhậu bằng xe gắn máy.

Từ năm 1995, tôi chuyển ra Hà Nội. Cứ mỗi khi anh Năm ra Bắc họp, hay thi thoảng tôi có công việc vào Sài Gòn, anh em đều hẹn nhau đi nhậu. Anh Năm thích uống dòng “Tây đi bộ”. Tôi chiều anh mỗi “trận” 2 chai nhỏ, cũng có khi làm một chai lớn cho gọn. Mấy năm gần đây, anh Sáng ít ra Bắc, mà tôi thì họa hoằn mới vào Sài Gòn nên chúng tôi cũng thưa dần những cuộc rượu, cuộc vui.

Năm 2001, tôi vẽ chân dung Nhà văn Nguyễn Quang Sáng để giới thiệu trong phóng sự Truyền hình “Nguyễn Quang Sáng - người có tài kể chuyện” của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Ngày ấy, cháu Dũng con trai anh Năm Sáng trong đoàn làm phim đã đến tận nhà để ghi hình tôi đang vẽ chân dung Nguyễn Quang Sáng - cũng là một kỷ niệm khó quên.

Bây giờ, Dũng đã thành danh. Trong giới điện ảnh cũng như trên ghế giám khảo của nhiều chương trình giải trí, người ta hay gọi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là “Dũng Khùng” - Nhưng tôi nghĩ, Dũng còn lâu mới khùng được bằng cha mình - Nhà văn Nguyễn Quang Sáng!

(*) Ca-vẹc: Giấy đăng ký mô tô - xe máy
 

Đinh Quang Tỉnh

.