Tại Đà Nẵng, nhiều di tích văn hóa lịch sử có thể tạo điểm đến thu hút các nguồn khách bền vững bên cạnh điểm đến thuộc nhóm tài nguyên biển, tài nguyên sinh thái mà ngành du lịch khai thác lâu nay. Vì thế, ngành văn hóa cần có các giải pháp cụ thể để vừa bảo tồn, vừa khai thác hợp lý các di tích trên địa bàn thành phố.
 
 
Vì sao chưa hấp dẫn?
 
Nhà cổ của ông Đỗ Hữu Minh từng đón rất nhiều khách du lịch quốc tế (do một đơn vị lữ hành đưa đến) tham quan, nhưng sau đó đơn vị lữ hành này nghỉ hoạt động thì rất ít khách và chủ yếu là khách vãng lai tự tìm đến.
 
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, sở dĩ nhiều di tích văn hóa, lịch sử của Đà Nẵng chưa được khai thác hiệu quả một phần do Đà Nẵng xác định giá trị tài nguyên du lịch cốt lõi là tài nguyên biển và tài nguyên sinh thái (rừng, núi, sông, hồ).
 
Mặt khác, các tỉnh lân cận như Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế đã có các di sản văn hóa, di tích lịch sử quá đặc sắc, độc đáo nên trong liên kết sản phẩm các giá trị văn hóa bản địa của Đà Nẵng ít được khai thác.
 
Bên cạnh đó, thời gian lưu lại Đà Nẵng không nhiều, đa số du khách thường quan tâm các điểm lớn như: Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Hội An hay Thừa Thiên - Huế nên những điểm đến nhỏ thường bị bỏ qua. Đó là chưa kể cơ sở hạ tầng, dịch vụ đi kèm ở các điểm này chưa phát triển nên cũng gây bất tiện cho khách khi đưa vào chương trình tour.
 
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, thừa nhận cơ sở hạ tầng tại các điểm còn thiếu, nhận thức về phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa tại các làng quê, làng nghề truyền thống phục vụ phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là phát triển du lịch, còn rất thấp.
 
Trong khi đó, lý giải về việc “vắng bóng” di tích nhà cổ, đình làng trong các tour, tuyến, một số công ty lữ hành cho hay cũng từng đặt vấn đề kết nối điểm đến với nhà cổ của ông Đỗ Hữu Minh để đưa khách đến tham quan bằng đường sông nhưng do chưa có cầu tàu lên xuống nên chưa được triển khai. Tương tự, các di tích đình làng, lịch sử ở xa trung tâm thành phố nên mất nhiều thời gian di chuyển...
 
“Chúng tôi nhận thấy du lịch sinh thái gắn với các di tích lịch sử, văn hóa rất cần cho du lịch Đà Nẵng vì thành phố đang khan hiếm những sản phẩm về với thiên nhiên và cũng mong muốn tạo ra tuyến du lịch mới. Nhưng để chào bán được cho khách hàng thì đó phải là một sản phẩm hoặc chuỗi sản phẩm hoàn thiện”, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm Du lịch chuyên đề sự kiện, Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) trăn trở.
 
Quy hoạch đầu tư những điểm đến cụ thể
 
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, thời gian qua, Sở đã tham mưu thành phố trùng tu và bảo tồn các di tích. Cùng với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành tổ chức một số chuyến khảo sát để xem xét hình thành các tour du lịch cụ thể.
 
Một số di tích đã được đưa vào phục vụ tour đường sông như tuyến sông Hàn - Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (K20, chùa Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, tuyến đi Phong Lệ - Túy Loan - Thái Lai (đình làng Phong Lệ, mộ danh nhân Ông Ích Khiêm, đình Túy Loan, đình Thái Lai), tuyến du lịch sông Cu Đê…
 
“Thành phố cũng đã phê duyệt phá dỡ đập Bờ Quang, Đồng Nò, xây dựng cầu để thông suốt tuyến đi tham quan Ngũ Hành Sơn, đầu tư các cầu tàu tại vị trí đón trả khách du lịch tại K20, Túy Loan, Thái Lai nhằm tạo điều kiện khai thác hiệu quả các tuyến này. Trong kế hoạch phát triển ngành năm 2016, Sở chú trọng phát triển du lịch gắn liền với văn hóa, thúc đẩy hơn nữa sự gắn kết giữa hai lĩnh vực này. Kỳ vọng có sự chuyển mình mới cho các di tích lịch sử, đình làng của thành phố”, ông Cường nói.
 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngành du lịch cần nhìn nhận nghiêm túc cũng như có chiến lược cụ thể, đặc biệt trong vấn đề quy hoạch đầu tư những điểm đến gắn với di tích lịch sử - văn hóa một cách đồng bộ.
 
Ngay bản thân ông Đỗ Hữu Minh cũng có nhiều ý tưởng để thu hút khách đến thăm nhà cổ Tích Thiện Đường. Chỉ cần có cầu tàu cho khách đến Thái Lai bằng đường sông thì ông cũng xây dựng nhà chờ đón khách ở ngay sát bờ sông; xây dựng khu ẩm thực khép kín từ quy trình sản xuất nguyên liệu đến nấu nướng, thưởng thức với các món ăn dân dã như mì Quảng, bánh xèo, bánh gói… trong khuôn viên nhà cổ để du khách có thể thưởng thức, trải nghiệm ngay tại chỗ hay sẽ phối hợp với các công ty lữ hành hình thành các tour truyền thống, dân dã như đánh bắt cá trên sông...
 
Theo ông Cao Trí Dũng, tại một số địa phương khác như Huế, Hội An hay xa hơn là Bali (Indonesia), ngành du lịch đặc biệt quan tâm đến loại hình du lịch văn hóa và tạo sức hấp dẫn của những điểm đến là di tích văn hóa, lịch sử.
 
“Đà Nẵng nên học tập kinh nghiệm của Bali, dù xác định giá trị tài nguyên cốt lõi là tài nguyên biển nhưng họ khai thác các di tích lịch sử và giá trị văn hóa bản địa hết sức đặc sắc. Du khách nghỉ ngơi ở các khu nghỉ dưỡng ven biển và sử dụng thời gian rảnh rỗi trong ngày để tự do khám phá các làng chài, nhà cổ, đền tháp, cộng đồng địa phương…”, ông Dũng chia sẻ.
 
Ông Dũng cũng cho rằng, phải có quy hoạch, nghiên cứu, phân loại và lựa chọn các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển sản phẩm du lịch dài hạn. Tuy nhiên, để các di tích lịch sử hay các giá trị văn hóa bản địa đủ sức hấp dẫn du khách, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, Sở VH-TT&DL và sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp.
 
Đó là việc lựa chọn, quy hoạch đầu tư thành những điểm đến cụ thể, có thể hình thành các tuyến, điểm như: các di tích liên quan đến văn hóa Chăm liên kết với Bảo tàng Điêu khắc Chăm thành một nhóm sản phẩm chuyên đề; nhóm di tích dọc sông Hàn (các đình làng, di tích); nhóm làng nghề truyền thống như làng đá Non Nước, làng bánh khô mè Cẩm Lệ, làng chiếu Cẩm Nê…; nhóm văn hóa thị dân như nhà cổ, chợ địa phương, đình chùa…
 
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cũng cho rằng, để phát huy các giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa, trước hết cần thay đổi tư duy từ bảo tồn bằng sử dụng ngân sách sang tư duy phát huy giá trị để bảo tồn.
 
Thành phố phải quy hoạch một số điểm di tích để đầu tư có trọng điểm, nâng cấp, cải thiện một số hạng mục, đầu tư về thông tin, hướng dẫn viên tại điểm đến bảo đảm có thể phục vụ được du khách, tăng cường hỗ trợ, quảng bá các điểm di tích.
 
“Nhưng cần nhất vẫn là cách ứng xử đúng mực với di sản văn hóa của những người làm du lịch”, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố nhìn nhận. Lý giải điều này, ông Tuấn cho rằng lâu nay các công ty lữ hành có nhiều lý do để không hình thành các điểm đến là di tích lịch sử, văn hóa - vốn chưa mang lại nhiều lợi nhuận.
 
Vì thế, ngành du lịch cần đưa các di tích trở thành các điểm tham quan, nằm trong các tour, tuyến về du lịch văn hóa, lịch sử của các công ty lữ hành. “Bảo tồn và phát huy di tích không chỉ có việc giữ gìn những giá trị vốn có mà phải để cho nó “sống”, nghĩa là cho con người biết đến giá trị của nó”, ông Tuấn nêu quan điểm.
 
Theo Báo Đà Nẵng
.