Cách đây chưa lâu, dư luận xã hội hết sức xôn xao về dự án Nhà hát 3 nón lá ở Bạc Liêu với vốn đầu tư 222 tỷ đồng, trước mắt là phục vụ Festival đờn ca tài tử.

 


Nhà hát xây chưa xong, không kịp phục vụ liên hoan này nhưng được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận nhà hát có hình dạng 3 nón lá lớn nhất Việt Nam. Xôn xao, vì đây là số tiền lớn trong khi nền kinh tế đang đứng trước những khó khăn gay gắt. Hàng loạt các doanh nghiệp bên bờ vực phá sản. Trường học, bệnh viện quá tải. Hệ thống giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Đời sống nhân dân, nhất là người lao động làm công ăn lương đang hết sức khó khăn.

Song điều dư luận quan tâm không chỉ có thế. Văn hóa là nền tảng của phát triển, nên đầu tư cho văn hóa là việc rất cần thiết. Vấn đề là, đầu tư vào đâu để các dự án văn hóa phát huy vai trò động lực của nó trong đời sống xã hội và đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân. Theo nhiều chuyên gia, bài học cay đắng về 2.300 tỷ đồng xây dựng bảo tàng Hà Nội cần được mổ xẻ, tiếp thu một cách nghiêm túc. Sự lãng phí nghiêm trọng tài sản của nhân dân vì công trình nhanh chóng xuống cấp và kém hiệu quả về văn hóa, có lẽ là một cảnh báo không thừa.

Ở đây, tôi xin phép không bàn sâu về dự án nhà hát 3 chiếc nón lá của Bạc Liêu. Đã có rất nhiều ý kiến phản biện sâu sắc của các chuyên gia văn hóa - lịch sử và ý kiến nào cũng xác đáng. Chỉ nhân dự kiến đầu tư này bàn đến một câu chuyện đầu tư khác - đầu tư cho sáng tác văn học nghệ thuật.

Năm 2010, một nhà văn có tên tuổi, sau hàng chục năm lao động nghệ thuật nghiêm túc đã cho ra đời một bộ tiểu thuyết lịch sử kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tác phẩm của ông chào hàng, không được các nhà xuất bản nhà nước mặn mà. May mắn là nó đã được ưu ái của một công ty văn hóa tư nhân. Bộ tiểu thuyết ra đời gây được tiếng vang và là một trong những công trình chào đón Hà Nội ngàn năm có ý nghĩa.

Nhưng đất nước có mấy ngàn năm Thăng Long và có phải ai cũng có số độc đắc như nhà văn nọ? Nhiều sáng tác có tâm huyết của các nhà văn có thể mãi mãi chỉ là bản thảo vì hiện tượng xuất bản đóng băng hiện nay. Hoạt động xuất bản đình trệ và sách văn học bị phát hành sách từ chối. Lý do: sách in ra không bán được hoặc tiêu thụ rất chậm. Muốn xuất bản chỉ có cách duy nhất là là tác giả bỏ tiền in. Nhưng nhà văn sống bằng ngòi bút và mấy ai có thể có vài chục triệu đồng để đầu tư cho đứa con, dù rứt ruột của mình và chỉ in với khoảng năm trăm bản? Không giới thiệu được tác phẩm, những người làm nghệ thuật, dù sinh nghề tử nghiệp, mất động lực sáng tạo. Phải chăng đó cũng là lý do khiến văn học nghệ thuật khủng hoảng trầm trọng.

Thị trường văn hóa nghệ thuật èo uột, rơi vào cảnh chợ chiều, chỉ có đất cho các tác phẩm có tính thương mại, giải trí mà thiếu hẳn những tác phẩm phản ánh lý tưởng nhân văn, phát hiện chân lý đời sống, lý giải hiện thực và những vấn đề nóng bỏng của đất nước, tham gia tích cực vào việc xây dựng đạo đức, lối sống, nhân cách và thị hiếu thẩm mỹ con người.

Vậy đầu tư cho văn hóa như thế nào? Bên cạnh đầu tư cho các công trình kiểu bảo tàng lịch sử quốc gia, nên chăng, cần đổi mới tư duy cho đầu tư văn hóa. Chúng ta có 9.000 tỷ đồng để giải cứu chăn nuôi, hàng chục ngàn tỷ đồng giải cứu nền kinh tế, sao chưa thấy nhà quản lý văn hóa nào nghĩ đến phương án phá băng cho ngành xuất bản, giải cứu một nền nghệ thuật? Không cần tới con số đầu tư khổng lồ như bảo tàng lịch sử quốc gia, chỉ khoảng một phần ngàn trong số đó. Tất nhiên, phải có cách đầu tư hợp lý cho tác giả, các nhà xuất bản và hệ thống thư viện và nên chấm dứt đầu tư theo kiểu cứu trợ xã hội cào bằng và nhỏ giọt như hiện nay.

 

Theo Người tiêu dùng

.