leftcenterrightdel
 Nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám.

Ngày 20/12, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM tổ chức tọa đàm khoa học di tích lịch sử Nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 13, quận 10), nơi từng được gọi là “Garage Biệt động Sài Gòn”, để làm cơ sở trình UBND TP HCM xem xét việc quyết định xếp hạng di tích.

Địa điểm 499/20 Cách Mạng Tháng Tám cũng là cơ sở sửa chữa ôtô được lãnh đạo Biệt động Sài Gòn, lãnh đạo Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định giao nhiệm vụ bảo trì, thiết kế thùng xe 2 đáy chứa vũ khí, tài liệu và làm phương tiện phục vụ công tác đảm bảo chiến đấu của lực lượng Biệt động Sài Gòn nói riêng, lực lượng cách mạng trong nội đô Sài Gòn nói chung.

Theo tư liệu của Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, trong kháng chiến chống Mỹ, cơ sở cách mạng của Biệt động Sài Gòn tại số 499/20 đường Lê Văn Duyệt (nay đổi thành đường Cách Mạng Tháng Tám) là nơi liên lạc hợp pháp, canh gác, bảo vệ cán bộ khi hội họp hoặc tạm trú của cách mạng, do ông Dương Văn Đức (tự Hai Diện) là chủ nhà, trực tiếp quản lý, thực hiện nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 Ông Dương Bửu Chánh (con trai ông Dương Văn Đức) tóm tắt quá trình xây dựng và hoạt động của Nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám.

Trong đó, tiêu biểu nhất có việc ông Trần Văn Lai - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ Biệt động Sài Gòn thường xuyên gửi 2 chiếc xe ôtô mang số hiệu NCE-345 và xe ôtô mang số hiệu EC- 6045 cho ông Dương Văn Đức thiết kế, kiểm tra, bảo dưỡng để sử dụng phục vụ công tác đưa đón lãnh đạo Quân khu ra vào nội đô Sài Gòn và được Đội 5 Biệt động Sài Gòn trực tiếp sử dụng để tấn công vào Dinh Độc Lập trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Sau ngày giải phóng, ông Trần Văn Lai với sự giúp đỡ của ông Dương Văn Đức đã tìm lại được 2 chiếc xe lịch sử trên, hiện 2 chiếc xe này đã là các hiện vật lịch sử được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn và tại Bảo tàng Binh chủng Đặc Công (TP Hà Nội). Còn căn nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám đã được phục dựng lại với tên Garage Citroen Dương Văn Đức D'Indochine, since 1947.

Tại buổi tọa đàm, ông Dương Bửu Chánh (con trai ông Dương Văn Đức) cho biết, cha ông dùng cơ sở này để cho cán bộ cách mạng ra vào thành phố gặp nhau, liên lạc các điểm trong nội thành và các tỉnh ven đô bằng cách chạy thử xe đã sửa xong.

leftcenterrightdel
 Toạ đàm có sự tham dự của một số nhân chứng thuộc lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Thời gian này, ông Đức giúp cho các cán bộ Thành ủy Sài Gòn làm các ngăn bí mật gắn trong các xe ô tô để cất giấu tài liệu, tiền bạc, thuốc men. Những chiếc xe này được cải tạo hộp taplo phía trước xe, cục cần sang số, khoét hông thùng xe và đáy thùng xe, sửa lỗ hổng khung xe…

Ngoài ra, ông Đức còn làm gian phòng bí mật trên mái Nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám (đóng la phông gỗ chắc chắn cho người ở bên trên) để cán bộ ẩn nấp, làm cửa sau để cán bộ trốn thoát ra phía nghĩa trang sau gara.

Theo khảo sát của UBND quận 10, ngoài việc xây dựng cơ sở sửa chữa xe ôtô phục vụ Biệt động Sài Gòn, ông Dương Văn Đức còn có nhiều đóng góp cho cách mạng như: giúp đỡ cán bộ chiến đấu, ẩn náu; đóng góp hậu cầu cho hoạt động cách mạng; tích cực tham gia các tổ chức cách mạng...

Tại buổi tọa đàm, các nhân chứng lịch sử đề cập đến nhiều cái tên của di tích này như Garage Dương Văn Đức (theo tên chủ), Garage xe Tự Lực (tên hợp tác xã sau năm 1975), Garage xe Biệt động Sài Gòn… Những cái tên này sẽ được cơ quan chức năng xem xét để chọn một làm tên chính thức của di tích lịch sử khi được công nhận./.

Đại Lánh