Dân ca ví, giặm xứ Nghệ là một hình thức văn nghệ hình thành từ chính trong những công việc hàng ngày của nhân dân.
Để lưu giữ và bảo tồn, dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã được tồn tại dưới hình thức phát hành thành ấn phẩm sách, băng đĩa nhạc... Ngày nay, muốn nghe hoặc tìm hiểu về dân ca ví, giặm, người ta chỉ cần vào mạng, hoặc xem thông qua một số chương trình truyền hình.
Tiêu biểu có những ca khúc như: Xa khơi, Chào em cô gái Lam Hồng, Cô dân quân làng Đỏ, Trông cây lại nhớ đến Người, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Hương cau vườn Bác, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ … đã khẳng định tầm ảnh hưởng của dân ca ví, giặm đối với nền âm nhạc hiện đại. Kế tục thành quả đó, ngày nay, nhiều nhạc sĩ ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đang khai thác thành công chất liệu âm nhạc này như: Hồ Hữu Thới, Lê Hàm, Mạnh Chiến, Ngọc Thịnh, Quốc Nam, Quốc Việt...
Nhằm bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm một cách hiệu quả, nội dung đưa dân ca vào trường học và dạy hát dân ca trên truyền hình Nghệ An được xem là hình thức quan trọng trong việc “chuyển giao” giữa các thế hệ. Bằng cách học các làn điệu dân ca và thông qua các cuộc thi hát dân ca trong các trường học, thế hệ trẻ đã có những hiểu biết nhất định về vốn văn hóa truyền thống của quê hương.
Từ những phong trào này, rất nhiều giáo viên và học sinh đã say mê những câu hò, điệu ví. Không chỉ hát, diễn, họ còn có thể sáng tác lời mới phục vụ các hoạt động văn nghệ quần chúng của nhà trường cũng như địa phương.
Việc thành lập các CLB dân ca ví, giặm trên các địa bàn dân cư (Nghệ An có 59 CLB/14 huyện, Hà Tĩnh 15 CLB/12 huyện) đã tạo tiền đề cho việc đưa sinh hoạt dân ca trở về gần hơn với không gian và môi trường diễn xướng ban đầu của người dân lao động. Trước những thay đổi để thích ứng với hình thái kinh tế - xã hội mới, những người hát dân ca ví, giặm không chỉ có nghệ sĩ, những nghệ nhân, con cháu nghệ nhân, những người nông dân trong thôn, trong xóm làng, mà có cả cán bộ, công chức, bộ đội, công an đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu.
Hát dân ca ví, giặm không chỉ ở từng cá nhân, từng nhóm người, mà nhân rộng tại các CLB, các cơ sở, đội văn nghệ, cơ quan, đơn vị và trường học. Hiện nay, số lượng người yêu và thích hát dân ca ngày một tăng, không chỉ tại làng quê xứ Nghệ mà con em khắp đất nước cũng hâm mộ, hướng về dân ca ví, giặm, xem đó là hồn cốt quê hương, là tình yêu quê hương đất nước như tại TP HCM, Đắk Lắk...
Có thể nói rằng, cùng với những thay đổi trong tập quán sinh hoạt cũng như sự phát triển của đời sống, sự hiện diện của dân ca ví, giặm xứ Nghệ cũng có lúc thăng, lúc trầm. Dẫu vậy, với những đặc trưng văn hóa rất riêng, với nhiều hình thức lưu giữ như hiện nay, dân ca ví, giặm vẫn là mạch ngầm bền sâu trong lòng công chúng.
Giữa sự phong phú và đa dạng của đời sống âm nhạc hiện đại, những điệu hát được cất lên từ hồn quê xứ Nghệ vẫn trường tồn cùng thời gian. Để rồi người xứ Nghệ sống ở nơi đâu chăng nữa vẫn nhớ về cội rễ của những câu hát dân ca ngọt bùi này. Nó cũng đã ăn sâu vào tâm hồn những người con quê hương.
Theo CA Nghệ An