Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương...

leftcenterrightdel
 Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Lễ kỷ niệm. 

Về phía tỉnh Bắc Ninh có đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hương Giang; Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn.

Tham dự còn có cá đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Thường trực Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, du khách trong nước và quốc tế...

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn, toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đại diện của nhân loại - Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Trước xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, sự du nhập, giao thoa với nhiều nền văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh đặt trước nhiều khó khăn, thách thức.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Lễ kỷ niệm. 

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Ninh tiếp tục dành sự quan tâm xứng đáng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Trong đó, cần ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách có liên quan, nhất là chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân quan họ, nhất là những nghệ nhân tuổi cao sức yếu. Đồng thời, đẩy mạnh, mở rộng các hình thức truyền dạy cho thế hệ trẻ, xây dựng lớp nghệ nhân kế cận; duy trì hoạt động của các câu lạc bộ Quan họ măng non, phát huy vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân, liền anh, liền chị trong việc trao truyền và duy trì các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lan tỏa không gian quan họ tới học sinh, sinh viên...

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh cũng lưu ý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế, xu hướng toàn cầu hóa; đẩy mạnh hợp tác, tổ chức các hoạt động văn hóa, giao lưu nghệ thuật ở trong nước và quốc tế để thúc đẩy sự phát triển của Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Tỉnh Bắc Ninh cần có nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, phát triển các không gian diễn xướng, mở rộng môi trường thực hành di sản để các nghệ nhân và người yêu thích Dân ca Quan họ có cơ hội thể hiện và phát triển tài năng. Đặc biệt, tỉnh cần khuyến khích và trân trọng những thể nghiệm mới, các sáng tạo nghệ thuật mang âm hưởng dân ca Quan họ phù hợp nhịp sống hiện đại, tăng thêm sức lan tỏa cũng góp phần tạo sức sống mới cho Dân ca quan họ Bắc Ninh.

leftcenterrightdel
Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, Dân ca Quan họ Bắc Ninh càng “Danh thơm nức tiếng” và có sự lan tỏa mạnh mẽ.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh - Kinh Bắc một vùng quê văn hiến và cách mạng, nơi huyền sử quyện vào lịch sử, rực rỡ những lễ hội nên con người nơi đây mang vẻ đẹp tài hoa, thanh lịch với lối sống trọng nghĩa, vẹn tình. Trong kho tàng dân ca Việt nam Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một hình thức sinh hoạt văn hóa tiêu biểu, thể hiện truyền thống và bản sắc văn hóa Kinh Bắc, phát triển đạt tới trình độ cao, hoàn chỉnh cả về phương diện âm nhạc, lời ca và hình thức trình diễn.

Với những giá trị đặc sắc và độc đáo, ngày 30/9/2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã vinh dự được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Trong nhận thức chung, Quan họ thuộc loại hình hát đối đáp nam nữ giao duyên, thường được diễn xướng vào các dịp lễ hội (mùa xuân và mùa thu) và gặp gỡ bạn bè ở vùng Kinh Bắc xưa. Quan họ xưa thường được hát không có nhạc đệm, với các câu hát có thể là những lời thơ hay ca dao có sẵn song trong quá trình hát đối đáp, lời hát có thể được ứng tác theo khả năng ứng biến của cả hai bên. Loại hình dân ca này được xem là loại hình nghệ thuật tổng hợp của lời ca, giọng điệu, lề lối, phong tục, lối chơi, môi trường diễn xướng,… Dân ca Quan họ không chỉ là một lối hát mà còn gắn với rất nhiều những phong tục, tập quán nên còn được gọi là chơi Quan họ.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh được ghi danh đến nay đã được 15 năm. Trong suốt thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đại diện của nhân loại. Theo đó, cùng với việc khôi phục lại không gian diễn xướng của các làng Quan họ gốc, phát triển các làng Quan họ thực hành, thành lập nhiều CLB quan họ, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các làng Quan họ gốc, làng Quan họ thực hành, CLB Dân ca Quan họ; nghệ nhân, nghệ sĩ Dân ca Quan họ Bắc Ninh…

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

Cũng theo đồng chí Vương Quốc Tuấn, trên địa bàn tỉnh hiện có 44 làng quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành, gần 400 CLB Dân ca Quan họ, với hàng chục nghìn người ở các độ tuổi tham gia; trong đó có hơn 600 người có khả năng truyền dạy. Trên phạm vi cả nước và ở nước ngoài đã có hàng trăm CLB Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên. Điều đó cho thấy, Dân ca Quan họ Bắc Ninh càng “Danh thơm nức tiếng” và có sự lan tỏa mạnh mẽ.

Có được thành quả hôm nay, cùng với sự quan tâm, chi đạo của Trung ương, sự phối hợp giúp đỡ của các tỉnh, thành phố, đó là do sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể, cả hệ thống chính trị trong tỉnh, cộng đồng các làng Quan họ; công tác tham vấn, đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước, của những chuyên gia nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh và đặc biệt là vai trò to lớn của các nghệ nhân Dân ca Quan họ - những “Báu vật nhân văn sống” đã thực hiện tốt sứ mệnh bảo tồn, truyền dạy, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa độc nhất vô nhị của quê hương Kinh Bắc.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh các điều kiện thuận lợi, cũng nảy sinh các mối đe dọa đối với việc bảo tồn văn hóa, làm biến dạng các di sản văn hóa nói chung, không gian văn hóa Quan họ và hình thức diễn xướng Quan họ nói riêng. Những vấn đề đó đã, đang và sẽ tác động đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Tuy nhiên, bối cảnh và xu thế biến động của thế giới cũng đã tạo ra điều kiện để đưa di sản văn hóa được hội nhập và đến với bạn bè quốc tế. Dân ca Quan họ Bắc Ninh có điều kiện và môi trường trở thành “công cụ giao tiếp” đặc trưng của Việt Nam nói chung, của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc nói riêng. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm bằng những hành động cụ thể để góp phần đưa giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ lên tầm cao mới, mà nòng cốt, truyền lửa chính là các nghệ nhân, nghệ sĩ, các làng Quan họ, các CLB Dân ca Quan họ.

Từ thành quả sau 15 năm được vinh danh, chúng ta vững tin rằng, với sự cộng cảm và cộng đồng trách nhiệm; tiếp nối thế hệ trước, các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ phát huy tốt vai trò của địa phương chủ sở hữu di sản để Dân ca Quan họ Bắc Ninh mãi mãi trường tồn và lan tỏa.

Vũ Phương