Có bao nhiêu ngôn ngữ trên thế giới?
Cập nhật lúc 10:55, Thứ hai, 28/04/2014 (GMT+7)
Ngôn ngữ là tài sản vô giá của một dân tộc. Đánh mất ngôn ngữ, nhiều khi cũng đồng nghĩa với sự diệt vong, bị đồng hoá của một dân tộc. Vậy hiện nay trên thế giới có bao nhiêu ngôn ngữ?
Thế kỷ XXI chấm dứt cũng là lúc nhân loại phải chứng kiến một phần hai số ngôn ngữ trên hành tinh đi vào dĩ vãng, khi mà các cộng đồng nhỏ hoà tan vào các nền văn hoá toàn cầu và quốc gia. Các ảnh hưởng về chính trị, nhân khẩu học và xã hội đang góp phần đẩy nhanh sự thoái hoá của nhiều thứ tiếng mẹ đẻ. Ngôn ngữ Middle Chulym, mà nay chỉ còn một ít người có thể nói được là một ví dụ. Họ sống bó hẹp trong một thị trấn ở vùng Siberi, và tất cả đều đã trên 45 tuổi. Sự hoà nhập với cộng đồng Nga đã làm suy giảm nhu cầu cần đến tiếng mẹ đẻ của họ và một khi những người cuối cùng thông thạo thứ ngôn ngữ này qua đời, bản thân ngôn ngữ cũng sẽ chết.
Ngược lại việc bảo vệ ngôn ngữ, trong nhiều trường hợp đã trở thành cuộc chiến đẫm máu vừa mang tính dân tộc vừa đượm màu chính trị. Ngôn ngữ ở Bắc Ireland là một ví dụ. Sau khi chinh phục Ireland vào giữa thế kỷ XVI, người Anh đã xóa bỏ tiếng Irish trong tất cả tầng lớp xã hội thống trị ở Ireland bằng cách tiêu huỷ hàng loạt cơ quan văn hóa. Khi Bắc Ireland chính thức được thành lập năm 1921, thể chế mới đã ủng hộ việc sử dụng tiếng Anh.
Sau đó, cuộc bạo loạn năm 1968 lại gieo mầm sống cho mảnh đất ngôn ngữ Irish. Đến nay, tiếng Irish đang thật sự được phục hồi, nhất là tại các khu vực thuộc Belfast và Londonderry. Một kênh truyền hình tiếng Irish đầu tiên đã ra đời năm 1996 (mang tên Teilifis na Gaeilge), với nội dung chương trình chủ yếu nhắm vào đối tượng thanh niên.
Theo các nhà nghiên cứu, mất đi đa dạng ngôn ngữ không chỉ là một cú sốc đối với các công trình tìm hiểu về văn hoá, mà còn đối với khoa học. Mỗi một ngôn ngữ ra đi sẽ để lại một lỗ hổng trong sự hiểu biết của chúng ta về cách thức nhìn nhận thế giới của mỗi cộng đồng. Chẳng hạn một vài thứ tiếng châu Mỹ bản địa gợi nên những hiểu biết rất khác nhau về thiên nhiên theo thời gian.
Trong khi nhiều ngôn ngữ thiểu số biến mất, thì những thứ tiếng thống trị toàn cầu, như tiếng Trung, tiếng Anh và Tây Ban Nha lại trở nên biến hoá và phức tạp hơn. Và cuối cùng những ngôn ngữ mới có thể sẽ ra đời từ đó. Chẳng hạn, những biến dạng của tiếng Trung đang xuất hiện nhiều hơn và trở nên khó hiểu ngay cả với một vài người nói tiếng Trung khác.
Ngày nay, toàn cầu hóa đã giúp con người kết nối với nhau ngay cả ở những vùng dân cư xa xôi, hẻo lánh nhất. Nhiều chuyên gia tin rằng, chúng ta đang hướng đến tương lai trong đó loài người sử dụng chung một ngôn ngữ. Theo đó, mỗi người sẽ tự trang bị thêm ngôn ngữ này, song hành với tiếng mẹ đẻ của mình.
Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ chung lại dấy lên lo ngại rằng, nó sẽ khiến sự “đa dạng ngôn ngữ” bị mất đi. Nói về vấn đề này, hầu hết chuyên gia về ngôn ngữ đều cho rằng, điều này khó có thể xảy ra, thậm chí trong hàng triệu năm nữa. Nguyên nhân là do ngôn ngữ là đặc trưng của mỗi quốc gia, có nhiều sự ràng buộc với văn hóa, gia đình và thậm chí là bản sắc cá nhân.
Khi một quốc gia trở nên lớn mạnh, sự phát triển này sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến các nước trong khu vực và thế giới. Ngôn ngữ của quốc gia đó sẽ trở thành một “công cụ” cần thiết, thu hút sự tiếp thu nhằm giao thương và học hỏi với người dân nơi đây.
Theo Báo Quảng Ngãi