Tham gia chuyến hải trình cùng Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, chúng tôi đến với Trường Sa những ngày đầu năm mới 2018. Ròng rã gần 1 tháng lênh đênh trên biển, với những trận say sóng nghiêng ngả, thậm chí phải bỏ cả bữa ăn khiến cho hải trình của chúng tôi tưởng chừng như khó có thể vượt qua.

Nhiều hôm, bữa cơm trên tàu vừa bày ra gặp con sóng lớn làm tàu nghiêng ngả đổ hết xuống sàn tàu. Nhiều phóng viên, nhà báo do say sóng, bỏ bữa là chuyện bình thường. Chống chọi với những trận say sóng đã khó, viết được tin, bài và làm phóng sự ảnh, phóng sự truyền hình gửi về cơ quan còn khó hơn. Sau những lần “chậu một bên và máy tính một bên”, chúng tôi vẫn đều đặn gửi bài về tòa soạn.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu chia tay đoàn công tác tại quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Ảnh: Hai Bình

Anh Nguyễn Viết Tôn, báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ: Để chuyển được tin, bài, ảnh về tòa soạn, anh đã phải thức cả đêm để “canh sóng” điện thoại. Sóng biển thì bao la, nhưng sóng điện thoại luôn trong tình trạng chập chờn, lúc có, lúc không. Khi tàu vào đến gần các điểm đảo, sóng Viettel gọi được nhưng rất yếu và chỉ là 2G nên mạng di động luôn trong tình trạng nghẽn, đến cuộc điện thoại báo cho người thân cũng bị ngắt quãng. 

Rút kinh nghiệm qua những lần tác nghiệp quan trọng trước đây, nhà báo Viết Tôn đã có kế hoạch riêng cho mình khi tác nghiệp trên biển. Đó là ban ngày lên đảo tác nghiệp, thu thập tư liệu để viết tin bài. Khi màn đêm buông xuống, tàu thả neo gần đảo, cả đoàn đã chìm trong giấc ngủ thì anh thức viết bài và gửi ảnh cho tòa soạn ngay trong đêm. “Có hôm, sau khi tôi hoàn thành xong bài viết, gửi được bài về cơ quan qua messenger hoặc qua Zalo, đồng hồ đã chỉ 4 giờ sáng. Trong khi đó, ảnh thì chưa gửi được cái nào. Tôi nảy ra ý định là gửi lần lượt từng ảnh qua messenger của facebook và nhờ kíp trực ở nhà đưa bài lên báo điện tử. Bằng cách này mà suốt hải trình tôi đã có tới cả chục tin bài, phóng sự ảnh, được cơ quan đánh giá cao”, Viết Tôn chia sẻ.

Một câu chuyện khác đó là câu chuyện làm phát thanh trên tàu. Chuyện là, sau khi tàu 996 đưa chúng tôi đến với Trường Sa vừa rời quân cảng Cam Ranh cũng là lúc bữa cơm chiều trên tàu được chuẩn bị chu đáo chào đón đoàn. Trên tàu, ngoài đoàn công tác của Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra thay, thu quân, thăm và chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa còn có các chiến sĩ mới ra đảo làm nhiệm vụ; trong đó có nhiều phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.

leftcenterrightdel
Vận chuyển hàng tết xuống tàu mang ra Trường Sa. Ảnh: Hai Bình

Vì chuyến hải trình dài ngày, sau bữa cơm đầu tiên trên tàu, nhóm phóng viên báo chí đã hội ý nhanh và xin ý kiến lãnh đạo đoàn công tác cho chúng tôi được mở một chương trình phát thanh trong vòng 15 phút mỗi ngày vào 20 giờ tối. Nội dung của các chương trình là thông tin về hải trình, lịch đi và đến các điểm đảo, khái quát ngắn gọn về đảo mà đoàn đang đến, giao lưu văn nghệ giữa nhà báo với các chiến sĩ chuẩn bị nhận nhiệm vụ trên đảo… Ý tưởng đó đã được thủ trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác đồng ý và động viên các nhà báo phát huy khả năng nghề nghiệp để cả đoàn vui vẻ, quên đi những trận say sóng và gắn bó tình cảm đoàn kết quân - dân. 

Sau mỗi chương trình, chúng tôi đều nhận được sự động viên, khích lệ của đoàn công tác và cũng từ đó mối quan hệ đoàn kết gắn bó bạn bè đồng nghiệp, bộ đội hải quân với phóng viên báo chí trên tàu 996 thêm gắn kết, không còn khoảng cách xa lạ. Chỉ sau một ngày, mọi người đã biết tên nhau gần hết, các chiến sĩ tuổi đời ngoài đôi mươi, tính tình còn nhút nhát, ấy vậy mà qua chương trình phát thanh, các bạn trẻ đã mạnh dạn hơn rất nhiều.

Điều đặc biệt là chính những tay bút, tay máy thành thạo, làm tốt công tác tuyên truyền cổ vũ, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa lại là những ca sĩ không chuyên vui tính nhất. Trong các đêm giao lưu văn nghệ trên các đảo, những nhà báo, ca sĩ không chuyên lại góp vui bằng những lời ca, tiếng hát trữ tình đưa Trường Sa về gần hơn với đất liền qua những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước như: “Nơi đảo xa”, “Nắng ấm quê hương”, “Khúc quân ca Trường Sa”… khiến quân và dân huyện đảo đều bất ngờ, ngưỡng mộ. 

Và sau những đêm giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ, tặng quà quân và dân huyện đảo Trường Sa, đoàn lại ra khơi, chia tay cán bộ, chiến sĩ các điểm đảo. Dẫu xa cách hàng trăm hải lý, chống chọi với bão tố, sóng gió Trường Sa nhưng với tình cảm quân - dân thắm thiết, cả nước vì Trường Sa và Trường Sa vì Tổ quốc, bộ đội hải quân luôn sẵn sàng, vững chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng. 

Hai Bình