|
|
Tác giả chụp ảnh kỷ niệm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam |
Xa xưa, cổ nhân thường đánh giá cao một áng thơ, chí ít phải hội tụ đủ ba tiêu chí. Thứ nhất: Tính tình (cá tính của người viết). Thứ hai, tư tưởng. Thứ ba, khả năng trau dồi ngôn ngữ. Nhưng đấy chỉ là những tiêu chí để “áp” vào “khung” cho việc xác định giá trị thơ. Còn với người viết, không thể hoàn toàn dựa theo ba tiêu chí ấy một cách cơ giới, máy móc mà có thơ được. Hoặc cứ bảo đảm có ba tiêu chí ấy là có thơ. Nhiều khi thơ không biết đến từ đâu và không biết thơ từ đâu mà đến? Hoặc có một thứ rất khác, ngoài ba tiêu chí ấy dẫn dắt, làm nên thơ, kết thành thơ.
Thứ “rất khác” ấy thuộc về thiên phú chăng? Và những cái “trời cho” ấy, ban cho ấy lại “vận” vào từng người, theo “tạng” của từng người. Cho nên, khi nói “văn là người” hoặc “người nào thì thơ ấy”, là rất có lý. Rồi cũng trên cơ sở ấy, mà “tạng” người sinh ra “tạng” thơ. Tôi thấm điều này vì trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, Hồng Vinh dành hầu hết thời gian cho báo chí và hoạt động tư tưởng, lý luận. Chỉ từ năm 2010 đến nay, ông mới chủ yếu dành thời gian cho Thơ.
Từ đặc thù ấy, khi đọc 99 bài trong “Thơ Nguyễn Hồng Vinh - Tuyển chọn”, bước đầu tôi cố gắng tìm hiểu “tạng” thơ Hồng Vinh.
Đọc kỹ 8 tập thơ trong 10 năm của Nguyễn Hồng Vinh: Từ những nẻo đường, Thao thức dòng đời, Nhịp điệu thời gian, Miền thương nhớ, Màu ký ức, Lãng quên thì thầm, Thơ và dấu ấn cuộc đời, Xanh mãi; nhìn chung thơ Hồng Vinh dung dị, chừng mực và nhất quán. Thơ ông lấy sự chân thành và tình yêu cuộc sống làm điểm xuất phát, lấy sự trải nghiệm cá nhân để tạo ra sự khác biệt. Rồi nương vào sự dồi dào của cảm xúc mà thăng hoa với nhiều cung bậc khác nhau theo cách của ông. Chính cảm xúc mạnh và thật đã làm nên một Hồng Vinh gần gũi và ấm áp. Đối với bất kỳ người viết nào, điều này rất đáng trân trọng. Nó vừa mang ý nghĩa tiên quyết, vừa mang ý nghĩa quyết định sự thành - bại trong sáng tác.
|
|
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tặng Nguyễn Hồng Vinh |
Trong mấy chục năm sáng tác cũng như nghiên cứu thơ của nhiều người, tôi sợ nhất loại thơ vừa nhạt, vừa giả. Càng sợ hơn khi không ít người làm thơ “diễn trò”, hy vọng biến “cái không có gì” thành “cái có gì”! Chính vì vậy, trong tuyển thơ này, tôi trân trọng nhiều bài, nhiều câu chất chứa cảm xúc chân thành, mang sức gợi và tính triết luận khá sâu, nhưng không hề gượng ép, “lên gân”. Không ít bài làm người đọc đâu ngờ đó lại là giọng thơ của người đã ngoài thất thập, từng gánh trọng trách công tác tư tưởng nhiều năm mà giọng thơ vẫn trẻ trung, hồn nhiên, chan chứa niềm lạc quan yêu đời, yêu người như thế!
Trước hết, ta bắt gặp ở tuyển thơ này một Hồng Vinh không quên cội nguồn, gốc gác của mình. Ông có nhiều bài thơ nặng sâu tình cảm khi viết về cha, về mẹ, về anh, về em, về đồng đội, bạn bè thân thương - những người mà ông mang ơn, gắn bó với ông như máu thịt. Có thể kể tên: “Cha vẫn còn đây”, “Nhớ mẹ”, “Những năm tháng không quên”, “Anh nằm nơi nao?”, “Gửi bạn về hưu”...
Trong “Cha vẫn còn đây”, ông viết: “Một thời nước trắng đồng chiêm/ Bóng Cha phủ kín con thuyền chênh chao/ Gió đông thổi dọc kiếp nghèo/ Áo sờn một tấm tóp teo thân già...”.
Trong “Nhớ mẹ”, ông viết: “Vì đàn con, Mẹ lặn lội long đong/ Khi tất tưởi chợ Đông, khi chợ Đoài chăng chớ/ Oằn vai mẹ, không đủ ăn, xong nợ/ Ba anh con xa xót phận tá điền/ Thương các anh con không được đến trường, Mẹ đã khóc bao đêm/ Mẹ dồn sức cho riêng con học chữ/ Dù cấy mướn, làm thuê, dù sức tàn, máu ứa/ Để không hổ thẹn xóm quê”...
Trong “Những năm tháng không quên”, ông viết: “Bốn mùa hạ trôi qua trong sâu thẳm nỗi người/ Em vắt sức vì con, xây tổ ấm/ Mừng xiết bao, từng bước chúng lớn khôn/ Anh - từ cậu bé lội bùn nơi đồng quê chiêm trũng/ Viết xong luận án về nghề, có quá nửa công em”...
Trong “Anh nằm nơi nao?”, ông viết: “Ký ức thời gian đau xé ruột gan/ Cả đời anh chưa một ngày thanh thản/ Luống cày nối nhau lấp hết tuổi xuân/ Một hơi ấm bàn tay, một nụ hôn chưa trải/ Bức thư về nhà đầu tiên cũng là bức cuối cùng”...
Trong “Khoảnh khắc cầu Vòi”, ông viết: “Chúng tôi cùng đơm đó, buông câu/ Kéo vó bè đêm đông lạnh giá/ Le lói đèn dầu, rọi soi trang sách/ Bình minh chưa lên, tất tả đến trường”...
Trong “Gửi bạn về hưu”, ông viết: “Về với đời thường phường, xóm/ Chúng mình như vẫn bên nhau/ Sống đẹp tháng năm còn lại/ Nghĩa tình sau trước bền lâu…
Trong suy nghĩ và tình cảm, với Hồng Vinh, bao trùm và thường trực hơn cả vẫn là:
Nhắc nhau ở chốn thị thành
Chớ quên đồng lúa nơi mình đã sinh
Thật đáng quý biết bao tấm lòng của một người từng được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách, vẫn đau đáu trong tâm nguồn cội quê hương, gia đình, bè bạn…, đã và đang là động lực tinh thần vô giá trong những tháng năm còn lại của đời người, nhất là trong thời cơ chế thị trường, mặt tiêu cực đang làm chuyển xoay những thang bậc đạo đức xã hội!
|
|
Tác giả cùng Tổng Biên tập Thuận Hữu trong buổi gặp mặt kỷ niệm Ngày truyền thống báo Nhân Dân (tháng 3/2020) |
Cách nay đã lâu lắm, Lão Tử từng dạy: “Cái được coi là nhỏ là mọi thứ đều ở ngoài nó. Cái được coi là lớn là mọi thứ đều ở trong nó”. Dù là vô tình hay hữu ý thì tinh thần của lời dạy này đã tác động đến Hồng Vinh để ông sở hữu nhiều tứ thơ độc đáo, mà trong bài: “Từ rẻo đất tột cùng” là một ví dụ điển hình. Bài thơ có 6 câu cuối giản dị nhưng sâu sắc, hướng tới và toát lên được tinh thần ấy:
Tới Đất Mũi hiểu thêm người Đất Mũi:
Vớt phù sa khóm, ấp đắp bồi
Thành dòng kênh xuồng, ghe tấp nập
Những con người như tràm, như đước
Bám đất kiên trung mở tiếp cõi thiêng...
Bỗng gặp trăm quê ở mỏm đất tột cùng!
|
|
Cùng Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an và các nhà khoa học sau Hội thảo khoa học về Báo chí với Công an nhân dân (năm 2018) |
Dường như trong 13 câu của bài chỉ để dồn và bật ra tứ thơ ở câu cuối cùng: “Bỗng gặp trăm quê ở mỏm đất tột cùng!”. Thơ nhiều khi chỉ “ăn nhau” ở một chữ, một dòng là như vậy!
Thơ Hồng Vinh đụng chạm nhiều đến mạch đời, mạch sống, kể cả những điều còn trái mắt, nghịch tai. Ông có cái nhìn rất sâu vào sự vận động biện chứng của thế giới này và lạc quan tin vào sự trường tồn, đi lên của đất nước và dân tộc trước nhiều biến thiên đa dạng của nhân tình, thế thái. Ấy cũng là sự nung nấu ngẫm suy có bề sâu trong ông. Vì lẽ ấy, mà trong “Cây mùa đông”, ông viết: “Mạch sống nổi - chìm vần vũ/ Gió ào lá rụng quạnh hiu/ Biết chăng từng cành gân guốc/ Lại đang ủ ấp bao mầm”. Vì lẽ ấy, trong “Bâng khuâng Cốc Lếu”, ông viết: “Đời người như đời dòng sông/ Đầy - vơi, lở - bồi năm tháng/ Đỉnh Phan Xi Păng tuyết trắng/ Mạch đời đâu dễ đóng băng!”...
Đấy là những câu thơ có giá trị phát hiện và không dễ viết!
|
|
Tác giả bên chiến hạm Rạng Đông trên sông Nê-va ở Xanh Pêtécbua (7/2017) |
Hồng Vinh có nhiều bài thơ viết về tình yêu. Tất cả tạo thành một vệt đa thanh, đa sắc, thật đắm say, thật ấn tượng, được chất chứa, gửi gắm qua: “Tam Đảo và em”, “Vắng em một ngày”, “Xa nhớ”, “Dòng trong dòng đục”, “Hạnh phúc vẫn mỉm cười”, “Một thoáng ngày đông”...
Nói thế là có sở cứ. Chỉ vắng em một buổi mà ông cảm thấy: “Nghiêng cả bóng chiều”. Chỉ vắng em một ngày mà ông cảm thấy: “Biển cạn vơi một nửa/ Chiều cũng không còn nữa”. Bên sông, ông quên cả lở-bồi-trong-đục để khẳng định: “Tình ta chỉ một dòng”. Ông cho rằng: “Cuộc tình nào cũng chứa bể dâu” và tin rằng: “Em đến như xuân đến”. Chẳng có nỗi nhớ nào mãnh liệt như nỗi nhớ về em và nỗi nhớ về tình yêu: “Ở nơi xa anh nhớ về em/ Biển nhớ biển cồn cào con sóng/ Trời nhớ trời không gian dài rộng/ Đêm nhớ ngày nỗi nhớ đầy thêm”... Bản thân ông luôn coi trọng một chữ tình và tin tình người mới là nền tảng, là bền vững, cả khi thời cuộc chuyển vần: “Ngẫm ra đều phù vân/ Hão huyền và ảo tưởng/ Chỉ tình người còn đọng/ Giữa bộn bề trái ngang”... Chính cái nền tình đời và tình yêu con người ấy, mà đứng ngắm hoa lan, Hồng Vinh đã có được ước ao thánh thiện, khiến cho tình yêu ngời sáng hẳn lên:
Trắng như cánh thiên nga
Tím thủy chung biêng biếc
Anh mong là giọt nước
Tan vào trong mắt hoa...
(Lan)
Đôi khi sự dùng dằng đi - ở, ở - đi... như được bật ra đúng với tên gọi của nó trong hai câu thơ dưới đây một cách khác lạ khi ông từng đến Trường Sa:
Biển gọi tên anh trong từng con sóng
Thêm một lần, cát biển níu chân ta...
(Biển gọi)
Đọc kỹ “Thơ Nguyễn Hồng Vinh - Tuyển chọn”, tôi tin chính quá trình “vời vợi bao miền hoài niệm” và “thao thức” chiêm nghiệm những chặng đường đã trải qua với không ít gian nan mà hào hùng, trong đó có hai lần vào Trường Sơn thời đạn bom và ba lần ra Trường Sa trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, đã giúp cho những “dòng thơ bật mầm”, hoặc trợ giúp cho tứ thơ mới lạ nảy nở. Rồi cứ say mê làm thơ như thế, Hồng Vinh ngộ ra rằng: “Mật ngọt của trang văn/ Có khi trong một chữ” (Tản mạn về nghề).
Sau chót, tôi thích hai câu thơ rất triết lý mà vẫn rất trữ tình, rất hàm chứa, mà vẫn gợi mở và có phần đa chiều trong “Bão lòng”:
Đời như con nước cuộn
Mang hai dòng đục - trong...
Xin chúc mừng nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh - người chỉ trong một khoảng thời gian không dài, đã cho xuất bản 8 tập thơ, để chọn lọc và có được tập thơ đầy đặn, sâu lắng và đáng nhớ này!
Hà Nội, đêm cuối tháng 2/2020
Nhà thơ Đặng Huy Giang (Hội Nhà văn Việt Nam)