leftcenterrightdel
 Cây đàn Chapi của người Raglai

Người ta biết nhiều đến cây đàn Chapi qua bài hát của nhạc sỹ Trần Tiến. Năm 1993, bài hát “giấc mơ Chapi” ra đời sau chuyến đi thực tế của nhạc sỹ Trần Tiến đến một vùng đồng bào dân tộc Raglai ở tỉnh Ninh Thuận. Bài hát được biểu diễn ở các nước châu Âu, và chính nhạc sĩ Trần Tiến cũng đã giới thiệu cây đàn Chapi với bạn bè quốc tế và nhận được sự yêu mến.

Với người Raglai ở vùng đất Ninh Thuận đầy nắng và gió, bài hát “giấc mơ Chapi” dường như là linh hồn của họ. Bài hát nói lên được tâm tình của họ. Họ tự hào về cây đàn Chapi - cây đàn mang linh hồn của người Raglai. Rất dễ để bắt gặp trong các lễ hội, người Raglai vừa khẩy đàn chapi vừa lắc lư với lời bài hát của nhạc sỹ Trần Tiến “khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai”

Còn nhớ năm 2016, chúng tôi được gặp những nghệ nhân làm đàn Chapi ở vùng Ninh Thuận như ama Điệp, Chamaléa Âu. Họ là những nghệ nhân còn biết chế tác và khảy đàn Chapi một cách hoàn hảo nhất còn sót lại và nhiều lần được mời đi biểu diễn chapi trong và ngoài tỉnh và nhận nhiều giấy khen.

Giữa cái yên tĩnh của núi rừng, ama Điệp khảy cho chúng tôi nghe 6 điệu đàn Chapi gồm: điệu tumuya (thường đánh trong lễ bỏ mả), điệu riwư (đánh trong đám cưới), điệu sa pathâu (đánh vào ngày mùa), điệu alâu (tiếng hát giao duyên), điệu catnâu cacu (tiếng hát về chim cu gáy), điệu trun pu (đánh mừng lúa mới). Chỉ vào cây đàn chapi ama Điệp cho biết, đàn chapi ra đời do người ta không đủ tiền sắm bộ mã la. Một bộ mã la đầy đủ ngày xưa phải đổi hơn 20 con bò. Những người Raglai nghèo không có tiền sắm mã la nên chế tác ra đàn chapi với âm thanh giống mã la để thay thế.

leftcenterrightdel
 Khán giả trung thành nhất mỗi khi ama Điệp khảy chapi chính là người vợ của mình.

Nếu thạo thì làm một cây đàn chapi cũng không quá khó. Đầu tiên người Raglai vào rừng chọn những cây tre đẹp khoảng 1 năm tuổi, chặt rồi đem về phơi nắng khoảng hơn 1 tháng. Sau đó, chọn những lóng tre dài 40 cm không bị cong vênh, hay óp để làm đàn. Nghệ nhân dùng cây mác thật nhọn khoét vào cật tre bật lên thành 4 hoặc 6 cặp dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2 cm. Đặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây nâng cao hơn thân đàn. Vót mảnh tre cật rộng bằng đầu ngón tay cái khoét rảnh nối từng cặp dây lại với nhau. Ở hai đầu thân đàn dùng dây mây bện chặt có nhiệm vụ giữ căng dây đàn. Dùng dùi lửa khoét thủng hai mắt tre tạo âm vang cho thân đàn.

Sau khi cây đàn nên hình nên dáng thì nghệ nhân phải biết cân chỉnh cho tiếng đàn Chapi có hồn. Khi làm đàn, phải chú ý căn chỉnh các cặp dây đàn ở mặt trên, mặt dưới đàn, sao cho có được âm thanh phát ra giống với âm thanh của từng chiếc mã la. Mỗi cây đàn chapi nếu làm đúng kỹ thuật, chọn tre tốt và bảo quản chu đáo có tuổi thọ cả đời người. Để chúng tôi thấy tận mắt, ama Điệp đã biểu diễn cách làm đàn cho chúng tôi thấy. Có tre sẵn, chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ ama Điệp đã làm xong một cây đàn chapi.

Cũng như ama Điệp, nghệ nhân Chamaléa Âu cũng là một trong rất ít người Raglai ở Ninh Thuận biết chế tác và chơi đủ 6 điệu của đàn chapi. Nói đến bài hát Giấc mơ Chapi của nhạc sỹ Trần Tiến, nghệ nhân Chamaléa Âu lắc lư “cái câu, ai nghèo cũng có cây đàn chapi là nhạc sỹ nói rất đúng cái bụng của người Raglai xưa đó. Ngày trước, đã là người Raglai thì ai cũng có đàn chapi cả”. Nhưng rồi sau một thoáng phấn khích, Chamaléa Âu cũng pha chút trầm buồn “bữa nay chỉ còn vài người còn biết làm và chơi Chapi nhưng họ đã già lắm rồi. Lớp trẻ bây giờ chỉ thích nghe nhạc xập xình chứ không thích nghe Chapi nữa”.

leftcenterrightdel
 Nghệ nhân Chamaléa Âu chế tác chiếc đàn Chapi khi chúng tôi gặp năm 2016.

Ama Điệp cũng có chút buồn như thế, dường như khán giả trung thành nhất mỗi khi ama Điệp khảy chapi chính là người vợ của mình. Ama Điệp thèm được như ngày xưa, khi núi rừng vào hội đi đâu cũng nghe tiếng đàn chapi do người Raglai khảy lên. Tiếng đàn Chapi luôn ngân vang trong mỗi ngôi nhà, mỗi xóm làng và trên khắp ruộng rẫy. Những đêm trăng đẹp, trai gái trong làng lại tụ nhau cùng khảy và cùng nghe Chapi. Vào những ngày lễ lớn của làng, tiếng Chapi như không bao giờ dứt.

“Ngày nay giới trẻ Raglai đã không còn ai chơi loại nhạc cụ này nữa rồi. Mình muốn truyền lại cho con, cho cháu mà không đứa nào chịu học, nhiều khi cũng buồn mà không biết làm sao”, chúng tôi nhớ lại cái thoáng buồn của ama Điệp.

Đã ngót 4 năm rồi chúng tôi chưa có điều kiện để trở lại, gặp lại nghệ nhân ama Điệp, Chamaléa Âu. Những ngày giáp tết, khắp nơi vang lên những khúc nhạc xuân, tình cơ trong một cuộc tất niên xóm chiều nay tôi chợt nghe ai đó hát lên bài hát “giấc mơ Chapi”. Bài hát gợi lên trong tôi điệu đàn Chapi của những nghệ nhân mà tôi đã gặp.

Ama Điệp, Chamaléa Âu giờ ra sao, có người trẻ Raglai đã có ai có thể tự làm một cây đàn Chapi và khảy đủ 6 điệu đàn chapi như Ama Điệp, Chamaléa Âu hay không? Tôi tự hứa với lòng sẽ trở lại để biết trong một ngày gần nhất.

Xuân Nha