Ngày 20/3, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) đã ký quyết định số 699/QĐ-BVHTTDL, bổ sung điểm di tích nhà làm việc của nhà bác học A.Yersin tại Hòn Bà (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) vào cụm di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học A.Yersin- tỉnh Khánh Hòa, đã được xếp hạng tại Quyết định số 993-QĐ ngày 28/9/1990 của Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Cụm Di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin tại Khánh Hòa gồm thư viện nằm trong Viện Pasteur Nha Trang, nhà làm việc ở Suối Dầu (chùa Linh Sơn Pháp Ấn) và phần mộ Yersin, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm.

leftcenterrightdel
 Di tích nhà làm việc của nhà bác học A.Yersin tại Hòn Bà, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Ảnh: NH.

Di tích nhà làm việc của nhà bác học A.Yersin tại Hòn Bà là một nhà gỗ 2 tầng, có diện tích mặt bằng hơn 300 m2, dựng trên khu đất rộng hơn 4.900 m2, trên đỉnh Hòn Bà (khu vực hiện nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà), ở độ cao 1.500 m.

Nhà bác học Alexandre Jon Emile Yersin, SN 1863 tại Bang Vaud, Thụy sĩ. Năm 25 tuổi ông đỗ bác sĩ y khoa và gia nhập quốc tịch Pháp.

Năm 1891, với tư cách là một bác sĩ, ông đến Việt Nam và sau đó cùng năm đến Nha Trang, nơi cảnh quan thiên nhiên và con người hiền hòa, thân thiện gây ấn tượng và cuốn hút ông, để rồi ông gần như dành toàn bộ phần đời còn lại tại đây như một quê hương thứ hai.

leftcenterrightdel
  Di tích được phục dựng trên đỉnh Hòn Bà, ở độ cao 1.500 m. Ảnh: NH.

Là người ưa khám phá, ông đã thực hiện 3 chuyến thám hiểm bộ xuyên rừng trong thời gian 13 tháng ở Trung phần Việt Nam. Ông chính là người đã phát hiện ra các cao nguyên Di Linh và Lâm Viên (hay cao nguyên Lang Biang, cao nguyên Đà Lạt), cũng là người đề xuất với chính quyền bảo hộ Pháp thành lập thành phố Đà Lạt.

Ông là người có công gây dựng, thành lập hệ thống viện Pasteur tại  Nha Trang, Sài Gòn, Đà Lạt và Hà Nội, cũng như Trường Cao Đẳng y khoa Hà Nội (nay là Trường Đại học y khoa).

Sau khi thiết lập một phòng thí nghiệm tại Nha Trang, năm 1918 bác sĩ Yersin lập thêm cơ sở tại Hòn Bà, để theo dõi nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau: thực vật, khí tượng, điện khí quyển.

leftcenterrightdel
 Cận cảnh di tích nhà làm việc của nhà bác học A.Yersin tại Hòn Bà. Ảnh: NH.

Ông đã thực hiện di thực nhiều loại cây trồng nhiệt đới để trồng thử nghiệm ở Khánh Hòa và Lâm Đồng, bao gồm các cây công nghiệp (chè, cao su,..) và cây thuốc canh ki na để bào chế thuốc trị bệnh sốt rét .

A.Yersin sống rất gần gũi với người dân Xóm Cồn, Nha Trang, giúp đỡ họ thuốc men trị bệnh, được người dân địa phương quý mến, gọi bằng cái tên dân dã: ông Năm.

Trước khi mất ông có ước nguyện là được chôn cất tại Suối Dầu một cách giản dị, đó là một nơi thanh tĩnh gần Nha Trang, mảnh đất được ông coi như quê hương thứ hai của mình.

leftcenterrightdel
  Cây chè đầu tiên (cây chè tổ phụ) được bác sĩ A.Yersin du nhập trồng ở Lâm Đồng, tại di tích nhà làm việc của nhà bác học A.Yersin, Hòn Bà, Khánh Hòa. Ảnh: NH.

Bác sĩ A.Yersin đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng ngày 1/3/1943 một cách thanh thản giữa tình thương mến chân tình của người dân Xóm Cồn và nhân dân Khánh Hòa, hưởng thọ 80 tuổi.

Năm 2013, với những đóng góp to lớn của ông trong nhiều lĩnh vực, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam truy tặng ông danh hiệu “Công dân danh dự của Việt Nam”.

Những kỷ vật của ông được Viện Pasteur Nha Trang đã trân trọng gìn giữ cẩn thận tại thư viện. Nhà làm việc ở Suối Dầu (chùa Linh Sơn Pháp Ấn), nhà làm việc trên núi Hòn Bà, phần mộ của ông ở xã Suối Cát vẫn được bảo vệ, gìn giữ tốt trong những năm qua.

V.H