Trong công cuộc đổi mới, hội nhập toàn cầu hiện nay, cùng với các loại hình nghệ thuật đương đại Việt Nam, thì nghệ thuật nhiếp ảnh đã đóng góp một vai trò to lớn với nhiều tác phẩm đa dạng, phong phú về đề tài  thể hiện và đạt hiệu quả cao về nghệ thuật, đáp ứng được lòng mong đợi của công chúng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân - vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, vừa cố gắng bắt kịp những tinh hoa của các nền nghệ thuật tiên tiến, hiện đại thế giới.

 

Và phải khẳng định rằng, các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam, đã có một vị trí xứng đáng của mình trong ngôi nhà chung của các ngành nghệ thuật, khi vừa bước qua mười năm đầu tiên của thế kỷ XXI.

 

Hoàng hôn đỏ. Ảnh: Thái Phiên.
Hoàng hôn đỏ. Ảnh: Thái Phiên.


Thật vậy, thời gian qua, ảnh Việt Nam có vẻ được mùa. Đã xuất hiện không ít những NSNA, các loại câu lạc bộ nhiếp ảnh mang nhiều nét đa dạng và rộng khắp của phong trào. Ảnh của họ mang nhiều  dáng vẻ hiện đại, tìm tòi, trong các thể loại, đề tài, nội dung chứa đựng và hình thức, kỹ thuật biểu hiện. Tất nhiên, như tất cả mọi loại hình nghệ thuật, sự rung động của trái tim mới là khoảnh khắc để tạo nên sự rung động tự nhiên, sự bất ngờ chợt đến vốn là sức mạnh của nghệ thuật nhiếp ảnh. Cùng với những thành tựu trong những tác phẩm ảnh thông tấn, báo chí, thời sự, tài liệu... hàng ngày gắn bó chặt chẽ với công tác tuyên truyền, cổ động cho các chủ trương, chính sách đường lối của Đảng, Nhà nước; thì mảng ảnh nghệ thuật, đặc biệt là ảnh chân dung ngày càng hấp dẫn, cuốn hút, nhất là với lớp trẻ có xu hướng nghiêng về những vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa và trong cuộc sống đương đại. Đó là chân dung các nữ nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, hoa hậu, á hậu, các ca sĩ, nghệ sĩ múa, người mẫu thời trang và các tiếp viên hàng không, hướng dẫn viên du lịch... hoặc đã nổi tiếng, thành danh và tên tuổi; hoặc đơn thuần là các cô gái trẻ trung, hấp dẫn, xinh đẹp trong cuộc sống hàng ngày. Nhất là mỗi độ Tết đến, xuân về, trên các ấn phẩm sách báo, tranh ảnh và các loại lịch; thì chân dung các thiếu nữ càng được ưa chuộng hơn, nhất là những tác phẩm ảnh đạt tới một giá trị nghệ thuật đích thực mà công chúng yêu nhiếp ảnh cũng như chính các nghệ sĩ trong nghề phải thừa nhận, với những thành công nhất định của nó.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào việc mô tả vẻ đẹp của người phụ nữ; những tác phẩm nhiếp ảnh bao giờ cũng có mức độ, ranh giới giữa “ảnh nghệ thuật“ và những tấm ảnh mang nội dung khêu gợi thị hiếu tầm thường, phi thẩm mỹ. Phải chăng, đó là những tấm ảnh phụ nữ “nuy” (khỏa thân), được nhập lậu một cách lén lút vào Việt Nam; nấp dưới danh nghĩa là sự tìm tòi của nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại, nhất là qua đường dây du lịch,  mùa tham quan lễ hội, khách vào khách ra nườm nượp; mà Hải quan của ta đã thu được không ít những tấm ảnh phi nghệ thuật và phi thẩm mỹ ấy. Đó là những tấm ảnh nửa kín, nửa hở, hình thể các cô gái được che phủ, ngụy trang bằng những tấm voan mỏng, hờ hững trong một quầng ánh sáng và kỹ xảo để khoe hết cái hấp dẫn xác thịt bên trong. Đó là những bờ ngực căng tròn, những eo lưng nhấn nhá, những bờ mông khiêu khích, những đôi mắt bốc lửa tình... mà không cần có gì che đậy, đi thẳng vào thị giác, cảm giác, trực giác và làm cho không ít người phải quay mặt đi. Song cũng có không ít kẻ cất giấu, tò mò treo hở hở, kín kín trong các phòng khách hiện đại hay các nhà hàng sang trọng, khiến cho những không gian ấy bỗng trở nên rẻ tiền và kém văn hóa đến nhường nào. Rõ ràng, những tác phẩm mô tả vẻ đẹp của người phụ nữ, cho dù dưới bất kỳ một hình thức tìm tòi thể hiện gì đi nữa, bao giờ cũng phải kín đáo, tế nhị, duyên dáng, và phải đạt tới một chuẩn mực về thẩm mỹ và nghệ thuật nào đó, mới được quần chúng có tri thức, văn hóa và có một trình độ cảm thụ nghệ thuật nhất định, kể cả lớp trẻ hôm nay - ghi nhận, trân trọng và luôn coi đó là những sản phẩm tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống…

Cũng thời gian qua, vẫn còn khá nhiều băn khoăn, với không ít những ý kiến trao đổi, tranh luận trong giới nhiếp ảnh, và cả dư luận xã hội về việc các cơ quan quản lý Nhà nước, có “phê duyệt” bằng văn bản chính thức cho phép các NSNA được triển lãm ảnh “nude” (khỏa thân) hay không? Đây vẫn là một vấn đề “nhạy cảm” theo cách nói “tế nhị” hiện nay, nhưng khi tiếp xúc với nhiều NSNA, chúng tôi thấy đa số đều đồng tình với việc cần phải triển lãm các ảnh khỏa thân như một sinh hoạt văn hóa bình thường, để công chúng có thể làm quen dần với thể loại nhiếp ảnh này. Tất nhiên, điều đáng quan tâm và quan trọng nhất chính là chất lượng những tác phẩm ảnh khỏa thân đó có đáp ứng được những tiêu chí về văn hóa, thẩm mỹ, nghệ thuật cho công chúng hay không; đây cũng là một thách thức không nhỏ cho tài năng sáng tạo của các NSNA. Tất nhiên, trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, trong một “thế giới phẳng” với internet toàn cầu, thì việc các bức ảnh “nuy” (khỏa thân hay gần như khỏa thân) vẫn nhan nhản trên mạng; thậm chí, bất kỳ một cô gái nào đó, nếu muốn đưa ảnh “nóng” lên mạng để tự quảng cáo cho mình, thì điều đó cũng chẳng khó khăn gì… Mặc dù đó là một phạm trù khác, nhưng vẫn nhiều ý kiến cho rằng: Nếu công chúng (trong đó có lớp trẻ) được xem triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật thường xuyên, thì tự họ cũng sẽ nâng cao tầm hiểu biết hơn, và chẳng mấy tò mò để đi tìm xem các bức ảnh khỏa thân, thị hiếu rẻ tiền trên mạng làm gì nữa!  

 

Tĩnh mịch. Ảnh: Thái Phiên.
Tĩnh mịch. Ảnh: Thái Phiên.


Cách đây trên năm thế kỷ, từ thời Phục hưng; nghệ thuật tạo hình châu Âu đã đề cao vẻ đẹp thánh thiện, cao cả, siêu nhiên, bí ẩn, thuần khiết, chuẩn mực, hấp dẫn, duyên dáng, rực rỡ... của người phụ nữ mà tạo hóa đã ban cho con người trong các tác phẩm tuyệt diệu, bất tử (trong đó có các tác phẩm “nuy” nổi tiếng). Ngày nay, cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật nhiếp ảnh bằng khát vọng luôn vươn tới vẻ đẹp của cuộc sống, tình yêu và cả vẻ đẹp của người phụ nữ, các nghệ sĩ nhiếp ảnh sẽ luôn tìm cho mình những cảm hứng nghệ thuật mới mẻ hơn, để đạt tới những tác phẩm nghệ thuật đích thực, ca ngợi vẻ đẹp  tâm hồn và hình thể người phụ nữ Việt Nam, qua nghìn năm lịch sử, cũng như trong công cuộc đổi mới, bùng nổ của “cơ chế thị trường”.

Tuy nhiên, thời gian qua, ngoài những thành tựu to lớn mà nền nghệ thuật nước nhà đã gặt hái được, nếu tự nhìn lại mình một cách công bằng và khách quan; chúng ta vẫn nhận ra không ít tồn tại cả khách quan và chủ quan của nó, trong quá trình tìm tòi, sáng tạo để làm nên những tác phẩm thật sự mang lại hiệu quả nghệ thuật và tính thẩm mỹ cao, đáp ứng được sự đón nhận của công chúng. Đó cũng là lẽ thường tình, bởi nghệ thuật là một dòng chảy không ngừng của cuộc sống - đòi hỏi sự tìm tòi liên tục, bền bỉ, dẻo dai của nhiều thế hệ, để tự hoàn thiện các khuynh hướng sáng tạo cá nhân của mỗi người nghệ sĩ... Và như thế, nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật sáng tạo chung, trong dòng chảy sáng tạo của nhân loại!
 

NSND, Họa sĩ Lê Huy Quang

.