“Tôi gọi em nhưng em chạy nhanh hơn để tôi không thấy. Nước mắt tôi chảy dài, giá như tôi biết hoàn cảnh em sớm hơn để chia sẻ cùng em…”. Đó là hồi ức của cô giáo Nguyễn Thị Tuyến khi kể về kỷ niệm với một cậu bé Raglai lớp 1 đứng trước nguy cơ bỏ học do gia đình quá nghèo.
 
Hiện nay, cô Nguyễn Thị Tuyến là giáo viên tại Trường tiểu học Diên Bình, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
 
Chia sẻ về lý do chọn học Sư phạm, cô Tuyến cho biết, khi quyết định thi và học trường sư phạm một phần vì điều kiện kinh tế gia đình. “Khi ngồi học trên ghế nhà trường sư phạm, tôi dần nhận ra, mình cũng hợp lắm với cái nghề gõ đầu trẻ này. Tình yêu trong tôi cứ lớn dần như thế”, nữ giáo viên tâm sự.
 
Năm 2004, cô Tuyến tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, lên miền Tây tỉnh Khánh Hòa dạy học. “3 năm đầu, tôi công tác tại Trường tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh. Khó khăn lớn nhất trong thời gian này là làm thế nào để vận động được các em người đồng bào dân tộc ra lớp. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, cứ mỗi lần vào mùa là các em theo bố mẹ lên rẫy, việc thuyết phục các em đến lớp chuyên cần là một vấn đề khó khăn”, cô Tuyến hồi tưởng.

 

 Cô giáo Nguyễn Thị Tuyến trong một buổi học cùng học sinh của mình - (Ảnh: NVCC)
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyến trong một buổi học cùng học sinh của mình - (Ảnh: NVCC)
 
Nữ giáo viên có 13 năm làm giáo viên tiểu học cho biết, ngày ấy cô đã dùng đủ mọi cách, kể cả mua bánh kẹo “dụ” các em. Ngoài ra, cô còn mua cả bút vở sẵn sàng để các em đến lớp là có ngay để học. “Nhiều hôm, mặc trời mưa gió, tôi cùng các đồng nghiệp vẫn thực hiện công tác vận động học sinh ra lớp. Vận động được các em ra lớp đã khó, việc dạy để các em thích ra lớp còn khó hơn rất nhiều”, cô tâm sự.
 
Nữ giáo viên cũng cho rằng, dấu ấn của người giáo viên rất quan trọng đối với học sinh tiểu học vì đây là lứa tuổi mới đến trường. “Các em rất hồn nhiên, ngây thơ và trong sáng, có thể nói là một tờ giấy trắng nên việc giáo viên viết lên tờ giấy trắng đó những gì là rất quan trọng”, cô Tuyến nhìn nhận.
 
Nhiều năm dạy học sinh tiểu học, cô nhận thấy ở lứa tuổi này, cần sử dụng chủ yếu phương pháp trực quan để thu hút sự chú ý của các em vào bài học, xây dựng cho các em tính tự học để bước lên cấp cao hơn, các em sẽ dễ thích nghi.
 
Nữ giáo viên cho biết đã 12 năm trôi qua nhưng vẫn chưa quên kỷ niệm với một cậu bé học sinh người Raglai. Đó là em Hà Danh, một cậu bé lớp 1 đứng trước nguy cơ bỏ học vì nhà quá nghèo.
 
Nữ giáo viên kể, năm học 2005-2006, cô được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 1D, với 20 học sinh. Các em rất dễ thương, gần gũi và đều là người Raglai.
 
Duy nhất có em Hà Danh ít chú ý nghe giảng. Đó là một cậu bé có đôi mắt to đen láy, nước da ngăm đen. Em thích chơi một mình và hay phá đồ dùng học tập trong giờ học.
 
- Hà Danh, bố mẹ em có ở nhà không? - “Không…”
 
- Hàng ngày, em ở nhà với ai? - “Em…”
 
Dù nữ giáo viên có hỏi bất cứ điều gì thì cậu bé Raglai cũng trả lời “tiếng một”! Một buổi chiều mưa rả rích và Hà Danh vẫn chưa đến lớp. Nóng ruột, cô Tuyến đã hỏi đường lên nhà động viên.
 
Nhà em cách trường 1km, đường đất bùn lầy, rất khó đi. Ngôi nhà nhỏ lợp lá, vách dựng lồ ô bìa rừng. Vừa mới đến, cô Tuyến thấy bóng người từ căn nhà chạy ra sau.
 
Tiếng cô giáo vọng lên nhưng không ai trả lời. Trong ngôi nhà xập xệ không có một chiếc giường, nền xi măng loang lổ ẩm ướt, cùng một cái mền và hai cái gối đã mốc đen, nằm ở một xó nhà.
 
Cô Tuyến (áo dài vàng) trong Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi bậc tiểu học - (Ảnh: NVCC)
Cô Tuyến (áo dài vàng) trong Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi bậc tiểu học - (Ảnh: NVCC)
 
“Cuộc sống khổ như thế này sao?”, nữ giáo viên tự hỏi lòng mình. Sau hôm ấy, cô Tuyến quay về trường và cứ suy nghĩ về cậu học trò đáng thương của mình. Sáng mai, Hà Danh đi học bình thường.
 
- Hôm qua, cô đến nhà, Danh đi đâu mà cô không thấy?
 
Cậu bé Raglai nhìn cô giáo của mình im lặng, bẽn lẽn như sợ bị phát hiện điều gì.
 
- Dù trời mưa, con cũng phải cố gắng đi học đều nhé! Con đội áo mưa rồi đi! - nữ giáo viên nói với Danh.
 
Buổi học chiều, Hà Danh lại nghỉ học. Nữ giáo viên bực bội, đến nhà cậu bé lần nữa. Trong nhà, vắt vẻo nhiều quần áo ẩm ướt. Vừa thấy bóng dáng cô giáo, Hà Danh sợ hãi bỏ chạy thật nhanh về phía đám rẫy keo sau nhà. Trên người em không hề có quần áo gì cả. “Tôi gọi em nhưng em chạy nhanh hơn để tôi không thấy. Nước mắt tôi chảy dài, giá như tôi biết hoàn cảnh em sớm hơn để chia sẻ cùng em. Hoàn cảnh của em luôn ám ảnh tôi và làm lòng tôi day dứt mãi”.
 
Thương cậu bé, nữ giáo viên mang câu chuyện kể với nhà trường. Những bộ quần áo mới đã đến với em những ngày sau đó. Thấm thoắt gần hết năm học, Hà Danh đến trường đều đặn và không còn lầm lì như ngày đầu năm học nữa.
 
“Cô! Lớp 2, dạy em nữa cô!”, Hà Danh nói rồi vội chạy đi trong ngày gần cuối năm học. “Tôi nhìn theo em và thầm chúc cho cậu học sinh bé nhỏ của mình vững bước ở những chặng đường học tập tiếp sau, cho dù có nhiều khó khăn ở phía trước”.
 
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cô Nguyễn Thị Tuyến có nhiều học sinh đạt giải thi giải Toán và tiếng Anh trên internet; có nhiều năm đạt Chiến sỹ thi đua cơ sở. Năm học 2015- 2016, cô được UBND tỉnh tặng bằng khen; đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2016- 2017.
 
Theo Thủy Nguyên/ Dân trí
.