Bắt đầu từ ngày 15/7, thí sinh (TS) được phép điều chỉnh nguyện vọng đến ngày 23/7. Tuy nhiên, do năm nay các trường không được phép hạ điểm chuẩn như năm 2016 và TS chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất nên TS cần phải tìm hiểu kỹ thông tin xét tuyển của các trường trước khi tiến hành điều chỉnh nguyện vọng...
 
Thí sinh cần suy nghĩ kĩ khi thay đổi nguyện vọng (Ảnh minh họa)
Thí sinh cần suy nghĩ kĩ khi thay đổi nguyện vọng (Ảnh minh họa)
 
Căng thẳng… điểm cao
 
Những ngày này, nhiều TS “quay cuồng” chưa biết có nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển hay không khi mà chỉ cần một sơ xảy là có nguy cơ trượt nguyện vọng 1 vào các trường ưng ý, dù có điểm cao lên tới 9 điểm mỗi môn. Tính đến ngày 14/7, Trường ĐH Y Hà Nội có mức điểm chuẩn cao nhất ở các ngành Y đa khoa với 27 điểm, Răng - Hàm - Mặt 26,75 điểm… Dù trường không đưa ra mức điểm xét tuyển từng ngành như những năm trước mà lấy chung mức 15,5 điểm cho tất cả các ngành.
 
Tuy nhiên, phía trường cũng cảnh báo mức điểm trúng tuyển năm 2017 sẽ cao hơn năm 2016. Thậm chí, với những ngành có điểm chuẩn thấp nhất như Y tế công cộng, Điều dưỡng..., tốt nhất TS nên căn cứ vào điểm chuẩn 2016 của trường rồi... cộng thêm 1 - 2 điểm thì mới có nhiều cơ hội trúng tuyển. Năm nay, tổng chỉ tiêu vào trường tại Hà Nội là 1.000, trong đó riêng ngành Bác sĩ đa khoa là 500 chỉ tiêu, phân viện tại Thanh Hóa 100 chỉ tiêu. Từ năm 2018, trường sẽ lấy điểm thi môn Ngoại Ngữ ở kỳ thi THPT quốc gia làm tiêu chí phụ xét tuyển.
 
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tổng điểm 3 môn khối B có khoảng 3.400 thí sinh từ 27 điểm trở lên. Kết quả này cũng cho thấy, nếu thí sinh đổ dồn đăng ký xét tuyển khối B vào các trường Y - Dược hàng đầu (điều từng xảy ra ở năm 2015, 2016) sẽ có cuộc đua khốc liệt nhất khi sẽ có đông thí sinh đạt 27 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1.
 
Theo lời khuyên của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ở thời điểm này trước khi quyết định có đăng ký thêm nguyện vọng vào ngành Bác sỹ đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội, các thí sinh cần phân tích phổ điểm của năm 2017 và so sánh với phổ điểm của các năm trước. Thí sinh được đăng ký nhiều trường, điểm của các em phù hợp với trường nào thì xét tuyển ở trường đó. Có nghĩa là cơ hội để trúng tuyển vào ngành nghề mà mình yêu thích là rất lớn. Chẳng hạn, các em yêu thích ngành Y đa khoa, có thể đăng ký xét tuyển ngành này ở ÐH: Y Hà Nội, Y Thái Bình, Y Hải Phòng, Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM…, Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
 
Không chỉ khối trường Y, dự báo về điểm chuẩn có thể từ 25-27 điểm còn có ở một số ngành “hot” của các trường khối kinh tế như: ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân... Đặc biệt, ở khối trường công an nhân dân, hàng năm đều chứng kiến cuộc cạnh tranh của những thí sinh điểm cao, thậm chí là gần 30 điểm mới đỗ như Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát nhân dân... Năm 2017, chỉ tiêu các trường công an giảm mạnh, trong bối cảnh điểm thi lại tăng, số lượng thí sinh dự tuyển vào các trường này rất cao, tỷ lệ “chọi” lên tới 1/24... 
 
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, mức điểm sàn tăng cộng với phổ điểm các môn thi tương đối cao, nhiều trường top trên sẽ khó khăn để tuyển được thí sinh phù hợp, trong khi trường top dưới e rằng lại thiếu chỉ tiêu. Mưa điểm 10 đã khiến số lượng thí sinh đạt 29 - 30 điểm rất lớn, những thí sinh này sẽ đổ dồn về các trường khối Y - Dược, các trường top như ĐH Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân... Rất có thể năm nay, thí sinh đạt 29 điểm vẫn có nguy cơ trượt ĐH Y. Hơn nữa, mọi năm điểm sàn là 15, các trường top dưới, trường ĐH vùng, ĐH ngoài công lập đã kêu trời vì thiếu nguồn tuyển, năm nay tăng thêm 0,5 e rằng việc tuyển sinh nhóm trường này sẽ khó khăn hơn.
 
Cần tỉnh táo với… điểm sàn
 
Năm nay, khá nhiều trường ĐH công lập, thậm chí là trường top đầu cũng đưa ra điểm xét tuyển là 15,5, bằng điểm sàn năm 2017. Tuy nhiên, đa số ngưỡng điểm này chỉ có giá trị... tham khảo, vì thực tế mức điểm chuẩn trúng tuyển năm nay sẽ cao hơn nhiều. Điều này đã được chứng minh qua mùa tuyển sinh 2015, 2016 khi các trường đều đưa ra mức điểm xét tuyển bằng sàn nhưng điểm trúng tuyển lại cao hơn từ 3-4 điểm, có trường cao đến 6-7 điểm. Trong khi đó, phổ điểm năm nay của TS lại cao hơn những năm trước nên mức điểm trúng tuyển chắc chắn không thể nào ít hơn.
 
Tương tự, năm nay ĐH Ngân hàng TP HCM có 2 ngành là Luật Kinh tế và Hệ thống Thông tin Quản lý lấy mức điểm sàn xét tuyển là 15,5 điểm, các ngành còn lại lấy 17 điểm. Tuy nhiên, TS cần lưu ý đây là một trong những trường có điểm chuẩn trúng tuyển hàng năm khá cao tại TP HCM (năm 2016 điểm chuẩn trúng tuyển tất cả các ngành đều ở mức 20,5 điểm). Do đó, TS với mức điểm chỉ cao hơn 1-2 điểm so với mức điểm nhận hồ sơ của trường nên cân nhắc tìm cơ hội ở trường khác.
 
Hàng loạt trường ĐH công lập khác cũng nhận mức điểm bằng sàn 15,5 điểm. Ở khu vực phía Nam, nổi bật là các trường top đầu như: ĐH Bách khoa TP HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, ĐH KHXH&NV TP HCM, ĐH Kinh tế Luật, ĐH Sư phạm TP HCM... Thậm chí Khoa Y (ĐHQG TP HCM) cũng nhận mức điểm xét tuyển là 15,5 điểm.
 
Ở khu vực phía Bắc, nhiều trường “top” đầu như ĐH Hà Nội, ĐH Luật Hà Nội... cũng nhận mức điểm xét tuyển là 15,5. Hiện nhiều trường đại học Sư phạm công bố mức điểm xét tuyển hồ sơ đại học hệ chính quy năm 2017 bằng với mức điểm sàn 15,5 điểm của Bộ GD&ĐT.
 
Với mức điểm sàn cao kỉ lục 15,5 điểm, nhiều thí sinh lo ngại cuộc đua vào các trường ĐH, CĐ năm nay sẽ khá khốc liệt. Bộ GD&ĐT cho biết, nếu không phân biệt khối thi, mỗi thí sinh trên điểm sàn được tính 1 lần duy nhất thì có 535.798 thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ. Tương ứng với chỉ tiêu tuyển sinh là 332.496 sinh viên thì cứ 1,6 em lại có 1 thí sinh trượt ĐH.
 
Ông Ga cũng cho biết, tuy hệ số dôi dư là 1,6 nhưng không phải tất cả đều đăng ký xét tuyển vào trường phù hợp với điểm thi của mình, không phải có hệ số dôi dư thì các trường tuyển đủ chỉ tiêu vì sẽ có nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, cũng sẽ có thí sinh điểm cao nhưng không trúng tuyển vào ngành/trường yêu thích nên không đăng ký xét tuyển.
 
Ngoài ra, còn có hiện tượng nhiều trường/ngành có số lượng thí sinh đăng ký rất thấp so với chỉ tiêu; thí sinh có điểm cao ở các tỉnh dồn về thành phố lớn trong khi thí sinh điểm thấp thành phố lớn không di chuyển về các trường đại học địa phương. Do đó, năm nào tổng nguồn tuyển cũng lớn so với chỉ tiêu nhưng các trường vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu.
 
Không nên vào đại học bằng mọi giá
 
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ: “Đối với thí sinh, đây là lúc các em đối sánh kết quả thi của mình với kết quả thi dự kiến trước đây trong bối cảnh chung về kết quả thi toàn quốc để quyết định lần cuối việc đăng kí xét tuyển. Trong đợt 1, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển 1 lần duy nhất. Nếu không trúng tuyển đợt 1, các em có thể đăng kí xét tuyển các đợt bổ sung trong năm, nếu các trường còn chỉ tiêu”.
 
TS. Vũ Mạnh Hà, chuyên gia tư vấn tuyển sinh khuyên các thí sinh: “Tỷ lệ đỗ vào các trường ĐH, CĐ năm nay rất cao, nhưng các em học sinh và phụ huynh hãy lưu ý, đừng đỗ vào các trường đại học bằng mọi cách. Bởi vì theo số liệu điều tra xã hội học hàng năm tại các trường đại học thì có tới 10% - 15% sinh viên các trường đại học bỏ học sau 1 năm để thi lại vào trường mình ước mơ ban đầu. Như vậy sẽ rất tốn kém cho gia đình và mất thời gian.
 
Thay vì chọn 1 trường phù hợp ngay từ đầu để cố gắng theo tới cùng hoặc chọn các trường cao đẳng, trung cấp nghề để học. Nhiều khi một số ngành nghề chỉ yêu cầu trình độ Trung cấp đã có thể làm được việc sản xuất linh phụ kiện cơ khí, trong khi số lượng cử nhân ra trường lại đi làm những việc đó thì quá lãng phí về thời gian, trình độ và tiền của sau 4 năm học đại học. Đó là nội dung mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh trong việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới.

 

Theo Uyên Na/Pháp luật Việt Nam
.