Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra nhiều vụ việc với các hình thức như giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện lừa đảo; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo tình cảm; các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán điện tử; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo bằng hình thức làm giả hóa đơn chuyển tiền thành công của các ngân hàng; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp; giả danh các công ty tài chính, ngân hàng... Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện 107 vụ việc, tăng 14 vụ việc so với năm 2023.

leftcenterrightdel
 Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo, tống tiền từ những kẻ xấu tự xưng là “Thám tử tư".
 Cảnh báo lừa đảo khi vay tiền online dịp cuối năm

Những ngày cuối năm, nhiều người dân có nhu cầu vay tiền để phục vụ cuộc sống. Đánh vào tâm lý của khách hàng muốn vay nhanh, thủ tục thuận tiện, các đối tượng đã giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ngày 25/11/2024, Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của anh H (SN 1993; trú tại Nam Định) về việc bị lừa đảo khi vay tiền online. Do có nhu cầu vay tiền, anh H đã lên mạng tìm hiểu và thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng. Đối tượng thông báo anh nhập sai số tài khoản, muốn sửa lỗi sai đó phải nộp tiền mới được giải ngân khoản vay. Anh H chuyển tiền xong nhưng vẫn không rút được khoản tiền vay. Lúc này anh mới nhận ra mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo. Tổng số tiền anh H bị lừa là 45 triệu đồng.

Khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.

Vừa mới đây, lực lượng chức năng đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo, tống tiền từ những kẻ xấu tự xưng là “Thám tử tư". Qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hải Phòng phát hiện tại địa bàn thành phố Hải Phòng, các đối tượng sử dụng công nghệ AI cắt ghép hình ảnh, video clip, sau đó giả danh “Thám tử tư” để gửi tin nhắn tống tiền, gây hoang mang và tổn thất về tài sản cho nhiều người. Thủ đoạn của các đối tượng này là tìm kiếm thông tin, hình ảnh, số điện thoại của nạn nhân (chủ yếu là nam giới, có điều kiện kinh tế, có chức vụ trong các cơ quan Đảng, nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp) từ nhiều nguồn khác nhau (tài khoản mạng xã hội, báo điện tử...) và tiến hành cắt ghép hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân vào hình ảnh của một người nam giới trong những video clip có nội dung “nhạy cảm” ở các nhà nghỉ, khách sạn,... Sau đó, đối tượng giả danh là thám tử tư nhắn tin thông báo với nạn nhân qua địa chỉ hòm thư điện tử cá nhân (Email) hoặc qua số điện thoại cá nhân về việc đối tượng được thuê theo dõi nạn nhân một thời gian và phát hiện nạn nhân có những hành vi hủ bại, sa đọa ở chức vụ của mình, đồng thời đối tượng gửi cho nạn nhân đoạn video clip “nhạy cảm” đã được chỉnh sửa, cắt ghép với khuôn mặt của nạn nhân, yêu cầu nạn nhân phải chuyển một khoản tiền điện tử (USDT) vào địa chỉ ví điện tử dạng "TBhpJaBdzD3REXYJaUCZQ9Yr5xWYRkpsBe" hoặc số tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp để không bị đăng bài lên mạng xã hội, không bị lan truyền những hình ảnh này tới người thân, đồng nghiệp, nếu nạn nhân thực hiện yêu cầu, chúng sẽ đưa lại những tài liệu, video clip "nhạy cảm". Khi nạn nhân bị “sập bẫy”, các đối tượng sẽ hướng dẫn nạn nhân mua tiền điện tử chuyển đến các ví điện tử theo chỉ định hoặc chuyển khoản đến một tài khoản ngân hàng, sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

leftcenterrightdel
 Công an huyện Sông Lô hướng dẫn người dân tố giác tội phạm thông qua ứng dụng VNeID.

Đây là một hình thức lừa đảo sử dụng công nghệ Deepfake AI - công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tạo các sản phẩm âm thanh, hình ảnh, video clip làm giả đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao. Những hình ảnh, video “nhạy cảm” được tạo ra bằng “Deepfake" có thể gây ảnh hưởng lớn tới uy tín và cuộc sống của nạn nhân. Để phòng tránh trường hợp bị lợi dụng hình ảnh cá nhân cho mục đích xấu, mỗi cá nhân cần kiểm tra và điều chỉnh cài đặt quyền riêng tư để hạn chế người có thể xem và truy cập ảnh cá nhân trên các tài khoản mạng xã hội. Hạn chế việc chia sẻ ảnh công khai với người lạ. Bên cạnh đó, không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân (như ảnh cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà...) trên không gian mạng trong những trường hợp không thực sự cần thiết, hoặc khi sử dụng xong thì xóa bỏ những thông tin đã chia sẻ trên mạng Internet.

Trường hợp gặp phải những sự việc tương tự, phải nâng cao tỉnh thần cảnh giác với phương châm “Bình tĩnh, không hoảng sợ, không phản hồi, không vội vàng làm theo yêu cầu chuyển tiền của đối tượng”, đồng thời, liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết.

leftcenterrightdel
 Công an tỉnh Vĩnh Phúc khuyến nghị người tiêu dùng cần thận trọng khi tiến hành các giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn. Trong thời gian tới, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường nắm tình hình, nhận diện phương thức hoạt động để kịp thời tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, đồng thời tiếp tục xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh phù hợp với loại tội phạm này. Song, quan trọng nhất, người dân cần chủ động, tỉnh táo trước những chiêu trò, thủ đoạn mà đối tượng thường hay sử dụng để không bị sập bẫy. Khi phát hiện dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

 CẢNH BÁO RỦI RO KHI MUA SẮM TRÊN CÁC NỀN TẢNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHƯA ĐĂNG KÝ

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang bị thu hút bởi các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nhờ mức giá rẻ và sự đa dạng về mẫu mã. Tuy nhiên, việc mua sắm trên các nền tảng chưa đăng ký và chưa được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép có thể dẫn đến những rủi ro khó lường. Nguy cơ tiềm ẩn về chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nếu chưa hoàn thiện các nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi. Do vậy, trong trường hợp giao dịch phát sinh vấn đề không mong muốn, không có đại diện hợp pháp tại Việt Nam theo quy định, người tiêu dùng sẽ khó khăn trong việc liên hệ phản ánh, việc giải quyết khiếu nại trở nên phức tạp và kéo dài.

Người tiêu dùng đứng trước rủi ro cao khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ khi đặt hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký. Những mặt hàng này có thể không đạt tiêu chuẩn an toàn, gây hại cho người tiêu dùng hoặc bị cấm tại thị trường Việt Nam.

Nguy cơ tiềm ẩn về vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng: Khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký, người tiêu dùng thường phải cung cấp các thông tin thanh toán phạm vi quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử. Do đó, nguy cơ rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân là rất cao, tiềm ẩn khả năng gây ra những tổn thất lớn và ảnh hưởng lâu dài đến người tiêu dùng.

Nguy cơ tiềm ẩn về các trách nhiệm pháp lý liên quan đến thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử: Hàng hóa mua từ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới không lường trước được các nghĩa vụ thuế với mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến những vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế và các vấn đề pháp lý khi sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này có thể khiến người tiêu dùng gặp rắc rối khi sản phẩm bị giữ lại tại cửa khẩu hoặc phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thuế không được dự tính hoặc không như thông báo ban đầu.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc khuyến nghị người tiêu dùng cần thận trọng khi tiến hành các giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử; tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.


Hà Minh