leftcenterrightdel
Ngành giáo dục đang đặt quyết tâm nâng chuẩn đầu vào sư phạm. (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN) 

Học lực giỏi mới được vào sư phạm

Quyết tâm đó được Bộ trưởng cụ thể hóa bằng cách sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. Trong đó quy định, năm 2018, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên đối với trình độ đại học là học sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.

Ngưỡng xét đầu vào ngành sư phạm với hình thức dựa trên điểm thi trung học phổ thông quốc gia tuy sẽ được Bộ ấn định sau khi có điểm, nhưng được cho là cũng ở mức tương đương.

Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính khiến sư phạm “thất sủng” là do đầu ra quá khó. Vì thế, giải quyết đầu vào chưa phải là điểm chốt. “Nếu đầu ra tốt thì đầu vào tự nhiên sẽ tăng mà không cần can thiệp,” giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định.

Thí sinh, phụ huynh nhiều lựa chọn


Năm nay, con anh Nguyễn Xuân Thao (Kiến Xương, Thái Bình) sẽ dự tuyển vào đại học, nhưng ngành sư phạm chưa từng được nhắc đến trong các phương án lựa chọn của cả hai bố con. “Làm giáo viên cũng tốt, nhưng rất khó xin việc vì phải vào được biên chế, nếu chỉ dạy hợp đồng thì thu nhập tính theo tiết, không đủ ăn. Như hàng xóm nhà tôi cũng có cháu học sư phạm xong đi dạy hợp đồng, mỗi tháng chỉ một, hai triệu, mà còn có thể bị mất việc bất cứ lúc nào. Trong khi đó, bây giờ có rất nhiều ngành nghề khác nhau để lựa chọn, vì thế, tôi không nghĩ đến sư phạm,” anh Thao phân tích.

Khó xin việc cũng là lý do khiến em Hồ Thị Hà, học sinh Trường Trung học phổ thông Hữu Nghị T78 (Hà Nội) đành từ bỏ giấc mơ giáo viên của mình. “Hồi cấp hai em có ước mơ vào sư phạm, nhưng lên cấp ba thì em lại thôi bởi khó có khả năng xin được việc,” Hà chia sẻ.

Theo thí sinh Bàn Thị Mai (Hà Nội), việc chọn ngành học luôn phải tính đến đầu ra. “Bộ quy định học sinh giỏi mới được xét vào sư phạm là đúng, vì giáo viên phải giỏi mới dạy tốt được. Tuy nhiên, như trường em, khá nhiều bạn học sinh giỏi lại lựa chọn thi kinh tế, y học… mà không chọn sư phạm. Ngay cả bản thân em khi chọn ngành học mục tiêu cũng phải là đầu ra sau này,” Mai cho biết.

Theo thống kê của trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, trường đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng các trường công lập tại Hà Nội về điểm đầu vào, năm học 2017-2018, trường chỉ có 2% học sinh đăng ký dự thi ngành sư phạm. Ngay bản thân các thầy cô, khi tư vấn hướng nghiệp cho các em cũng khuyên các em nên lựa chọn ngành nghề khác.

“Dù yêu nghề nhưng cũng lo cho các em. Nếu các em đăng ký vào sư phạm, học xong bốn năm, cơ hội để đứng trên bục giảng là bao nhiêu? Bộ đang lo đầu vào các trường sư phạm, nhưng cái mọi người cần nhất là đầu ra nhưng Bộ chưa thấy nói đến. 2% học sinh đăng ký vào sư phạm ở trường mình đều không phải những bạn học sinh xuất sắc của trường,” cô Vũ Việt Nga, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) chia sẻ.

leftcenterrightdel
Thí sinh làm thủ tục xét tuyển đại học. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN) 

Trường đại học lo ế

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm nay, số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm là trên 125.000 nguyện vọng, giảm tới 29% so với năm 2017. Trong đó, số nguyện vọng một vào ngành sư phạm chỉ trên 43.000, giảm 27% so với số nguyện vọng một năm 2017.

Theo thầy Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức, tình trạng ngày càng nhiều thí sinh nói không với ngành sư phạm đã tái diễn trong nhiều năm gần đây và ngày càng trầm trọng hơn. Đánh giá rất cao tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi quyết tâm đưa chất lượng đầu vào sư phạm đi lên, nhưng ông An cũng cho rằng, điều quan trọng với thí sinh là đầu ra. “Ra trường có việc làm thì sẽ thu hút được người học,” ông An nói.

Đây cũng là chia sẻ của giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Theo giáo sư Minh, việc quy định học sinh giỏi mới được vào sư phạm là cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ người thầy, nhưng Bộ mới thắt đầu vào mà chưa tính đến cửa ra. Trong khi đầu vào được thắt lại, đầu ra vẫn ế ẩm, thậm chí liên tục xảy ra các vụ việc hàng trăm giáo viên ở các địa phương bị mất việc khiến dư luận hoang mang, thì việc các trường không tuyển sinh được là sẽ là điều chắc chắn.

“Khi đặt tiêu chí cao thì dẫn đến khó khăn cho các trường sư phạm. Do đó, nếu không làm có lộ trình, không có chính sách đi kèm thì không thể giải quyết đúng được. Bộ chưa bao giờ thống kê tổng số giáo viên cần ở từng chuyên ngành, từng vùng miền như thế nào để chúng tôi đào tạo không lo dư thừa. Sở dĩ đào tạo thừa, thiếu cục bộ là do chúng ta không tính toán đầy đủ,” ông Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương nhận định.

Năm nay, lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa triển khai đào tạo có địa chỉ và đặt hàng với Đại học Hồng Đức. Tuy nhiên, dù đã được tỉnh đảm bảo có việc làm sau khi ra trường, và chỉ tuyển 80 chỉ tiêu cho bốn ngành đào tạo chất lượng cao, nhưng với tiêu chí 24 điểm cho tổ hợp ba môn, Hiệu trưởng Đại học Hồng Đức Nguyễn Mạnh An cũng vẫn nhiều lo lắng: “Thí sinh thi đạt 24 điểm là những em rất giỏi, và vì thế các em có rất nhiều cơ hội để chọn lựa.”

Ngoài chỉ tiêu 80 sinh viên đào tạo trình độ chất lượng cao, Đại học Hồng Đức còn hàng trăm chỉ tiêu cho 11 ngành sư phạm trình độ đại học và số này không trong diện được tỉnh đặt hàng. “Với tiêu chí đầu vào cao trong khi đầu ra vẫn mù mịt thì việc tuyển sinh sẽ là bài toán rất khó cho các trường năm nay,” ông An nói.

Mai Huyền (Vietnam+)