Trong đó bao gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục trung học phổ thông; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên). Đặc biệt, nếu như năm 2017, kiến thức trong đề thi chỉ tập trung trong lớp 12; thì năm 2018, kiến thức trong đề thi sẽ bao gồm kiến thức lớp 11 và lớp 12. Dự kiến tỉ lệ là 30% kiến thức lớp 11 và 70% kiến thức lớp 12.
Việc công bố nội dung đề thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 có cả chương trình lớp 11 và lớp 12 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố từ năm 2016. Điều này có nghĩa là, học trò năm nay thi trung học phổ thông quốc gia đã được chuẩn bị tinh thần đề thi có cả kiến thức lớp 11 từ khi các em còn là học sinh lớp 11. Cấu trúc đề thi năm nay vẫn giống như năm 2017 tức là có khoảng 50-60% là kiến thức cơ bản, với số lượng câu hỏi này, các em hoàn toàn đỗ tốt nghiệp và đủ điều kiện đỗ vào phần lớn các ngành của nhiều trường đại học. Còn phần kiến thức nâng cao chủ yếu dùng để xét tuyển vào các trường tốp trên.
Cùng với đó, năm nay, mỗi tỉnh, thành sẽ có một cụm thi do Sở GD&ĐT địa phương phối hợp với các trường đại học, cao đẳng chủ trì nhằm đảm bảo đúng quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp. Trong số 63 cụm thi THPT quốc gia trên toàn quốc năm 2018, có 3 cụm thi có sự tham gia của các trường đại học đông đảo nhất, đó là cụm thi số 1 tại Hà Nội, cụm thi số 2 tại TP.Hồ Chí Minh và cụm thi số 28 tại Nghệ An.
Cụ thể, cụm thi số 1 tại TP.Hà Nội có số đơn vị phối hợp với tổ chức nhiều nhất cả nước gồm 10 trường: ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp Việt - Hung, Trường ĐH Lâm nghiệp, Trường ĐH Y Hà Nội, Học viện Y dược cổ truyền, Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và Học viện Kỹ thuật quân sự. Cụm thi số 2 tại TP.Hồ Chí Minh có 7 đơn vị phối hợp tổ chức kỳ thi gồm các trường: ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Văn Hiến và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Cụm thi số 28 tại tỉnh Nghệ An do Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An tổ chức cũng có 8 đơn vị phối hợp gồm: Trường ĐH Vinh, ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh, Trường ĐH Y khoa Vinh, Trường ĐH Công nghiệp Vinh, Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Công đoàn, Học viện Hành chính quốc gia và Trường CĐ Sư phạm Nghệ An.
Với kinh nghiệm tổ chức thành công thi THPT quốc gia, các địa phương khá tự tin khi triển khai nhưng công việc của kỳ thi năm nay. Tuy nhiên, chính sự “quen tay” này dễ dẫn sai sót, sự cố đáng tiếc do chủ quan. Để thống nhất chỉ đạo trong toàn hệ thống và tạo thuận lợi cho thí sinh, ngoài cung cấp đầy đủ các quy chế, văn bản hướng dẫn, thông tin tuyển sinh của các trường để thí sinh tham khảo và điền thông tin chính xác vào Phiếu đăng ký dự thi và Phiếu đăng ký xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT cũng đã thiết lập kênh thông tin trực tiếp tới các giám đốc Sở, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐSP, TCSP; Ban Chỉ đạo thành lập Tổ công tác trực thi, công khai các số điện thoại, email trực thi – tuyển sinh để trực tiếp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển, kịp thời giải đáp những băn khoăn và thắc mắc của thí sinh và người dân. Hiện nay, công tác tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh đã và đang được địa phương triển khai, đặc biệt 2 tuần cuối là thời gian thí sinh nộp hồ sơ nhiều nhất. Trong hướng dẫn thực hiện quy chế thi, tuyển sinh của các Sở GD&ĐT đều nêu rõ những yêu cầu về chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho đăng ký dự thi, như: nơi đón tiếp thí sinh đến đăng ký, máy ảnh, máy vi tính, phiếu đăng ký, túi hồ sơ…; yêu cầu chuẩn bị tốt việc lập hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi, hồ sơ nhà trường; hướng dẫn học sinh làm chứng minh nhân dân để quản lý hồ sơ trên hệ thống quản lý thi.
Thủ trưởng các đơn vị nơi thí sinh nộp phiếu đăng ký dự thi được giao chịu trách nhiệm hướng dẫn đăng ký dự thi, thu phiếu đăng ký dự thi, nhập thông tin thí sinh đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ, chuyển hồ sơ, dữ liệu đăng ký dự thi cho Sở GD&ĐT. Nhiều địa phương nêu rõ yêu cầu nhập và rà soát thông tin đăng ký dự thi xong trước ngày 22/4/2018; nhập và rà soát thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT xong trước ngày 25/5/2018. Thậm chí lưu ý cán bộ máy tính đổi mật khẩu ngay và bảo mật tài khoản, mật khẩu để đảm bảo an toàn thông tin của thí sinh. Tuy nhiên, năm nay số lượng thí sinh nhiều địa phương tăng, dễ dẫn đến nhầm lẫn trong công tác nhập dữ liệu.
Do đó, các đơn vị đăng ký dự thi cần hết sức lưu ý, nhập liệu đảm bảo đúng, đủ, chính xác, kịp thời. Đặc biệt, việc nhập dữ liệu tránh dồn vào những ngày cuối, không chỉ gây chậm trễ mà dễ dẫn đến nhầm lẫn vì phải xử lý dữ liệu lớn trong một thời gian ngắn. In sao đề thi luôn là khâu được quan tâm đặc biệt vì đảm bảo đến an toàn bảo mật đề thi. Năm 2017, các địa phương đã thực hiện rất tốt công đoạn này, nhưng cũng bởi vậy, có thể dẫn đến sai sót không đáng có do chủ quan. Theo quy định, các Hội đồng thi có trách nhiệm in sao đề thi của Kỳ thi cho tất cả các Điểm thi thuộc phạm vi quản lý.
Tùy theo điều kiện thực tế, Hội đồng thi có thể ký hợp đồng in sao đề thi với Hội đồng thi khác hoặc các trường ĐH có đủ điều kiện theo quy định nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc in sao đề thi. Tuỳ theo điều kiện thực tế của địa phương, Chủ tịch Hội đồng thi quyết định phương án và thời gian giao đề thi cho các Điểm thi, trên cơ sở đảm an toàn và bảo mật./.
Huyền Thu/Công luận