Trong khi đa số các trường ĐH, CĐ đồng tình với việc sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển, một số trường vẫn đang bàn kế hoạch tuyển sinh riêng.

 


Nhóm họp các trường tuyển sinh riêng

Sau thí điểm thi tuyển chọn sinh viên vào bậc đại học trong các chương trình tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao bằng bài thi đánh giá năng lực, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho biết, hơn 80% cho rằng, đề thi đánh giá đủ kiến thức của sinh viên, bám sát chương trình học, độ phủ kiến thức rộng trong suốt chương trình THPT. Với kết quả này, ĐHQG Hà Nội đã đề xuất phương án tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực để lấy ý kiến từ Bộ GD-ĐT và các trường ĐH lớn trên cả nước.

GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, việc đổi mới tuyển sinh của trường năm 2014 mới được áp dụng ở khâu sơ tuyển thí sinh online theo học bạ 3 môn Toán, Lý, Hoá. Điều này đã giúp ĐH Bách khoa Hà Nội giảm được tỷ lệ hồ sơ “ảo” khi chỉ còn hơn 7.000 thí sinh đủ điều kiện dự thi. Về những bước đi tiếp theo trong kỳ tuyển sinh năm 2015, lãnh đạo trường ĐH Bách khoa khá dè dặt. Tuy nhiên, GS Nguyễn Trọng Giảng cho biết: “Tôi rất thích vì phương án của ĐHQG. Tôi cho rằng trong năm đầu tiên, một nhóm trường đại học tốp trên nên thỏa thuận với nhau để thực hiện và nếu làm tốt có thể nhân rộng ra toàn quốc”.

Chia sẻ về phương án tuyển sinh của mình, ĐH Đà Nẵng khẳng định vẫn sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia vào xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, ông Đoàn Quang Vinh cho biết, trường sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực cho việc xét tuyển vào các trường thành viên. Ông Đoàn Quang Vinh cho rằng, còn quá sớm để áp dụng đại trà nhưng trong những năm tới kỳ thi quốc gia cần đổi mới theo hướng này. Từ khâu ra đề đến tổ chức thi đều cần hướng tới đánh giá được năng lực của học sinh và nên tổ chức thi trên máy tính để đảm bảo công bằng, bảo mật.

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, phương án đổi mới tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực là tài sản chung mà các trường đại học có thể thực hiện. ĐHQG Hà Nội chỉ là đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ tiên phong, thí điểm.

Học sinh cần thời gian làm quen cách thi mới

Ủng hộ phương án làm bài thi đánh giá năng lực nhưng các trường vẫn băn khoăn về ý kiến từ phía Bộ GD-ĐT và xã hội. Ông Đoàn Quang Vinh cho rằng, phương án đổi mới cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để xã hội hiểu rõ và học sinh có thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó, ĐHQG Hà Nội cần có quy chế thi, và phương án đổi mới phải được Bộ GD-ĐT cho phép để các trường có căn cứ thực hiện. Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội lo lắng: “Hiện tại, giáo viên phổ thông dù đã chú ý tới phát triển năng lực nhưng cách dạy vẫn nặng truyền thụ kiến thức. Nếu yêu cầu đánh giá năng lực thì sự đáp ứng, hưởng ứng của bên phổ thông sẽ như thế nào?”.

Về phương án thi đánh giá năng lực, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định, Bộ rất khuyến khích các trường đại học tự chủ, có giải pháp mới tiên tiến, phù hợp nhưng phải đảm bảo nhất quán toàn hệ thống.  “Phương án này phải bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, để không làm phức tạp thêm việc thi cử của học sinh. Bộ sẽ làm việc với ĐHQG Hà Nội để bàn bạc kỹ hơn” - ông Mai Văn Trinh nói.

Năm 2015, thí sinh dự tuyển vào ĐHQG Hà Nội có thể chỉ phải thực hiện bài thi đánh giá năng lực chung. Có thể áp dụng trọng số điểm cho từng phần của bài thi tổng hợp để xét tuyển vào các ngành với đặc thù khác nhau. Kỳ thi được tổ chức vào tháng 4 và tháng 8. Thí sinh có thể tham dự thi ở các địa điểm thi tại các tỉnh, thành phố trong các phòng thi chuẩn hóa.
 

Theo ANTĐ

.