Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ này cùng các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục về nội dung dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh:VGP

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, mục tiêu tổng quát trong dự thảo Chiến lược là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo lập thế hệ người Việt Nam mới sống lương thiện, giàu khát vọng, có đầy đủ phẩm chất trí tuệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Xây dựng hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng, phục vụ học tập suốt đời theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa, dân chủ hoá, xã hội hoá, hội nhập quốc tế và đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030.

Để thực hiện hàng loạt mục tiêu cụ thể, Bộ đã đề ra 10 nhóm giải pháp: Hoàn thiện thể chế; Đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; Thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao gắn liền với đào tạo; Tăng cường hội nhập quốc tế.

GS. Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng Chiến lược cần lựa chọn một số điểm quan trọng để giải quyết dứt điểm. Ông cũng nêu một số hạn chế vẫn chưa được khắc phục như năng lực quản trị đại học vẫn còn yếu. Việc thực hiện giám sát các chủ thể trong nhà trường của xã hội chưa tốt. Khả năng tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học đang rất hạn chế. Chương trình đào tạo còn cũ, thiếu những chương trình tiên tiến. Hoạt động đào tạo theo chuẩn đầu ra vẫn chưa triển khai được rộng rãi…

Còn TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đề nghị Chiến lược chỉ nên nêu những vấn đề thiết thực, căn bản cần tháo gỡ ngay, thay vì đề cập đến mọi vấn đề, mọi giải pháp. Ông cho rằng, hai điểm nghẽn lớn nhất cần được tháo gỡ là thực hiện tự chủ ở tất cả các cơ sở giáo dục, tăng cường tính chủ động, trách nhiệm của các địa phương trong phát triển giáo dục. Các trường học phải trở thành thiết chế dân chủ, nhân văn, sáng tạo…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, dự kiến, ngành Giáo dục chỉ có 7 năm thực hiện Chiến lược, vì vậy, phải xác định mục tiêu nào là khả thi, giải pháp, nguồn lực như thế nào, đạt được những gì sau 2 năm, 3 năm, 7 năm, tránh tình trạng "nội dung tròn trịa" cái gì cũng có nhưng không có lộ trình, kế hoạch, nguồn lực cụ thể". Đồng thời nhấn mạnh, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục mà phải là của cả hệ thống chính trị, từng cơ sở giáo dục.

Phó Thủ tướng đề nghị, lãnh đạo Bộ Giáo dục, các chuyên gia, nhà quản lý… góp ý cụ thể vào việc xác định một số đầu việc mang tính chất đột phá, đổi mới, cải cách trong vòng 5 – 7 năm tới, để tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Cũng theo Phó Thủ tướng, dự thảo Chiến lược phải bảo đảm tính liên thông, xuyên suốt trong toàn hệ thống giáo dục phổ thông, đại học, đào tạo nghề nghiệp, bởi vì ở bậc học phổ thông đã có phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, còn trong các trường đại học đều có khả năng đào tạo nghề ở bậc cao đẳng.

Ghi nhận các ý kiến mang tính lý luận, nhận thức, tư duy cũng như tổ thức triển khai, thực hiện, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu đầy đủ trong quá trình tổng kết Nghị quyết 29/NQ-TW; đồng thời cập nhật xu thế thời đại; bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo về giáo dục (mầm non, phổ thông, cao đẳng, đại học, sau đại học), tính liên thông, tránh tiếp cận thiếu tổng thể, tạo chia cắt.

leftcenterrightdel
 Buổi làm việc đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia về Chiến lược phát triển giáo dục . Ảnh:VGP

"Việc xây dựng chiến lược là một bộ phận để cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết của Trung ương về vấn đề giáo dục, phải mang tính hành động hơn, bao quát được phạm vi, mục tiêu", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW; đồng thời chuẩn bị dự thảo văn nhằm thực hiện chỉ đạo mới của Trung ương sau khi tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW.

Đơn cử, trong quá trình thay đổi phương pháp dạy và học, Phó Thủ tướng cho rằng cần xác định đúng vị trí, vai trò của nhà trường, xã hội, gia đình phục vụ cho mục tiêu phát triển toàn diện năng lực người học "Đức - Trí - Thể - Mỹ". Người học là trung tâm của quá trình tự học, biết đổi mới, sáng tạo, cảm nhận cái đẹp, nắm vững phương pháp tự học, nhất là học tập suốt đời.

Phó Thủ tướng cũng dành thêm thời gian phân tích về yêu cầu đổi mới dạy và học ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu hội nhập, “công tác đào tạo đội ngũ giáo viên "đi trước một bước"; đồng thời, huy động cả nguồn lực xã hội cùng tham gia để đạt được kết quả thực chất cho người học, ngoại ngữ thực sự là ngôn ngữ thứ hai"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tương tự, việc đổi mới nội dung, mục tiêu đào tạo phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có sự cân đối, hài hoà kiến thức giữa các môn học. Theo đó, các nhà trường sư phạm phải đi đầu trong thay đổi về chương trình đào tạo, phương thức quản trị, trên cơ sở xác định những nội dung giáo dục cơ bản để đào tạo một số lượng giáo viên cơ hữu. 

Đối với những môn học liên quan đến thẩm mỹ, hình thành nhân cách, nhà trường phổ thông có cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ sĩ giỏi nhất trong các lĩnh vực đến giảng dạy cho học sinh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tại những khu vực có điều kiện thuận lợi cần thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hoá giáo dục, để dành nguồn lực nhà nước đầu tư vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm làm việc.

“Trước mắt, Bộ cần tập trung xây dựng một đề án thực hiện từ nay đến năm 2025, trong đó xác định những nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách trên cơ sở rà soát kết quả thực hiện, nhất là những mục tiêu chưa đạt được, theo Nghị quyết 29-NQ/TW, các luật, văn bản chỉ đạo của trung ương về giáo dục như phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, đổi mới phương pháp dạy và học; nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ, liên thông giữa các bậc học, giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp…”- Phó Thủ tướng nói và lưu ý, Đề án này phải khắc phục ngay những "điểm nghẽn" trong nghị định, thông tư về giáo dục, tích hợp thực chất quy hoạch hệ thống giáo dục, đào tạo gắn với quy hoạch phát triển vùng, địa phương.

Minh Nhật