UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt phương án điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Trường THPT Võ Chí Công ở xã A Xan, huyện Tây Giang để giúp học sinh có thể quay lại học ở ngôi trường được đầu tư xây dựng hơn 63 tỉ đồng này. Tuy nhiên, đến nay phương án này vẫn chưa được triển khai và học sinh trường này vẫn phải “học nhờ” ở một ngôi trường khác.
Trường THPT Võ Chí Công trực thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, được triển khai xây dựng từ đầu năm 2017 tại xã vùng cao xã A Xan huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ngôi trường được triển khai thực hiện theo hai giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 63 tỉ đồng.
|
|
Trường THPT Võ Chí Công được xây dựng trên một ngọn đồi ở xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: A.N. |
Giai đoạn 1 của dự án xây dựng trường bao gồm các hạng mục khối nhà lớp học, khu nội trú học sinh, kè ta luy, khu hiệu bộ, thí nghiệm, thư viện, nhà công vụ, nhà đa năng do Sở GD-ĐT Quảng Nam làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 33 tỉ đồng.
Trường THPT Võ Chí Công được đưa vào sử dụng từ năm học 2018 – 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 (tháng 9/2020), phần taluy dương bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến công tác dạy và học. Ngôi trường bị “bỏ hoang” kể từ sau vụ lở đất nghiêm trọng nói trên khiến nhiều hạng mục công trình trường học bị đe dọa. Cụ thể, sau đợt mưa lũ vào cuối năm 2020, hàng nghìn khối đất đá từ taluy dương đổ xuống, kèm theo những vết nứt lớn ở phía đỉnh đồi.
Trước tình huống nguy hiểm này, hàng trăm học sinh và giáo viên của trường được yêu cầu rời khỏi trường học. Cả thầy và trò cùng vượt hàng chục cây số đường rừng để xuống trung tâm huyện ở tạm. Theo đó, để duy trì việc dạy học của nhà trường, nhiều năm nay, cán bộ giáo viên và gần 300 em học sinh phải di chuyển xuống trung tâm hành chính huyện Tây Giang (tại xã A Tiêng) để triển khai dạy học tạm.
Nơi các thầy cô và học sinh trường THPT Võ Chí Công đi “ở nhờ” cách trường hơn 40km, đường xá hiểm trở, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa lũ. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học của thầy trò nhà trường.
Mặc dù chính quyền địa phương cũng đã huy động lực lượng hỗ trợ, bố trí nơi ăn nghỉ, dạy học tạm thời để khắc phục sự cố. Tuy nhiên đến nay, mặc dù đã hơn 3 năm rời khỏi ngôi trường, học sinh và thầy cô Trường THPT Võ Chí Công vẫn chưa thể trở lại dạy và học trong ngôi trường. Được biết, trước khi vụ sạt lở năm 2020 xảy ra, trước đó năm 2019 tỉnh Quảng Nam tiếp tục phê duyệt dự án giai đoạn 2 với mức đầu tư gần 30 tỉ đồng. Giai đoạn 2 này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, tiếp tục triển khai các hạng mục tiếp theo.
Tuy nhiên, kể từ sau vụ sạt lở, giai đoạn 2 vẫn chưa được triển khai. Nói về việc này, đại diện Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, sau vụ sạt lở để đánh giá lại tình hình, đã có các đoàn khảo sát đến khảo sát lại tại ngôi trường. Một số phương án được đưa ra như tiếp tục san ủi đồi phía sau trường hoặc là làm kè, tường chắn để chống sạt lở. Thêm một phương án nữa là dời địa điểm để xây dựng ngôi trường ở một nơi mới an toàn hơn. Tuy nhiên các phương án này đến nay vẫn chưa được triển khai.
Trả lời về những vấn đề xung quanh các phương án tiếp theo cho Trường THPT Võ Chí Công, ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, trong các phương án thì việc làm kè để chống sạt lở là giải pháp tốt nhất. Nhưng phương án này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên việc khắc phục chậm. Trong thời gian tới sẽ khắc phục dứt điểm việc này.
Vừa qua, ông Nguyễn Minh Triết - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh và huyện Tây Giang cũng đã có chuyến khảo sát tại công trình này.
Tại chuyến khảo sát, sau khi nghe báo cáo, ông Lương Nguyễn Minh Triết - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị chủ đầu tư cần tính khái toán khối lượng đất đá nằm trong phạm vi gây nguy hiểm ở taluy dương. Đồng thời điều chỉnh quy mô dự án phù hợp, đảm bảo cho giai đoạn sửa chữa, xây dựng kè chống sạt trượt. Ngoài ra, tách riêng các dự án cụ thể, điều chỉnh quy mô dự án trên cơ sở đảm bảo cho các tình huống phát sinh tiếp theo.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam rà soát cụ thể dự án; UBND tỉnh chỉ đạo các Sở Xây dựng, KH-ĐT rà soát toàn bộ để có cơ sở báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xin chủ trương. Các sở, ngành liên quan tập trung giải quyết thủ tục còn vướng mắc, khẩn trương triển khai biện pháp khắc phục sự cố để công trình sớm được đưa vào sử dụng.