Tối ngày 8/11/2019, tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội diễn ra Lễ phát động Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”. Đây là sự kiện điểm nhấn để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu nhấn nút khởi động cuộc thi "Pháp luật học đường"

Trước đó, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, từ năm 2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty Egroup tổ chức thí điểm tại 3 địa phương và năm 2017 đã tổ chức trong toàn quốc Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh Trung học phổ thông. Trong 2 năm tổ chức, Cuộc thi đã thu hút gần 270 nghìn học sinh đăng ký dự thi, hơn 600 nghìn lượt dự thi, tạo hiệu ứng xã hội tích cực và sức lan tỏa rộng lớn.

Tiếp nối thành công đó, năm nay, Bộ Tư pháp tổ chức Cuộc thi với tên gọi “Pháp luật học đường” trong phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của các em học sinh Trung học phổ thông; học sinh, học viên, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Lễ phát động cuộc thi

Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi nêu rõ: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường, trong những năm qua nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, cả chính khóa và ngoại khóa đã được thực hiện nhằm trang bị kiến thức pháp luật; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; nhận thức về trách nhiệm xã hội, về nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng nếp sống tuân thủ Hiến pháp, pháp luật cho các em.

Cuộc thi không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của các em học sinh, học viên, sinh viên mà còn giúp các em có thêm kiến thức pháp luật, thấy pháp luật dễ hiểu, gần gũi; thấy việc chấp hành pháp luật là cần thiết

leftcenterrightdel
 Hình ảnh tại lễ phát động cuộc thi 

Cuộc thi "Pháp luật học đường" hướng đến học sinh các trường THPT, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên và học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nội dung cuộc thi xoay quanh các kiến thức môn giáo dục công dân, pháp luật cho học sinh, học viên các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời mở rộng một số nội dung, kiến thức pháp luật phù hợp tâm lý, lứa tuổi.

Ban tổ chức cũng cho biết các thí sinh đoạt giải vòng chung kết được ưu tiên xét tuyển khi đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Luật Hà Nội (giải nhất, giải nhì) và trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh (Giải nhất, nhì, ba) theo Đề án tuyển sinh của Trường. Đồng thời, các thí sinh đoạt giải có thể được xét cấp học bổng theo quy chế của nhà trường.

Cuộc thi sẽ chia thành 3 vòng, gồm: vòng loại tổ chức trong 6 tuần (từ 11/11 đến hết ngày 22/12), vòng bán kết (10/2/2020 đến hết ngày 23/2/2020) và vòng chung kết dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3/2020 tại Hà Nội.

Thí sinh đăng ký dự thi tại website: http://timhieuphapluat.vn hoặc đăng ký qua app cuộc thi.

Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải nhất trị giá 6 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 2 giải ba trị giá 2 triệu đồng/giải; 6 giải khuyến khích trị giá 1 triệu đồng/giải và một số giải phụ. Ngoài ra BTC còn trao giải thưởng cho 30 thí sinh lọt vào bán kết và trao giải thưởng tuần.

 

Hà Nhân