'Trận đánh lớn' của ngành giáo dục và 'canh bạc' của thí sinh
Cập nhật lúc 09:17, Thứ sáu, 21/08/2015 (GMT+7)
Các thí sinh vừa trải qua kỳ thi THPT Quốc gia lần thứ nhất được áp dụng đang trải qua những giây phút căng thẳng như đứng trước "một trận đánh lớn", trận đánh mà ranh giới giữa đỗ và trượt chỉ trong chốc lát. (kỳ thi THPT Quốc gia, trận đánh, ngành giáo dục, canh bạc, thí sinh)
Các thí sinh vừa trải qua kỳ thi THPT Quốc gia lần thứ nhất được áp dụng đang trải qua những giây phút căng thẳng như đứng trước “một trận đánh lớn”, trận đánh mà ranh giới giữa đỗ và trượt chỉ trong chốc lát.
Giảm được chi phí cho một kỳ thi, nhưng thí sinh và phụ huynh lại bị cuốn vào vòng quay của việc rút hồ sơ và nộp hồ sơ. Áp lực thi cử có thể giảm, nhưng áp lực chọn trường lại tăng cao hơn bao giờ hết. Những từ khóa như “thí sinh tháo chạy khỏi trường tốp trên”, "thí sinh ồ ạt đi rút hồ sơ”, “phụ huynh cầm máy tính tính đỗ trượt cho con”… xuất hiện nhiều trên các mặt báo đủ cho thấy điều đó.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục khẳng định tính ưu việt của kỳ thi, của phương thức tuyển sinh mang tính cách mạng này và cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do hạ tầng chưa đáp ứng đủ, các trường chưa có kinh nghiệm, thí sinh chưa nắm bắt đầy đủ quy trình...
Còn trong một cuộc phỏng vấn trước đó, ông đã ví công cuộc đổi mới giáo dục cũng giống như một “trận đánh lớn”. Nội hàm của từ này thật khó phân tích, bởi trận đánh thì phải có đối tượng bị đánh, trong trận đánh này người cầm quân là tư lệnh ngành, là Bộ trưởng, còn đối tượng bị đánh là ai. Ta tạm hiểu theo nghĩa tích cực, đối tượng bị đánh là sự trì trệ, lạc hậu, là sự tốn kém, lê thê của các kỳ thi… nhưng rõ ràng trong trận đánh đó, đến nay hiệu quả lên đối tượng kia vẫn chưa rõ ràng, còn thí sinh và phụ huynh trong kỳ thi này đã gánh chịu hậu quả.
Trong cuộc đua rút- nộp, người ta nảy ra nhiều liên tưởng hài hước để mô tả. Nó giống như một canh bạc, thí sinh là người đặt cửa. Không được cửa này lại đặt cửa khác. Nó cũng giống một cuộc đua tiếp sức, phụ huynh từ chỗ chỉ hỗ trợ con cái việc ăn việc ngủ, việc đi lại thì nay bị kéo vào cả những suy tính, căn đo như một phép tính kinh tế.
Nó lại giống như việc đầu tư vào sàn chứng khoán, người chơi phải hồi hộp trông theo sự biến đổi thất thường cửa các chỉ sổ. Điểm cao không trượt, sự khẳng định của Bộ trưởng không có thực trong thực tế, bởi lẽ nhiều trường hợp vẫn là nạn nhân của điểm cao vẫn trượt, khi điểm chuẩn trúng tuyển của các trường vẫn nhảy múa theo từng ngày. Ngày hôm nay trúng, sáng ngủ dậy thí sinh đã trượt.
Đồng nghiệp của tôi sáng nay có đăng tải hình ảnh kèm câu chuyện của một thí sinh và phụ huynh đang chờ đợi kết quả tuyển sinh trước giờ G và khi được hỏi về quá trình của mình, vị phụ huynh kia đã nghẹn ngào bật khóc. Nước mắt mẹ chắc chưa bao giờ rơi vào một tình thế hiếm hoi vô tiền khoáng hậu như thế trong lịch sử tuyển sinh của nước nhà.
Đành rằng, mọi sự đổi mới, cải cách cần có thời gian để chứng minh hiệu quả, giáo dục là một quá trình lâu dài, nó không phải như giao thông xây một cái cầu vượt là người dân thấy ngay hiệu quả vì được đi lại trên đó, nó không phải là nông nghiệp để đưa ra một phương thức canh tác mới mà ngay vụ đó đã chứng minh được tính khả thi…
Tuy nhiên, giáo dục là ngành hiếm hoi mà sức lực con người bị huy động tổng lực vào một giai đoạn nhất định, có ảnh hưởng lên số đông người dân, vì thế trận đánh của ngành cũng cần phải cân nhắc để thực sự có hiệu quả ngay khi áp dụng, thí sinh và phụ huynh không phải, không nhất thiết phải là những con chuột bạch cho một sự đổi mới.
Theo Khám phá
.