(BVPL) - Đến hẹn lại lên, trong các ngày 24, 25, 26/2/2015 (tức ngày 6, 7, 8 Tết Ất Mùi 2015), tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng lại tưng bừng Lễ hội khai bút đầu xuân Ất Mùi, đây hoạt động mang tính điểm nhấn, tiếp nối truyền thống hiếu học của một trong những triều đại khoa bảng được cho là thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
 


Bên cạnh nghi thức khai bút, lễ hội xuân Ất Mùi tại khu tưởng niệm Vương triều Mạc còn có nhiều hoạt động văn hóa giải trí hấp dẫn. Lễ hội cũng thu hút được nhiều nhà thư pháp có kinh nghiệm với nét bút tài hoa, thảo lên những hàng chữ thanh tao, đậm phong cách nho nhã để du khách thập phương mang về như một kỷ niệm đẹp ngày đầu xuân mới. Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (nằm gần di tích từ đường họ Mạc) ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy là một quần thể nguy nga, đồ sộ, mang đậm dấu ấn kiến trúc đặc sắc của đình, đền vùng quê Bắc bộ, thờ các vị vua, các bậc tiên hiền danh sỹ triều Mạc hiện lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, trong đó có bộ nghiên, bút, giấy, mực bằng đá xanh lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là địa chỉ danh thắng quen thuộc của người dân Hải Phòng và du khách thập phương hành hương cầu may mỗi dịp Tết đến xuân về.

Triều đại nhà Mạc dưới sự cai trị mở đầu của đức Thái tổ Mạc Đăng Dung dù chỉ tồn tại trong một thời gian khá ngắn ngủi nhưng đã để lại nhiều cải cách tiến bộ trong lịch sử phong kiến Việt Nam, trong đó thành tựu về giáo dục là một trong những dấu ấn đáng kể của triều đại này. Trong 65 năm tồn tại, triều Mạc đã mở 22 khoa thi, lấy đỗ 11 trạng nguyên, 485 tiến sỹ, tạo dựng một nền giáo dục khoa bảng cực thịnh với nhiều bậc đại khoa là học giả uyên bác như: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, học giả: Giáp Hải, Nguyễn Dữ…
 

Bài và ảnh: Hoàng Hưng

.