Từ lâu, sinh viên tốt nghiệp ra trường và bài toán việc làm đã không còn là câu chuyện riêng của bản thân người trong cuộc mà đã trở thành bài toán làm đau đầu các chuyên gia, các nhà quản lý. Và cho đến bao giờ vấn đề việc làm không còn là gánh nặng của sinh viên sau những năm miệt mài đèn sách dường như vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp?

 


Do mang nặng tư tưởng đó nên nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp vẫn sống dựa dẫm vào gia đình, đều đặn hàng tháng nhận tiền của bố mẹ gửi cho. Và rồi không ít trong số đó, sau một thời gian không thể tìm được việc làm ưng ý lại quyết định tìm đường học tiếp lên cao học. Đó dường như là sự lựa chọn tối ưu, có thể một lúc giải quyết được nhiều vấn đề: Không bị coi là thất nghiệp, vẫn được ở lại thành phố lớn chứ không phải về quê và hàng tháng vẫn được bố mẹ đều đặn chu cấp tiền ăn học…

Theo các chuyên gia nhận định, hầu hết sinh viên mới ra trường hiện nay đều chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp. Đó cũng chính là lý do giải thích vì sao nhiều bạn trẻ bị nhà tuyển dụng từ chối ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên. Hoặc nếu có được nhận thì sau một thời gian ngắn thử thách cũng bị đào thải. Điều này thường phổ biến ở những công ty, doanh nghiệp có trình độ phát triển cao, coi trọng trình độ năng lực và đặt hiệu quả lao động lên trên hết.

Vì thế, giải pháp trước mắt nhưng lại mang tính lâu dài của nhiều sinh viên hiện nay, đó là sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ nộp hồ sơ xin việc vào một công ty có quy mô nhỏ hoặc vừa phải. Điều quan trọng nhất là công việc đó phù hợp với năng lực của bản thân, có thể tự tích lũy được kinh nghiệm để sau này đầu quân cho những công ty, doanh nghiệp có tầm vóc lớn hơn.

Thất nghiệp, vì sao?

Những năm gần đây, tình hình kinh tế khó khăn buộc các công ty, doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Trong khi số nhân viên thất nghiệp ngày càng tăng thì cơ hội tìm được việc làm của các bạn sinh viên sẽ bị thu hẹp. Đó cũng là lý do giải thích vì sao có nhiều ý kiến cho rằng, lượng cử nhân đang chịu cảnh thất nghiệp hiện nay còn vượt hơn rất nhiều con số 72.000.

Riêng ở Nghệ An, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.000 người tốt nghiệp từ trung cấp trở lên chưa tìm được việc làm, trong đó có trên 4.000 người có trình độ cao đẳng và hơn 3.000 cử nhân, thạc sĩ. Và khi tình trạng thất nghiệp đang trở nên quá phổ biến thì đây chính là bài toán đang làm đau đầu các nhà quản lý trong bối cảnh hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn như trên là do tình hình kinh tế gặp quá nhiều khó khăn, biến động. Tốc độ phát triển kinh tế chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là đối với lao động trẻ có trình độ đại học trở lên. Cùng với đó, nguồn nhân lực đào tạo bậc đại học có dấu hiệu dư thừa so với nhu cầu.

Sự gia tăng các trường đại học và các ngành học không theo quy hoạch, các cơ sở đào tạo chủ yếu theo khả năng, chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp. Mặt khác, công tác định hướng nghề nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên còn hạn chế, tâm lý thích bằng cấp, thích học đại học hơn học nghề còn quá phổ biến trong mỗi gia đình và bản thân các bạn trẻ khi còn ở bậc học phổ thông.

Để khắc phục tình trạng thất nghiệp của sinh viên như hiện nay, cần sự đồng thuận, chung tay của các cấp ban ngành trong xã hội. Việc chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, gắn đào tạo nghề với việc làm là một trong những vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Cần đẩy nhanh xã hội hóa công tác dạy nghề. Đặc biệt, cần có sự tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên để các em có lựa chọn phù hợp cả đầu vào lẫn đầu ra sau này.

Cùng với đó, cần phải coi trọng quá trình đào tạo sinh viên trong thời gian học tập tại trường. Làm thế nào để sau khi tốt nghiệp, bên cạnh chất lượng chuyên môn, các em còn có những kỹ năng cần thiết, trình độ tin học, ngoại ngữ… nhằm đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của nhà tuyển dụng.
 

Theo CA Nghệ An