Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đang lên khung chương trình đào tạo chuẩn bị đón khóa học viên đầu tiên, chương trình đào tạo được kỳ vọng sẽ chú trọng đào tạo cử nhân đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ công tác trong ngành Kiểm sát.
Phương pháp đào tạo được thực hiện bằng cách kết hợp giữa việc học trên lớp với quá trình tự học, tự nghiên cứu của người học. Coi trọng việc đào tạo năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, năng lực thực hành để có thể giải quyết được các vấn đề chuyên môn. Phương pháp đào tạo lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động của người học, kết hợp giảng dạy lý thuyết với thực hành, gắn lý luận, lý thuyết với thực tiễn hoạt động chuyên môn và thực tiễn cuộc sống xã hội là một trong những điểm khác biệt về đào tạo sinh viên của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Hoàn thiện, đổi mới phương pháp đào tạo
Các chương trình đào tạo chính quy dài hạn của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được xây dựng trên cơ sở chương trình khung đào tạo ngành luật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ ngành Kiểm sát dựa trên nhu cầu thực tế và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hệ thống giáo trình, tài liệu cho các loại hình đào tạo, bồi dưỡng của Trường được xây dựng trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn, kế thừa kinh nghiệm xây dựng giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng trong hơn 40 năm qua của Nhà trường, đồng thời, tiếp thu có chọn lọc những kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành, kinh nghiệm xây dựng giáo trình của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Nội dung giáo trình, tài liệu mang tính động và mở nhằm hướng tới việc tạo điều kiện cho sinh viên, học viên chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện kỹ năng chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp để có thể vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn công tác sau khi ra trường.
Về chương trình đào tạo đại học, trong giai đoạn đầu, Trường sẽ tổ chức đào tạo theo chương trình đã được xây dựng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và các quy định hiện hành, bao gồm 192 đơn vị học trình (ĐVHT), không bao gồm thời gian tổ chức môn học giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng, thực tập và thi tốt nghiệp hoặc khóa luận tốt nghiệp. Từ năm 2016 trở đi, các chương trình sẽ được chuyển đổi hoặc xây dựng mới để bảo đảm tổ chức đào tạo theo hình thức tín chỉ theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đào tạo đa ngành, đa cấp
Thực hiện chủ trương đào tạo đa ngành, đa cấp, Trường sẽ triển khai các hoạt động chuẩn bị để sớm triển khai các chuyên ngành mới (Tội phạm học, Điều tra tội phạm); đồng thời thực hiện theo một lộ trình thích hợp việc đào tạo sau đại học. Các chương trình xây dựng phù hợp với ngành học, bảo đảm tính liên thông giữa cấp học. Bên cạnh đó, Trường tiếp tục triển khai các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình và mở, không chỉ phục vụ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát mà còn phục vụ cho nhu cầu của xã hội và nhu cầu hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Tiếp tục triển khai kế hoạch hợp tác đào tạo với các Học viện kiểm sát các nước Trung Quốc, Ucraina, Liên bang Nga, cơ sở đào tạo cán bộ Kiểm sát của Lào và các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học các nước Nhật Bản, Úc. Nghiên cứu mở rộng hợp tác đào tạo với các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học của các nước khác trong khu vực và trên thế giới nhằm tranh thủ và thu hút các nguồn lực tài chính của các nhà tài trợ, sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm và kiến thức của các chuyên gia nước ngoài nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên.
Liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo đại học nước ngoài; thực hiện trao đổi cán bộ, giảng viên học tập kinh nghiệm đào tạo. Hàng năm cử từ 3 đến 5 giảng viên tham gia các khóa đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ ở nước ngoài; cử 2 đến 3 đoàn cán bộ, giảng viên đi khảo sát và học tập kinh nghiệm tại nước ngoài; tiếp nhận từ 3 đến 5 đoàn chuyên gia nước ngoài vào nghiên cứu, trao đổi tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Tranh thủ các nguồn tài trợ để tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế và trong khu vực về những vấn đề liên quan đến các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Đào tạo chuyên sâu thực tiễn về ngành Kiểm sát
Chương trình đào tạo của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội không chỉ có kiến thức về pháp luật mà còn cả kiến thức, kỹ năng, chiến thuật, thao tác nghiệp vụ để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, kiểm sát viên, chú trọng công tác đào tạo thông qua thực tập nghề để sau khi ra trường có thể vận dụng sáng tạo những kiến thức đã học vào hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Ngoài ra, với đặc thù của công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát là hoạt động chính trị - pháp lí, nên việc đào tạo về đạo đức, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ kiểm sát là một yêu cầu không thể thiếu được. Vì vậy, trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phải kết hợp việc đào tạo kiến thức pháp luật với kiến thức, kỹ năng, chiến thuật, thao tác nghiệp vụ và việc rèn luyện đạo đức, bản lĩnh chính trị nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Chương trình bảo đảm cơ cấu thời gian hợp lý cho đào tạo kiến thức, đào tạo kỹ năng; giữa thuyết giảng và thảo luận. Nội dung chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu đào tạo, đảm bảo lồng ghép việc đào tạo nghề trong đào tạo đại học nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Ngành. Sinh viên của Trường phải được trang bị kiến thức pháp luật, đồng thời, được trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành, được rèn luyện phương pháp học tập, phương pháp làm việc theo nhóm và khả năng thích ứng với môi trường làm việc thực tiễn.
Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc các giáo trình của các cơ sở đào tạo đại học về các môn học tương ứng với các môn học triển khai tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, tổ chức chỉnh lý, bổ sung và xây dựng mới cho phù hợp với mục tiêu đào tạo của Trường.
Đối với những môn học có tính chuyên ngành đặc thù, thì Trường tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu theo các quy định hiện hành và phù hợp với thực tiễn. Việc xây dựng, hoàn thiện giáo trình, tài liệu bảo đảm cập nhật kiến thức mới, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm nâng cao chất lượng hệ thống giáo trình, tài liệu, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện về nội dung, phương pháp dạy – học, phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực tự học, tự nghiên cứu của người học.
Tổ chức triển khai đồng bộ phương pháp đào tạo tích cực theo hướng tăng cường đối thoại, học theo nhóm, toạ đàm, diễn án, sử dụng mô hình để phát huy tính sáng tạo của học viên, kết hợp chặt chẽ giữa học lý thuyết với thực hành nghề, học tại trường với kiến tập và thực tập nghề tại các Viện kiểm sát địa phương.
Ngoài ra, nhà trường xây dựng và hoàn thiện hệ thống các bài tập tình huống dựa trên hồ sơ các vụ án điển hình về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động… áp dụng vào giảng dạy cho các khóa đào tạo đại học và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm sát của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Bích Ngọc