Khẳng định Hà Nội không có trường điểm và chưa có tiêu chí để xác định, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hiệp Thống khuyến cáo phụ huynh nên cho con học gần nhà, không nên chạy trường vì "không cần thiết".

 
- So với những năm trước, áp lực tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội năm nay như thế nào thưa ông?
 
- So với 62 tỉnh thành, Hà Nội luôn là địa phương có số lượng học sinh đông nhất. Năm nay, học sinh vào lớp 1 tăng vọt do hệ lụy của năm “Heo vàng” 2007. Bên cạnh đó, số người nhập cư vào thủ đô tăng lên rất nhiều do khu công nghiệp, khu đô thị mới mọc lên. Tuy nhiên, số lượng này lại không chia đều cho các quận huyện nên tùy theo tình hình mà từng quận huyện sẽ có phương án tuyển sinh cụ thể.
 
Năm học 2013-2014, Hà Nội dự kiến tuyển 73.500 cháu vào nhà trẻ, 362.250 cháu vào mẫu giáo, 125.400 cháu lớp 1 và 86.000 vào lớp 6. Số học sinh tốt nghiệp THCS gần 75.400, trong đó gần 70.000 em sẽ được tuyển vào hệ THPT, giáo dục thường xuyên là 4.200 và trung cấp chuyên nghiệp là 1.400.
 
Như vậy tất cả các cấp đều tăng học sinh so với năm trước: mầm non tăng 5.000, lớp 1 tăng 11.000, lớp 6 trên 6.000.
 
- Sở GD&ĐT đã có phương án thế nào để giải tỏa áp lực nói trên?
 
- Thành phố đã xây dựng thêm 5.784 phòng học các cấp, thành lập mới 4 trường THPT nên cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Sở cũng đặt ra nguyên tắc tuyển sinh cho năm nay là đảm bảo đủ chỗ cho học sinh, không gây bức xúc cho học sinh và phụ huynh, công khai 4 rõ: chỉ tiêu, tuyến, thời gian và phương thức tuyển sinh.
 
Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo thực hiện phương án 3 tăng 3 giảm gồm: tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho trường học, giảm số học sinh trên lớp, giảm số lớp trên trường ở những trường có quy mô quá lớn và giảm số học sinh trái tuyến.
 
Lớp 10 tuyển sinh theo hình thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển đối với hệ không chuyên và sơ tuyển; thi tuyển với các lớp chuyên. Sĩ số các lớp sẽ hạ xuống (từ 45 còn 42 em) để tăng nguồn tuyển cho các trường ngoài công lập, trung cấp chuyên nghiệp.
 
Hệ mầm non, những quận huyện có trẻ tăng hơn so với năm học trước đã chủ động đề ra giải pháp như xây thêm phòng học, đầu tư cơ sở vật chất, ghép lớp để tăng số phòng học, giảm số học sinh không đúng tuyến. Tóm lại, đến giờ phút này mỗi địa phương đều có phương án riêng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng quận huyện.
 
Phó giám đốc Sở Nguyễn Hiệp Thống cho rằng kiểm tra đầu vào ở một số trường tiểu học không có nghĩa là chất lượng của họ tốt hơn trường khác. Ảnh: Hoàng Thùy.
Phó giám đốc Sở Nguyễn Hiệp Thống cho rằng kiểm tra đầu vào ở một số trường tiểu học không có nghĩa là chất lượng của họ tốt hơn trường khác. Ảnh: Hoàng Thùy.
 
- Có một thực tế là hiện nay các khu chung cư mọc lên hàng loạt nhưng trường học lại được xây dựng nhỏ giọt không đáp ứng được yêu cầu dẫn đến hiện tượng chạy trường, chạy lớp, Sở đã tính việc này như thế nào?
 
- Theo kế hoạch, đến năm 2015 Hà Nội sẽ xóa khu vực trắng trường. Tuy nhiên, trên thực tế có những khu vực không có đất xây trường như khu ngã tư sở, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào. Học sinh ở đây phải đi học ở phường bên cạnh. Vì vậy, UBND thành phố đã ra quy định xây khu đô thị phải đi liền với giải pháp về hạ tầng xã hội.
 
Nhu cầu học thì nhiều mà khả năng đáp ứng theo ý muốn phụ huynh của các trường lại khác nhau. Hiện tượng đổ xô xin cho con vào một số trường và một số trường khác thì vắng học sinh là câu chuyện đã xảy ra từ lâu. Nhưng để xử lý thì không thể một sớm một chiều.
 
Tình trạng xin học trái tuyến cho con diễn ra với tỷ lệ lớn. Trái tuyến để đưa đón con được thuận tiện hơn. Cũng có trường hợp ở một nơi nhưng hộ khẩu lại nơi khác hoặc nghe nói trường này, trường kia tốt rồi chạy theo. Năm nay, Sở sẽ chỉ đạo gắt gao để khắc phục tình trạng này.
 
- Vậy ông có khuyến cáo gì với phụ huynh có con chuẩn bị thi đầu cấp?
 
- Bộ GD&ĐT đã có quy chế trường tiểu học trong đó quy định số lượng học sinh mỗi lớp học khoảng 35. Với số lượng này, giáo viên sẽ quản lý học sinh tốt hơn nhiều so với lớp đông, cô không thể quan tâm sâu sắc.
 
Ngoài ra, phụ huynh nên cho con đi học gần nhà vừa an toàn, con vừa được nghỉ ngơi, bố mẹ không vất vả. Không nên chạy theo cô tốt, trường tốt bởi ở đó cũng không phải 100% tốt. Ở bậc tiểu học, tuổi của các cháu là tuổi làm quen với chữ cái, các con số, học mà chơi, chơi mà học nên việc học trường nọ trường kia là không cần thiết.
 
Tôi khẳng định Hà Nội không có trường điểm và chưa có tiêu chí nào để xác định, chỉ có tiêu chí về trường chất lượng cao đang được xây dựng. Tất cả trường đều có sách giáo khoa và nội dung giáo viên phổ biến trên lớp như nhau, chỉ có khả năng truyền đạt khác nhau. Do vậy thông tin trường nọ trường kia tốt, là trường điểm chỉ là đồn thổi trong dân.
 
- Cuộc chạy đua vào lớp 1 tại một số trường dân lập đã nóng từ tháng 5 trong khi theo lịch của Sở là vào đầu tháng 7. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
 
- Các trường ngoài công lập phụ huynh phải đóng rất nhiều tiền cho con học hàng tháng. Giáo trình ở đây theo tiêu chuẩn chung của Bộ Giáo dục, nhưng phương pháp giáo dục có thể giảm tải được cho học sinh. Các trường này có số lượng học sinh ít hơn so với trường công lập nên giáo viên có sự quan tâm nhiều hơn đến các em.
 
Trường công không có quyền từ chối học sinh trên địa bàn nhưng trường dân lập thì nhận hay không là quyền của họ. Nhiều hồ sơ nộp vào nhưng chỉ tiêu có hạn thì những trường này phải tìm cách lựa chọn công bằng. Vì vậy, những trường kiểm tra đầu vào không có nghĩa là chất lượng tốt hơn trường khác. Giáo viên trường công cũng rất giỏi, dẫn chứng là khi đi thi giáo viên dạy giỏi các cô được giải cao nhiều.
 
Theo Hoàng Thùy
VnExpress
.