Sau khi đoạn văn nêu lên quan điểm cực sốc của 1 học sinh về tác phẩm Rừng xà nu, đã có không ít ý kiến đồng tình với quan điểm trong bài.

 


Học sinh ban A và B học tập chung Toán Lý Hóa Sinh để phục vụ kì thi đại học. Giờ lại thêm một môn văn nữa làm nhiều khi bọn mình không kịp thở, mà điểm kém thì lại sợ phiền lòng cha mẹ, rồi không được tốt nghiệp loại giỏi hay khá. So với Toán Lý Hóa Sinh thì Văn là một môn mềm mại hơn rất nhiều, nhưng đôi khi ngay cả những bạn ban C D cũng "hãi" vì phải đọc nhiều, nhớ nhiều, viết cực nhiều. Ngồi trong lớp thỉnh thoảng chúng mình lại băn khoăn một câu thế này: "Lúc tác giả viết bài này có nghĩ thật sự sâu như vậy không?".Câu hỏi này từ khi bọn mình học lớp 6 chưa ai trả lời được.

Mình cũng “sợ” bài “rừng xà nu” lắm vì về phía mình có mỗi cây xà nu mà phân tích đến cả 3-4 trang giấy,ít hơn thì sợ không đạt yêu cầu mà nhiều hơn thì lấy chữ đâu ra mà viết, ý tứ thì cả 10 bài như 1. Có chăng đứa viết đủ đứa viết thiếu chứ hiếm đứa nào phân tích thêm cái gì. Một tác phẩm học đến cả gần chục năm nay, các thầy cô phân tích, nhà phê bình phân tích, văn mẫu phân tích… đến lượt học sinh bọn mình còn gì mà phân tích nữa. Tất cả chỉ có mỗi việc ngồi mà học thuộc rồi đến lúc thi “chép lại”.

Tiếp theo, văn thì mỗi người một giọng điệu khác nhau. Vì vậy rất khó để tìm được một ai đồng điệu với mình. Đôi khi làm bài, bản thân mình cảm thấy rất tâm đắc với bài làm, nghĩ có thể được 6-7 điểm nhưng khi trả bài chỉ được có 5 dù ý đủ. Lí do đơn giản ai cũng hiểu là “không hợp giọng văn người chấm”. Theo như bạn kia là “thần giao cách cảm”.

Bản thân mình không biết có đúng hay không nhưng nghe kể thì khi đi chấm văn các thầy cô mệt mỏi lắm, vì phải chấm từng câu từng chữ từng ý của học sinh, nhiều khi mệt quá chấm thiếu chấm thừa chấm lỏng chấm chặt. Cái đó là chuyện khó tránh khỏi vì sức con người có hạn, chấm một lớp khoảng 45 bài đã mệt, thử xem chấm tốt nghiệp hay đại học thì sẽ thế nào? Lại còn trời mùa Hè nóng nực, cảm xúc dễ bị chi phối vì thời tiết có phần khó chịu.

Tuy nhiên, mình cũng không ủng hộ việc bạn ấy viết vào bài làm như vậy, xét về trách nhiệm của học sinh thì bạn cần phải làm bài đó một cách hoàn chỉnh theo đúng khả năng. Viết như vậy là đi ngược lại với quy cách học sinh. Nhưng ngược lại, bản thân mình nghĩ việc gì cũng có nguyên nhân của nó.

Nếu đọc kĩ bài văn của bạn thì mọi người sẽ cảm nhận được sự mệt mỏi của một học sinh lớp 12, bản chất bạn không hề muốn xuyên tạc hay có ý gì sai, mình biết như thế vì cả mình và các bạn đồng trang lứa với mình cũng có những suy nghĩ như vậy nhưng không táo bạo như bạn là viết hẳn vào bài. Chỉ là do quá mệt vì sức ép học hành thi cử nên mới có những suy nghĩ như vậy.

Việc bạn viết vào bài là không hay đối với một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng bạn đó có gan nói ra thì chúng ta cũng cần nhìn nhận lại. Mình thấy rằng lượng kiến thức đối với một học sinh đi học giờ là quá sức và ít có ứng dụng vào thực tế... Lượng kiến thức là quá nhiều khiến học sinh căng thẳng mà giáo viên cũng chán, suốt cả cuộc đời đi dạy cứ mãi một bài, đào tạo hàng khóa học sinh giống nhau như khuôn đúc. Liệu có là một biện pháp hay?

Thử nghĩ xem, nếu ai cũng như mình chán ngán lắm một việc nhưng tặc lưỡi bỏ qua, không ai lên tiếng như bạn thì thử hỏi chúng ta có nhìn nhận mình đã sai ở đâu và cần sửa thế nào không?!

 

Theo Trí thức trẻ

.