Trần Ngọc Diệp đạt điểm 10 môn tiếng Anh và Lịch sử - 2 môn có có số bài thi dưới trung bình rất cao trên cả nước (hơn 80%).
Không chỉ vậy, các môn Toán, Ngữ văn và Địa lý của thí sinh này cũng rất cao, lần lượt là: Toán 9,6; Ngữ văn 9; Địa lý 8,25.
Theo nguồn tin từ Bộ GD-ĐT, với mức điểm này, nữ sinh của tỉnh Sơn La đã trở thành thí sinh có điểm thi cao nhất khối D1 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và nhiều tổ hợp khác như C03 (Ngữ văn, Toán, Lịch sử); D09 (Toán, Lịch sử, Tiếng Anh) và D14 (Ngữ văn Lịch sử, Tiếng Anh).
|
|
Điểm thi các môn của nữ sinh Trần Ngọc Diệp, tỉnh Sơn La. |
Vài ngày qua trên mạng xã hội dấy lên nghi vấn về điểm thi của nữ sinh này khi đưa ra một thông tin khác là điểm thi trong kỳ thi thử THPT quốc gia tại trường mà Ngọc Diệp theo học, em lại đạt điểm khá thấp.
Cụ thể, môn Toán là 6,4; môn Ngữ văn 6,5; môn tiếng Anh 5,8; môn Lịch sử 5,5; môn Địa lý 4,25; GDCD 5,5.
Thông tin những điểm thi thử này cũng được đăng tải trên website của Trường THPT Chuyên Sơn La.
Bên cạnh trường hợp của Diệp, một số thí sinh có kết quả thi cao năm nay ở Hà Giang cũng bị "soi" và so sánh với kết quả thi thử tốt nghiệp ở trường. Theo đó, thì kết quả thi thử của các thí sinh này thấp hơn hẳn với kết quả của kỳ thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là không chỉ các trường hợp như Diệp và một số thí sinh nói trên, có nhiều thí sinh thường có kết quả thi THPT quốc gia cao hơn so với kết quả thi thử do nhà trường tự tổ chức.
Thầy Sơn – giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Văn của Diệp cho biết: Mặc dù là giáo viên chủ nhiệm nhưng thầy dạy môn Thể dục nên không nắm rõ được lực học các môn của em.
“Theo tôi được biết thì Diệp học tương đối tốt các môn. Điểm tổng kết năm lớp 12 của em đạt 8,2. Môn Ngữ văn đạt 7,8, còn lại các môn khác đều từ 8 đến 9 phẩy tổng kết môn”.
Thầy Sơn cho rằng, kết quả thi THPT quốc gia của Ngọc Diệp cao hơn nhiều so với điểm thi thử có thể là do em đã nỗ lực ôn luyện để cải thiện điểm số.
Chia sẻ với VietNamNet, chị Nguyễn Thị Sáu – mẹ của Ngọc Diệp cho biết, gia đình khá vui mừng về kết quả mà con gái đã đạt được.
Chị nói rằng Ngọc Diệp đã ôn luyện chăm chỉ suốt 3 năm học phổ thông để chuẩn bị cho kỳ thi.
“Con ôn luyện ở nhiều nơi, cả ở trường, thầy cô bên ngoài và trước khi thi còn lên Hà Nội ôn thi 1 tháng”.
Chị ghi nhận nỗ lực của con gái nhưng cũng thừa nhận việc con được điểm 10 cả 2 môn còn có yếu tố may mắn.
“Thi xong cháu có kể, hầu hết làm được các câu. Còn một số câu cuối, cháu thấy khó nên suy đoán là chính. Rất may là những câu cháu không dám chắc lắm thì lại đúng. Con cũng thừa nhận là có may mắn. Con nói, thực sự có những câu khó quá, con không giải ra”.
Dự tính điểm sau khi thi của Diệp là mỗi môn nắm chắc khoảng 8 điểm.
“Nhiều khi trước bài thi học kỳ, cháu học cả đêm. Trước kỳ thi này, cháu cũng học đến tận gần lúc thi. Con nói con không ngủ được. Kết quả ngày hôm nay là tổng hòa nỗ lực của bản thân con, sự chỉ dẫn của các thầy cô cộng thêm yếu tố may mắn” – chị nói.
“Điểm thi thử có thể là một kênh để đánh giá chất lượng của thí sinh nhưng không phải là chỉ số có ý nghĩa tuyệt đối.
Có những học sinh tham gia thi thử với tâm lý chưa đủ áp lực, hoặc không muốn làm hết sức.
Như bản thân tôi trước kia thi khối D1 (Toán, Văn, Anh) nhưng trừ môn tiếng Anh, 2 môn còn lại mỗi khi nhà trường tổ chức thi thử đều không làm hết sức.
Lý do là tôi sợ nếu dồn sức cho những bài luận Ngữ văn sẽ làm cảm hứng bản thân bị sụt giảm, đến lúc làm bài thi thật khó mà viết hay được.
Còn môn Toán do trường tôi theo học là trường thuộc top khá của tỉnh nên đề ra rất khó, câu nào cũng chỉ làm được 1-2 ý nhỏ. Vì thế chưa bao giờ tôi đạt điểm cao trong kì thi thử, điểm tổng 3 môn chỉ dao động 12-13 điểm.
Tuy nhiên đến khi thi thật thì đề lại phù hợp với khả năng, cùng với áp lực thật sự nên dành hết sức tập trung để làm.
Kết quả đạt là 21 điểm 3 môn, cao hơn hẳn so với kì thi thử”
Chị Bùi Thị Thu Hiền, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
|
Theo Vietnamnet